Dân Việt

"Gã khổng lồ" tài chính Zhongzhi có nguy cơ sụp đổ, kinh tế Trung Quốc đối diện khủng hoảng

N.Hải 30/11/2023 16:02 GMT+7
"Gã khổng lồ" tài chính Zhongzhi hay còn gọi là "ngân hàng ngầm" thừa nhận đang bị điều tra và đứng trước nguy cơ sụp đổ vì vỡ nợ. Nguyên do là Zhongzhi vẫn tiếp tục tài trợ cho các dự án bất động sản bất chấp tình trạng khó khăn của thị trường.

Từ một doanh nghiệp buôn bán gỗ trở thành "gã khổng lồ" tài chính

Zhongzhi Enterprise Group được thành lập vào năm 1995 bởi Xie Zhikun tại thị trấn Y Xuân, tỉnh Hắc Long Giang, ban đầu là buôn bán gỗ. Sau khi lãi đậm từ những đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ, Zhongzhi đã "cất cánh" và sau 30 năm, đã trở thành một đế chế khổng lồ trong lĩnh vực ngân hàng ngầm và sở hữu cổ phần ở hàng loạt công ty quỹ tín thác, quản lý tài sản và vốn cổ phần tư nhân. 

Vào năm 2001, Zhongzhi lần đầu dấn chân vào ngành tài chính. Năm sau đó, tập đoàn này đã rót 120 triệu nhân dân tệ (khoảng 14,5 triệu USD thời đó) vào quá trình tái cấu trúc Harbin International Trust and Investment, rồi đổi tên thành Zhongrong International Trust.

Sự sụp đổ của "gã khổng lồ" tài chính được mô tả là Blackstone của Trung Quốc - Ảnh 1.

Trụ sở của Zhongzhi Enterprise Group ở Bắc Kinh

Năm 2009, Zhongzhi trở thành cổ đông lớn của Zhongrong. Từ thời điểm đó, doanh nghiệp đã phát triển từ một công ty nhỏ ở tỉnh lẻ thành một trong những tập đoàn đầu tư uy tín nhất của Trung Quốc. Sau đó, Zhongzhi tiếp tục mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như khai khoáng, cơ sở hạ tầng, bất động sản.

Tổng tài sản của Zhongzhi ở thời kỳ đỉnh cao vượt qua 1.000 tỷ nhân dân tệ (chừng 138 tỷ USD). Truyền thông địa phương cũng từng ví von tập đoàn kín tiếng này như Blackstone của Trung Quốc” và cũng là một trong những đế chế tài chính lớn nhất Trung Quốc.

Trong năm 2017, ông Xie với khối tài sản ròng 2,1 tỷ USD đã trở thành tỷ phú. Thế nhưng, năm 2019, hoạt động kinh doanh của Zhongzhi dần lao dốc khiến tài sản của ông cũng giảm dần, chỉ còn 1,5 tỷ USD.

Năm 2020, ông Xie bị rớt khỏi danh sách tỷ phú của Forbes. Một năm sau đó, vào năm 2021, nhà tài phiệt đã qua đời vì bệnh tim, ngay giữa lúc cuộc phong tỏa chống dịch Covid 19 khiến nền kinh tế Trung Quốc tổn thương và gây ra những biến động lớn trên thị trường. 

Sự sụp đổ của đế chế khổng lồ Zhongzhi trong lĩnh vực ngân hàng ngầm

Sau khi ông Xie qua đời, Liu Yang, cháu của Chủ tịch Zhongrong trở thành người kế nhiệm. Theo ông Yang Hongxun, nhà phân tích tại công ty tư vấn đầu tư Shandong Shenguang, Zhongzhi đã phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là từ thị trường nhà đất kể từ trước khi ông Liu lên nhậm chức. 

Trong khi Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh việc kiểm soát ngành địa ốc, các đối thủ của Zhongzhi sớm tìm cách để giảm bớt rủi ro. Tuy nhiên, Zhongzhi và các công ty liên kết bao gồm Zhongrong vẫn đầu tư vào thị trường này. Những năm qua, Zhongzhi đã mua lại một tòa nhà văn phòng trị giá 3,3 tỷ nhân dân tệ ở Bắc Kinh, trụ sở cũ của tập đoàn Jia Yueting, và một dự án trị giá 1,7 tỷ nhân dân tệ do Shimao Holding Group quản lý. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng duy trì tài trợ cho những nhà phát triển bất động sản gặp khó. Tập đoàn đã mua tài sản của nhiều công ty bao gồm Kaisa Group Holdings và Shenzhen Wongtee International Enterprise. 

Trong thời gian từ năm 2014-2016, Zhongrong đã phát hành tổng cộng hơn 10 sản phẩm ủy thác cho Evergrande. Tuy nhiên, các khoản đầu tư bất động sản trên đã trở thành gánh nặng gây sức ép cho tập đoàn vì ngành địa ốc Trung Quốc không hồi phục như kỳ vọng.

