-Thưa ông, nhiệm kỳ qua hoạt động của Hội nông dân và phong trào nông dân tại Hải Phòng đã đạt được những thành tựu nổi bật nào trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam?
Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân thành phố Hải Phòng đã triển khai, cụ thể hóa về thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam qua việc xây dựng 11 chương trình hành động, 05 đề án, 335 kế hoạch hoạt động, ban hành các Nghị quyết Ban Thường vụ (BTV), BCH HND thành phố theo quy chế.
Ban hành gần 5.000 danh mục văn bản các loại, đồng thời ký chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện những chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Nghị quyết gắn với các chương trình, đề án phát triển kinh tế, xã hội ở mỗi địa phương.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28/01/2022 về chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thành phố Hải Phòng tập trung thực hiện Đề án nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản trong cơ cấu giá trị.
Triển khai một số mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất quy mô lớn, đưa cơ giới vào sản xuất; nhiều vùng chuyên canh rau màu, cây ăn quả, trồng hoa cây cảnh; một số diện tích chuyển sang mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ...
Các chỉ tiêu Đại hội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018-2023 cơ bản đều đạt và vượt. Công tác tuyên truyền được đổi mới, có sự chuyển biến rõ nét về nội dung, phương pháp; hình thức đa dạng, thiết thực, gắn với các mô hình phát triển kinh tế điển hình; góp phần quan trọng làm chuyển biến tư tưởng, nâng cao nhận thức, ý thức chính trị của cán bộ, hội viên nông dân, tạo sự đồng thuận giữa nông dân với Đảng, chính quyền và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
-Từ những kiến nghị, đề xuất được nêu trong loạt bài Hướng tới ĐH VIII về hoạt động của Chi, tổ hội nghề nghiệp, Chi hội HND, nhiệm kỳ tới Hội NDVN thành phố Hải Phòng sẽ cần những điều kiện gì để thực hiện, thưa ông?
Hiện nay, thành phố Hải Phòng đã thành lập được 36 chi tổ Hội nghề nghiệp (với 972 thành viên) gồm các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ, nuôi trồng, chế biến thủy sản... Các cấp Hội đã trực tiếp, phối hợp vận động, hướng dẫn thành lập mới 321 mô hình (283 tổ hợp tác, 38 hợp tác xã) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp (đạt 121 % chỉ tiêu Đại hội).
Để phát huy hiệu quả trong thời gian tới, Hội Nông dân thành phố Hải Phòng cần thực hiện tốt các nội dung trọng điểm sau:
Thứ nhất, phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng HND Hải Phòng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, khả năng nắm bắt, phân tích, tổng hợp và kỹ năng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, có đủ năng lực tập hợp của đội ngũ cán bộ hội; phát huy ý chí tự lực tự cường, sức sáng tạo của hội viên, nông dân.
Thứ 2, tổ chức tốt các phong trào thi đua trong nông dân, nhất là phong trào thi đua "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân; huy động các nguồn lực để hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân; góp phần thực hiện có hiệu quả công cuộc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố.
Thứ 3, tiếp tục Chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, ngày 05/8/2019 của BCH Trung ương HND Việt Nam: Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW về "Đẩy mạnh xây dựng chi HND nghề nghiệp, tổ HND nghề nghiệp"; Nghị quyết số 05-NQ/HNDTW, về "Tăng cường công tác phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên HND Việt Nam" và Nghị quyết số 06-NQ/HNDTW, về "Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ HND Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới".
Phấn đấu trong nhiệm kỳ 2023-2028, 100% cơ sở Hội xây dựng được từ 3-5 mô hình liên kết, hợp tác phát triển sản xuất. Hằng năm, mỗi cơ sở Hội hỗ trợ thành lập mới 01 tổ hợp tác; mỗi huyện, quận Hội giúp đỡ thành lập 01 hợp tác xã theo Luật HTX và 01 chi HND nghề nghiệp.
-Ông cho biết Kế hoạch, hành động của Hội Nông dân thành phố Hải Phòng trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết?
Trong 5 năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến khó lường, cạnh tranh chiến lược, xung đột cục bộ, tranh chấp thương mại tác động mạnh đến chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu. Khoa học, công nghệ số, nhất là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với chuyển đổi số, kinh tế số tác động toàn diện sâu sắc đến tất cả các quốc gia. Đảm bảo an ninh lương thực và nguồn nước là thách thức lớn đối với nhân loại. Các cam kết, hiệp định thương mại tự do... được ký kết tạo ra nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng lợi thế cạnh tranh về giá trị, nhưng cũng là thách thức về thương mại nông sản với đòi hỏi cao về tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp.
Trong bối cảnh đó, công tác Hội và phong trào nông dân Hải Phòng sẽ tiếp tục triển khai những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố về nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: Chương trình hành động số 76-CTr/TU, ngày 08/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình hành động số 42-CT/TU ngày 22/12/2022 của BTV Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng về nông dân, nông nghiệp và nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045… là cơ sở để thành phố phát triển, trong đó có phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc ... sẽ góp phần nâng cao đời sống hội viên, nông dân; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác Hội và phong trào nông dân Hải Phòng.
Thứ nhất, tham mưu xây dựng cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực tạo điều kiện để nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.
Thứ 2, vận động hội viên, nông dân đi đầu trong tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu.
Thứ 3, chủ động hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển sản phẩm thương hiệu OCOP; đẩy mạnh liên kết sản xuất, chuyển đổi số, tích cực đưa sản phẩm nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Hội vẫn còn những khó khăn nhất định, Hội Nông dân TP Hải Phòng sẽ đề xuất về vấn đề gì để thực hiện kế hoạch hành động?
Nhiệm kỳ mới 2023 – 2028, các cấp Hội Nông dân TP Hải Phòng tiếp tục tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động như sau:
Một là, nắm vững các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tranh thủ sự chỉ đạo của Hội cấp trên, sự lãnh đạo của các cấp uỷ, quan tâm của các cấp chính quyền để vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn phong trào nông dân của từng địa phương.
Căn cứ vào tình hình thực tế của thành phố, Đảng đoàn, Ban Thường vụ HND thành phố đã quán triệt, nghiên cứu tham mưu, đề xuất với Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố những vấn đề lớn, phù hợp và tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể thành phố đối với công tác Hội và phong trào nông dân trong điều kiện mới.
Hai là, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, cán bộ phải thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt tư tưởng của hội viên, kịp thời chỉ đạo phong trào phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền vận động, gắn với hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn khoa học, kỹ thuật phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chủ động đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ Hội từ thành phố đến cơ sở.
Ba là, thường xuyên củng cố nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cả về phẩm chất chính trị và năng lực công tác, nhất là kỹ năng chỉ đạo thực tiễn, kỹ năng vận động quần chúng, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đa dạng hóa các mô hình hoạt động, các hình thức tập hợp hội viên để thu hút đông đảo nông dân tham gia vào tổ chức Hội. Chủ động, tham gia thực hiện các chương trình, đề án, các hoạt động lớn của thành phố, địa phương liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bốn là, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội để tranh thủ tạo nguồn lực giúp hội viên về kiến thức, khoa học kỹ thuật, các nguồn vốn, các dự án phát triển sản xuất đem lại lợi ích thiết thực, nhất là tập hợp hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, thông qua các loại hình vận động, qua đó làm nòng cốt cho các phong trào của Hội.
Năm là, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến; kịp thời sơ, tổng kết và biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong các phong trào. Công khai minh bạch trong tổ chức thực hiện và bình xét các phong trào thi đua, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ, hội viên nông dân.