Ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh (TP.HCM) khẳng định như vậy khi chia sẻ về những trải nghiệm trong hành trình trở thành một trong những tập đoàn dẫn đầu lĩnh vực xuất khẩu nông sản tại Việt Nam, cùng với quá trình đổi mới mạnh mẽ của doanh nghiệp theo hướng công nghệ cao, bền vững, thân thiện với môi trường.
Trong và sau đại dịch Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề, song ông Thông khẳng định, nhờ làm nông nghiệp nên Công ty Cổ phần Phúc Sinh vẫn có những bước phát triển vững chắc. Doanh thu 10 tháng đầu năm 2023 tăng khoảng 35% so với cùng kỳ năm trước và ước tính cả năm sẽ đạt khoảng 7.000 tỷ đồng.
Mới đây nhất, Phúc Sinh đã ký kết hợp tác với Công ty LNS International Corporation để thúc đẩy phân phối sản phẩm cà phê mang thương hiệu K COFFEE vào thị trường Mỹ, châu Âu, Úc – New Zealand và Nhật Bản.
Không bao giờ "ngủ quên" trên chiến thắng
Nói về chìa khóa sự thành công của Phúc Sinh, ông Thông cho biết "sự sáng tạo là ngọn đèn dẫn đường. Chúng tôi không chỉ nỗ lực và kiên trì, mà còn phát triển khả năng linh hoạt và sẵn sàng học hỏi của mỗi cá nhân trong tập đoàn".
- Để nói về văn hoá đổi mới sáng tạo hiện tại trong tổ chức của Phúc Sinh, chúng tôi có thể viện dẫn câu nói đã trở thành "kim chỉ nam" của mình, đó là "Thành công hôm nay đã là quá khứ".
Tôi luôn tâm niệm, luôn nhắc nhở nhân viên và chính mình rằng, phải quên đi những thành tích đã qua và phải bắt đầu xây dựng lại sự khác biệt từng ngày, từng tháng. Với tôi kinh doanh là phải thế, sáng tạo không ngừng và làm việc phải đến nơi, đến chốn. Không cho phép bản thân ngủ quên trên chiến thắng, bởi chìa khóa thành công của Phúc Sinh chính là nỗ lực, kiên trì và không ngừng sáng tạo.
Theo đó, văn hoá đổi mới này không chỉ là một phản ánh của quan điểm cá nhân người đứng đầu tập đoàn, mà là sự thể hiện của tinh thần đồng đội và cam kết của mỗi thành viên đối với sự tiến bộ.
Châm ngôn "Thành công hôm nay đã là quá khứ" không chỉ là một câu khẩu hiệu, mà là một triết lý sống được gắn kết sâu sắc trong tâm hồn mỗi người trong tổ chức.
Chúng ta không thể dừng lại ở thành công hôm qua, vì mỗi ngày là một cơ hội mới để nỗ lực và đổi mới. Tôi tin rằng kinh doanh không chỉ là việc duy trì mà còn là sự đổi mới không ngừng. Sự sáng tạo là ngọn đèn dẫn đường, và chúng ta không bao giờ nên ngừng tìm kiếm cách để cải thiện, thay đổi, làm mới bản thân cũng như tổ chức. Do đó tôi luôn khuyến khích mọi người không chỉ tìm kiếm cơ hội, mà còn tự tạo ra cơ hội bằng cách không ngừng đặt ra những thách thức mới và thách thức chính mình.
Bằng cách này, chúng ta không chỉ xây dựng nền văn hóa đổi mới mà còn định hình một tương lai mà Phúc Sinh tự hào có thể chia sẻ với thế giới.
- Chúng tôi gắn chặt sự phát triển của công ty với sự phát triển các hệ thống phần mềm, công nghệ, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ mới vào quản trị và điều hành doanh nghiệp. Khi có hệ sinh thái về phần mềm vững mạnh và hiện đại, chúng sẽ giúp chúng tôi thống kê, dự đoán, thực hiện trôi chảy các công việc hàng ngày. Chúng tôi căn cứ vào đó để đưa ra các chiến lược thúc đẩy trong tương lai dễ dàng và chính xác hơn.
Chiến lược chính của Phúc Sinh tập trung vào việc đảm bảo rằng sự phát triển của phần mềm không chỉ là một phần của quá trình kinh doanh, mà còn là hướng dẫn và định hình cách chúng tôi quản lý và điều hành doanh nghiệp.