Hiện nay, khối tài sản của Zhongzhi quản lý chỉ còn 1,000 tỷ Nhân dân tệ (138 tỷ USD). Trong đó, một trong những khoản đầu tư quan trọng nhất của tập đoàn là 33% cổ phần ở quỹ tín thác Zhongrong. Quỹ tín thác Zhongrong đã có 270 sản phẩm đầu tư với tổng trị giá 39.5 tỷ Nhân dân tệ đến hạn thanh toán trong năm nay, theo nhà cung cấp dữ liệu Use Trust. Lợi tức trung bình của các sản phẩm đó lên tới 6.88%, cao hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi 1.5% ở các ngân hàng.

Đế chế khổng lồ đối mặt nguy cơ vỡ nợ dấy lên lo ngại về khủng hoảng kinh tế Trung Quốc

Cách đây ít ngày, Zhongzhi gửi một bức thư cho các cổ đông, nói rằng đang ở trong tình trạng khó khăn tài chính và đối mặt với nguy cơ “vỡ nợ nghiêm trọng”. Tập đoàn đang nợ 420 tỷ nhân dân tệ (tương đương 58,7 tỷ USD) trong khi tài sản chỉ còn 200 tỷ nhân dân tệ. Theo ông Zerlina Zeng, nhà phân tích cấp cao tại công ty nghiên cứu CreditSights, có thể khối nợ thực tế của Tập đoàn còn lớn hơn nhiều vì những số liệu trên không bao gồm nghĩa vụ nợ ngoài bảng cân đối kế toán.

Tuyên bố đang ở trạng thái “mất khả năng thanh toán trầm trọng”, Zhongzhi cho biết thêm công tác quản trị nội bộ cũng mất kiểm soát sau khi nhiều giám đốc cấp cao và nhân sự chủ chốt rời đi lúc nhà sáng lập Xie qua đời. Những dấu hiệu bất ổn ở Zhongzhi bắt đầu xuất hiện từ tháng 8, sau khi một trong những quỹ tín thác của tập đoàn không thể thanh toán đúng hạn cho các nhà đầu tư đã rót tiền vào các sản phẩm mang lại lãi suất cao.

Cuối tuần qua, các nhà chức trách Trung Quốc cũng gửi đi thông báo mở cuộc điều tra đối với Tập đoàn Zhongzhi. Theo Cảnh sát Bắc Kinh, Zhongzhi bị cáo buộc thực hiện những hành vi “bất hợp pháp” và cơ quan điều tra đã áp dụng biện pháp hình sự bắt buộc với một số nghi phạm, trong đó có cả người nhà họ Xie. Văn bản của cảnh sát đã không chỉ ra rõ những cáo buộc và chi tiết về những biện pháp được triển khai. Theo một kịch bản được Ying Yue, luật sư tại Công ty Luật Leaqual ở Thượng Hải đưa ra, hơn 75% tiền mặt của nhà đầu tư sẽ bị mất, và chỉ 100 tỷ nhân dân tệ (14 tỷ USD) được thu hồi từ khoản nợ lên tới 460 tỷ nhân dân tệ của Zhongzhi. 

Trước đó trong tháng 8 năm nay, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) đã chỉ rõ nhiều sản phẩm của công ty tín thác Zhongrong Trust trực thuộc ZEG đã quá hạn và không thể thanh toán. Việc Zhongzhi Enterprise không thể thanh toán tiền cho khách hàng làm bùng nổ làn sóng giận dữ và phản đối. Cảnh sát tại các thành phố Trung Quốc đã yêu cầu khách hàng của Zhongzhi không được tụ tập biểu tình nơi công cộng.

Zhongrong là đơn vị thuộc Top 10 doanh nghiệp tín thác tại Trung Quốc, nơi nhận tiền gửi từ các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp để tiến hành đầu tư chứng khoán, trái phiếu và các loại tài sản khác. Đồng thời, Công ty cũng thực hiện hoạt động cho vay đối với các khách hàng không thể tiếp cận tín dụng ngân hàng truyền thống. Zhongrong Trust vốn quản lý lượng tài sản trị giá 786 tỷ Nhân dân tệ tính đến cuối năm 2022, cho biết các mảng kinh doanh của công ty đối mặt với rủi ro tín dụng ở mức độ tương đối cao.

Sự sụp đổ của "gã khổng lồ" tài chính được mô tả là Blackstone của Trung Quốc - Ảnh 2.

Zhongrong nằm trong top 10 doanh nghiệp tín thác tại Trung Quốc

Zhongzhi không phải là tập đoàn tài chính duy nhất gặp khó khăn. Dữ liệu của Use Trust cho thấy, tính đến ngày 31/7, có 106 sản phẩm ủy thác trị giá 44 tỉ NDT đã rơi vào trạng thái vỡ nợ. Trong đó, các khoản đầu tư bất động sản chiếm 74%.

Những diễn biến tiêu cực tại hệ thống ngân hàng ngầm tạo thêm thử thách cho chính quyền Trung Quốc, vốn đang đối phó với tình trạng kinh tế hồi phục yếu, thị trường bất động sản khủng hoảng và xung đột địa chính trị với Mỹ.

Diễn biến này một lần nữa cũng nhắc nhở các thành viên thị trường tài chính về những biến động bất ngờ tại hệ thống tài chính Trung Quốc, nhất là khi khối nợ của các chính quyền địa phương cũng là vấn đề gây lo ngại bấy lâu.