Nuôi gà tự động hóa ở Hải Phòng, đẻ trứng sòn sòn, nông dân tự trả lương cả trăm triệu/tháng
Nuôi gà tự động hóa ở Hải Phòng, đẻ trứng sòn sòn, nông dân tự trả lương cả trăm triệu/tháng
Thu Thủy
Thứ hai, ngày 30/10/2023 18:42 PM (GMT+7)
Anh Nguyễn Quang Vình trú tại thôn Đốc Hậu, xã Toàn Thắng (huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) đang nuôi 12.000 gà đẻ trứng thương phẩm áp dụng công nghệ tự động hóa. Công nghệ kỹ thuật số điều khiển trên hệ thống cảm biến khí hậu để chăm sóc đàn gà nuôi, cho năng suất, chất lượng cao, bảo vệ môi trường, chăn nuôi hiệu quả, bền vững.
Bước vào công việc chăn nuôi gà từ năm 2011, ban đầu gia đình anh Nguyễn Quang Vình nuôi gà ri thương phẩm.
Giai đoạn mọi người trong gia đình anh nắm bắt được kiến thức, kinh nghiệm kỹ thuật chăn nuôi gà trong tay thì cũng là lúc thị trường gà nuôi bán thịt biến động, giá cả bấp bênh… Gia đình anh Vình đã chuyển hướng sang nuôi gà đẻ trứng.
Năm 2015, gia đình anh Vình sửa sang chuồng trại mua giống gà siêu trứng về nuôi. Anh Vình thiết kế chuồng nuôi theo quy trình khép kín rộng với diện tích 1300m2, quy mô nuôi 12.000 con trên 3 dãy chuồng.
Xung quanh chuồng được xây kín kiên cố, đảm bảo ấm ấp về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, có hệ thống chiếu sáng, hệ thống cung cấp nước, thức ăn tự động…
Clip: Trại gà đẻ trứng của gia đình anh Nguyễn Quang Vình trú tại thôn Đốc Hậu, xã Toàn Thắng (huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) đang áp dụng công nghệ số điều khiển trên hệ thống cảm biến khí hậu để chăm sóc đàn gà nuôi. Thục hiện: Thu Thủy
Đầu năm 2023, được sự quan tâm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng. Gia đình anh Vình đã tiên phong triển khai ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ số trong sản xuất và giám sát môi trường nuôi dưỡng, quản lý sức khỏe vật nuôi.
Tại đây, gia đình anh Vình được tham gia đào tạo tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gà sinh sản theo VietGAHP, hướng dẫn kỹ thuật vận hành hệ thống IOT cả về lý thuyết và thực hành.
Nuôi gà tự động hóa-Thiết bị có thể giám sát, theo dõi từ xa
Trò chuyện với anh Nguyễn Quang Vình về việc vận hành thiết bị tự động công nghệ số trong chăn nuôi gà đẻ trứng của gia đình, anh Vình cho biết, chỉ sau 1 tuần đi vào hoạt động anh và cả gia đình đã khá thành thạo các thao tác vận hành trên điện thoại thông minh. Chia sẻ… để mọi người trong gia đình cùng quản lý
Với hệ thống thiết bị quản lý thông minh này gia đình anh Vình có thể theo dõi đàn gà đẻ của gia đình mọi lúc, mọi nơi.
Những lúc không có mặt ở trang trại hoặc đi chơi xa anh Vình vẫn điều khiển việc ăn, uống, theo dõi sức khỏe của đàn gà mà không phải trực tiếp vào chuồng như trước đây.
Hệ thống cảm biến nhiệt độ trong trại gà sẽ tự động điều chỉnh tốc độ quay hoặc số lượng quạt hút gió hoạt động, đảm bảo cho nhiệt độ, độ ẩm không khí của chuồng gà luôn ổn định ở ngưỡng (đã cài đặt trước) phù hợp với trường giai đoạn phát triển của gà...
Điều này, nhằm tạo môi trường sống thuận lợi để gà phát triển đồng đều, hạn chế được mầm bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi. Người chăn nuôi ít phải tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi nên sức khỏe cũng tốt hơn.
Hệ thống thu thập dữ liệu cảm biến và điều khiển các thiết bị như hệ thống quạt thông gió, động cơ kéo tải, hệ thống đèn sưởi… dựa vào việc đưa ra quyết định được xác thực từ hệ thống.
Ví dụ khi nhiệt độ trong phòng lớn hơn cài đặt hệ thống quạt thông gió, phun sương làm mát hoạt động để giảm nhiệt độ phù hợp với vật nuôi.
Những lúc trại gà mất điện, hệ thống ATS được kích hoạt, tự đề nổ máy phát điện để hệ thống trại trở lại hoạt động bình thường. Khi nào có điện lưới thì hệ thống lại tự động đảo lại cấp điện trở lại.
Theo anh Vình, việc vận hành việc chăm sóc vật nuôi bằng công nghệ số là sự đột phá trong việc quản lý chăn nuôi. Tiết kiệm được nhân công lao động, điện năng sử dụng, thời gian quản lý, mang lại hiệu quả rõ rệt.
Đối với trang trại nuôi gà đẻ trứng nhà anh Vình từ khi có hệ thống cho ăn tự động đã hỗ trợ gia đình theo dõi, chăm sóc gà đẻ trứng hiệu quả. Hơn nữa, với hệ thống cho ăn theo định lượng còn giúp gia đình anh tránh lãng phí thức ăn cho gà.
Đặc biệt, khi áp dụng công nghệ này hệ thống máy móc xung quanh trang trại sẽ được gắn cảm biến bao quát toàn bộ khu vực chuồng nuôi và được kết nối internet. Người nuôi hoàn toàn vận hành, điều khiển hệ thống thiết bị trên điện thoại thông minh.
"Trước đây, khi chưa áp dụng công nghệ số vào chăn nuôi thì lượng trứng gà đẻ thu về không đều, với 12.000 con gà đẻ, mỗi ngày gia đình chỉ thu về được 9.100 trứng gà thương phẩm. Tuy nhiên, khi áp dụng công nghệ số vào chăn nuôi, đàn gà sinh trưởng và phát triển đồng đều hơn, đẻ trứng sai hơn trước. Hiện, với 12.000 gà đẻ trứng, gia đình anh Vình thu được 9.500 - 9.600 trứng gà/ngày, giá bán giao động từ 2.500 – 3000/quả" – anh Vình chia sẻ thêm.
Để mở rộng sản xuất, năm 2022, anh Vình đã thành lập HTX mang tên, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ chăn nuôi Duy Nhất.
Hiện sản phẩm trứng gà ở Hợp tác xã Duy Nhất của anh Vình được UBND TP Hải Phòng chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Đây là sản phẩm về trứng gà đầu tiên và duy nhất tại thành phố Cảng được chứng nhận OCOP đến thời điểm này. Hiện sản phẩm trứng gà của trang trại đang được bán trực tiếp đến các siêu thị, bếp ăn, khu công nghiệp, trường học, các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.