Tức là chúng tôi không chỉ nhìn vào việc sử dụng phần mềm công nghệ trong quản lý và điều hành, mà còn chú trọng đến việc xây dựng một hệ sinh thái vững mạnh xung quanh nó. Chúng tôi đặt sự chú ý đặc biệt vào việc phát triển các hệ thống phần mềm linh hoạt, đáp ứng nhanh chóng với sự biến động của thị trường và yêu cầu kinh doanh cả trong hiện tại lẫn tương lai.
Tổng thể, chiến lược này không chỉ định hình văn hóa của Phúc Sinh mà còn là nền tảng cho sự đổi mới và tiến bộ không ngừng trong mọi khía cạnh của doanh nghiệp. Chúng tôi tin rằng việc kết hợp giữa sự sáng tạo trong phần mềm công nghệ và cam kết vững mạnh với phát triển doanh nghiệp là chìa khóa để mở ra những cơ hội mới và duy trì sự thành công dài lâu.
Trong quá trình thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo đó, ông đã gặp những thách thức nào và làm gì để vượt qua?
- Chúng tôi gặp vô vàn thách thức. Trước tiên phải kể đến đó là "thói quen" không chịu thay đổi, luôn muốn dùng cái cũ. Sự thành công quá cũng làm người ta không chịu thay đổi. Khi có thành công thì con người ta dễ rơi vào tình trạng "tự mãn", dễ "ngủ quên trên chiến thắng".
Thứ 2, tuổi tác cũng là một vấn đề lớn, biến con người trở nên ù lì, muốn an toàn và e ngại đương đầu với những điều mới mẻ. Nếu con người không chịu thay đổi thì phải làm sao để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo? Là người lãnh đạo, tôi nghĩ rằng đầu tiên chính mình phải thay đổi. Cùng với việc đặt ra các mục tiêu, bạn phải xây dựng cho bản thân và các cộng sự những mục tiêu cụ thể, lộ trình rõ ràng. Có như vậy mới không bị rơi vào bế tắc và "lạc đường", đảm bảo được định hướng lâu dài.
Mục tiêu càng rõ ràng, quá trình triển khai càng dễ. Chúng tôi không xem xét vấn đề nào là không thể vượt qua, bằng cách đặt ra các hạn chế và cam kết thực hiện mọi thay đổi với sự kỷ luật, dám thay đổi để phù hợp với xã hội, với sự đổi mới hiện đại. Quan trọng hơn hết, chúng ta phải tạo ra một hệ thống mà ở đó con người sẵn sàng chấp nhận những thay đổi, lắng nghe những cái mới, những người mà gặp những cái mới là không nản lòng hay nhụt chí.
Vậy làm thế nào để khuyến khích sự hợp tác đa chức năng và chia sẻ ý tưởng trong tổ chức? Thứ nhất, bạn phải thuyết phục được tất cả các bộ phận trong hệ thống của mình, giúp họ nhìn thấy những lợi ích từ quá trình hợp tác, từ việc mạnh dạn ứng dụng công nghệ hiện đại. Ví dụ việc sử dụng phần mềm ERP (hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được vô vàn thời gian, công sức, lao động và tiền bạc.
Thứ 2, tạo môi trường làm việc thuận lợi, tích cực để nhân viên có thể tự do thảo luận và chia sẻ ý tưởng. Thứ 3, khuyến khích tinh thần đoàn kết và chia sẻ kiến thức qua các buổi làm việc nhóm, team-building, hoặc buổi đào tạo chung...
Ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo giúp Phúc Sinh hạn chế rủi ro
Theo ông, người lãnh đạo đóng vai trò gì trong việc thúc đẩy văn hóa đổi mới và làm thế nào để thu hút các nhà lãnh đạo thúc đẩy đổi mới?
- Là nhà lãnh đạo, nếu trong một tổ chức mà tất cả những bộ phận ở nhiều phòng ban khác nhau không chịu chạy trên cùng một nền tảng thì người lãnh đão cần đứng ra phân tích, làm sao để họ hiểu trước khi muốn họ thực hiện. Muốn thúc đẩy thì phải có deadline, có KPI tương ứng và mọi người cùng nhìn về một mục tiêu. Ở khía cạnh lãnh đạo, anh phải là người chủ động, tiên phong khuyến khích, thúc đẩy, cùng với gây áp lực thì chắn chắn sẽ thực hiện được.
