Nguồn thức ăn khổng lồ từ rừng ngập mặn, dân nơi này ở Hải Phòng nuôi ong thu lãi nửa tỷ/năm
Thấy nguồn thức ăn khổng lồ từ rừng ngập mặn, dân nơi này ở Hải Phòng nuôi ong thu lãi nửa tỷ/năm
Trần Phượng
Thứ hai, ngày 25/09/2023 05:10 AM (GMT+7)
Dựa vào điều kiện tự nhiên, nông dân tại nhiều địa phương đã mạnh dạn phát triển kinh tế từ nghề nuôi ong lấy mật, điển hình như tại HTX Mật ong Tùng Hằng, sản phẩm mật ong hoa rừng ngập mặn nguyên chất của HTX được chứng nhận OCOP đạt 3 sao và đang có những bước phát triển ổn định, bền vững.
Rừng hoa cây bần (cây lậu) rộng trên 650ha, thuộc xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) là nguồn thức ăn vô tận của đàn ong nuôi trong các gia đình và làm nên thứ mật ong thơm ngon, mang đặc trưng rất riêng của vùng.
Để giảm thiểu rủi ro thảm họa thiên tai, hạn chế tác động của sóng biển khi có bão, làm chậm dòng chảy, giảm độ cao của sóng, bảo vệ đê và ngư dân ven biển, năm 1997, xã Đại Hợp được Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ dự án "Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa".
Sau một năm, rừng cây bần cho hoa trái, các hộ nuôi ong ở nơi khác theo nhau di chuyển đàn ong về khu vực rừng ngập mặn của Đại Hợp để ong hút mật hoa.
Nhận thấy việc nuôi ong cạnh rừng ngập mặn có nhiều thuận lợi, hiệu quả kinh tế cao lại thân thiện với môi trường nên một số hộ dân ở đây đã tìm học nghề rồi chuyển hướng phát triển kinh tế sang nuôi ong lấy mật.
Điển hình như gia đình anh Đặng Thanh Tùng (thôn Đông Tác, xã Đại Hợp) - một trong những hộ tiên phong chuyển đổi từ nghề đánh bắt thủy sản sang nuôi ong lấy mật.
Theo kế hoạch trong giai đoạn 2021-2025, TP.Hải Phòng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm Chương trình OCOP, áp dụng quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản lý sản phẩm OCOP, đồng thời tiêu chuẩn hóa nguyên liệu và quy trình sản xuất.
Anh Tùng cho biết, trước khi đến với nghề nuôi ong, anh đã có nhiều năm gắn bó với nhiều công việc khác như: Làm dịch vụ nông nghiệp, máy cày, máy tuốt, khai thác thủy sản ven bờ...
Từ khi có cánh rừng ngập mặn mang nguồn thức ăn khổng lồ cho ong, anh Tùng đã quyết định chuyển hướng sang làm nghề mới này.
Theo anh Tùng, nghề nuôi ong không quá khó, ai quan tâm cũng có thể làm được nhất là khi trước mặt nhà anh Tùng là cả một rừng hoa lậu. Cây lậu cứ thế lớn lên, chỉ cần bảo vệ, không phải chăm sóc hay phòng trừ sâu bệnh, vì thế nguồn dinh dưỡng từ rừng hoa lậu luôn an toàn tuyệt đối.
"Tuy nhiên, để có chất lượng mật tốt đầu tiên phải chọn được giống ong tốt thì chất lượng đàn ong mới tốt, năng suất mật mới cao. Giống ong nhà tôi và các hộ lựa chọn nuôi chủ yếu là ong nội địa. Giống này có kích thước nhỏ nhưng chúng có sức đề kháng cao, chống chịu bệnh rất tốt" - anh Tùng chia sẻ.
Từ số lượng 2 đàn ong lúc ban đầu, nay gia đình anh Tùng đã phát triển lên gần 400 đàn ong. Mật ong của gia đình sản xuất không đủ cung ứng cho khách hàng. Có năm, gia đình anh Tùng thu về 5.000 lít mật ong, bán với giá 300.000 đồng/ lít, trừ mọi chi phí đầu tư gia đình anh thu được 500 triệu đồng tiền lãi.
Tháng 5/2020, HTX Mật ong Tùng Hằng chính thức được thành lập theo Luật HTX 2012 đã mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi ong tại đây. Với chất lượng vượt trội nhờ vào nguồn hoa rừng ngập mặn tự nhiên, cũng trong năm 2020, sản phẩm mật ong của HTX được chứng nhận đạt OCOP 3 sao.
Nhờ có đầy đủ tem mác, nguồn gốc, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm mật ong của HTX ngày càng nâng cao được năng lực cạnh tranh trên thị trường. So với các sản phẩm mật ong nuôi bán tự nhiên khác, thì mật ong nuôi từ rừng ngập mặn luôn đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nguồn thức ăn của ong, hàm lượng các chất khoáng cao hơn, vì thế mật ong đảm bảo chất lượng và giàu dinh dưỡng hơn...
Theo Chương trình OCOP, HTX Tùng Hằng cũng được thành phố đầu tư hệ thống máy thủy phân mật ong, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Khánh, một trong số thành viên của HTX mật ong Tùng Hằng cho biết, mật ong rừng ngập mặn luôn đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong trong nguồn thức ăn của ong, giàu hàm lượng khoáng và dinh dưỡng.
Quần thể rừng ở đây có nhiều loài cây nở hoa, một năm cho hoa khoảng 10 tháng, người nuôi ít phải chuyển vị trí đàn đi xa kiếm mật. Hai tháng còn lại thiếu hoa các hộ nuôi sẽ di chuyển đàn ong sang địa phương bên cạnh là phường Bàng La (quận Đồ Sơn) – nơi có hàng trăm ha hoa táo.
"Sản phẩm mật ong của gia đình tôi và các hộ dân trong xã sau thu hoạch mang quay lấy mật, tiếp tục được cho vào máy tách nước thủy phân, khi nào lượng nước trong mật ong chỉ còn dưới 21% là đảm bảo. Làm như vậy mật ong sẽ để được lâu hơn, chất lượng mật thơm ngon hơn" - ông Khánh nói.
Trao đổi với về lợi ích kinh tế từ nghề nuôi ong lấy mật, ông Hoàng Xuân Tiến - Chủ tịch UBND xã Đại Hợp cho biết, xã Đại Hợp có trên 20 hộ đang nuôi ong lấy mật, sản phẩm sản xuất tới đâu hết tới đó, người nuôi không phải lo đầu ra. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài và bền vững, xã đã phối hợp tổ chức tuyên truyền cho người nuôi có ý thức bảo vệ rừng ngập mặn.
Hàng năm xã Đại Hợp tiến hành trồng bổ sung rừng ngập mặn để tăng thêm diện tích, tạo ra "lá chắn xanh" bảo vệ môi trường sinh thái đồng thời góp phần phát triển kinh tế, nâng cao sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm mật ong quê hương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.