Thực tế tại Phúc Sinh cho thấy, công nghệ sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và giảm thiểu những rủi ro, sai lầm. Nếu không dùng công nghệ, thì làm sao chúng tôi vận hành được hàng trăm con người ở các phòng ban khác nhau.
Hàng ngày Phúc Sinh nhận số lượng hàng hoá cả trăm đơn hàng, và con người sẽ không thể xử lý hết cùng một lúc. Bạn có thể bỏ sót những thông tin và giai đoạn nếu chỉ làm thủ công. Ngược lại, dùng phần mềm sẽ giúp bạn tối ưu nguồn lưu trữ, nhanh chóng phát hiện ra các lỗi sai để cập nhật, chỉnh sửa kịp thời.
Ông có thể nêu ví dụ về một vài dự án đổi mới thành công trong chuyển đổi doanh nghiệp?
- Đó là ERP - hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp. Ban đầu khi chúng tôi xây dựng ERP, rất nhiều bộ phận không muốn làm. Họ giữ các thông tin, ví dụ như bộ phận kế toán thì kế toán trưởng muốn giữ tất cả thông tin dành cho bộ phần của mình. Giám đốc tài chính cũng không muốn chia sẻ thông tin cho các bộ phận khác… Nhưng khi vận dụng ERP, tất cả những gì liên quan họ phải chia sẻ, đúng số liệu, đúng mốc thời gian để cập nhật đến tất cả mọi người. Khi đó phần mềm sẽ tự chạy cho ra bảng biểu, từ bảng biểu đó chúng ta có thể học về quản trị, đánh giá, thống kê tất cả mọi thứ từ A đến Z.
Trong quá trình đổi mới, Phúc Sinh gặp phải những thách thức gì về môi trường, xã hội, thưa ông?
- Quả thật, sau đại dịch Covid-19 mọi người bắt đầu nói nhiều hơn tới khái niệm Phát triển bền vững (gồm các tiêu chí về Môi trường, Xã hội và Quản trị, gọi tắt là ESG). Phúc Sinh là những công ty đầu tiên ở Việt Nam thực hiện những chuẩn mực về ESG và gần như 90% hệ thống của chúng tôi đang chạy tốt cho vấn đề ESG. Lí do là bởi chúng tôi đã ý thức vấn đề sản xuất bền vững từ hàng chục năm trước.
Sau đại dịch, ý thức về phát triển bền vững càng trở nên bức thiết. Phúc Sinh phải đối mặt với áp lực, thách thức và đảm bảo toàn hệ thống tuân thủ những tiêu chuẩn này, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững. Với một doanh nghiệp xuất khẩu lớn như Phúc Sinh, nếu dùng giấy để in uỷ nhiệm chi thì không biết bao nhiêu giấy thải ra. Rất may là hệ thống phần mềm đã giúp chúng tôi lưu trữ, tiết kiệm thời gian và góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững cho Tập đoàn.
Nhiều người nghĩ sau đại dịch, kinh tế, xã hội sẽ quay lại bình thường, nhưng chúng tôi không nghĩ như vậy. Thay vào đó, đại dịch đã làm thay đổi bản chất, hoạt động, hình thức kinh doanh. Cho nên chúng tôi nghĩ rằng đây là thời điểm khó khăn rất nhiều, và chúng tôi đã lên chiến lược ứng phó với tình hình mới.
Phúc Sinh chia ra nhiều nhóm đi khắp thế giới khảo sát thị trường, tiếp cận khách hàng, làm thế nào chúng tôi có thể hiểu được, đọc được các vấn đề mà khách hàng quan tâm ở khắp thế giới, đọc các vấn đề xảy ra ở Nam Mỹ, Châu Âu, Trung Đông, Châu Á… Thực sự từ đầu năm 2023 đến nay, tôi ra khỏi văn phòng 6 tháng, thời gian ở sân bay, khách sạn, gặp khách hàng, hội nghị hội chợ nhiều hơn ở nhà và tôi nhận thấy một điều, đánh giá của chúng tôi về thị trường đúng.
Khi sang châu Âu, chúng tôi nhìn thấy tình hình kinh tế rất khó khăn, gần như là sau một trận cuồng phong đại dịch, mọi thứ khác biệt hoàn toàn. Và chúng tôi có chính sách tiếp cận khách hàng phù hợp, họ chứ không để đợi họ tìm mình như trước. Thực tế, Công ty CP Phúc Sinh đã trở nên vượt trội hơn nhờ thích nghi với những điều kiện khó khăn hơn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!