Cụ thể, UBND TP.Hà Nội vừa có tờ trình gửi tới HĐND TP.Hà Nội về việc thông qua các biện pháp, cơ chế chính sách đối với dự thảo Đề án tổng thể nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo UBND TP.Hà Nội, Thủ đô Hà Nội có tổng diện tích khoảng 3.360 km2 , gồm 30 quận, huyện, thị xã, 579 xã, phường, thị trấn, 5371 khu dân cư; dân số thường xuyên sinh sống và tạm trú khoảng 10 triệu người, mật độ dân cư đông đúc, đặc biệt tập trung tại các quận nội thành, thành phần kinh tế xã hội đa dạng.
Hà Nội hiện có 159.780 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy, trong đó, có 8.261 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, 01 cảng hàng không quốc tế, 08 cảng sông, 10 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, 70 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và trên 500 khu dân cư, làng nghề có nguy cơ cháy, nổ cao.
Điều kiện hạ tầng, giao thông, nguồn nước liên quan phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ chưa đồng bộ để đáp ứng với tốc độ phát triển kinh tế xã hội; nhận thức, ý thức trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của một bộ phận cấp ủy, chính quyền địa phương (nhất là cấp phường, xã), người đứng đầu cơ sở và người dân chưa cao.
Thống kê trong 10 năm (2013 - 2023), Hà Nội xảy ra 4.459 vụ cháy, 18 vụ nổ; ngoài ra có khoảng trên 8.000 vụ sự cố nhỏ khác (cháy rác, phế liệu; chập dây dẫn điện trên cột; chập điện, sơ xuất trong đun nấu trong nhà dân).
Cùng với đó, Hà Nội hiện có khoảng trên 4.500 tuyến đường, phố, ngõ, ngách, hẻm có chiều dài hơn 200m, xe chữa cháy không thể tiếp cận được; nhiều tuyến phố, ngõ, xóm, tình trạng làm mái che, mái vẩy vượt quá ranh giới đất cho phép, lưới điện; người dân đắp bục, bệ, barie hoặc các hàng quán, phương tiện lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận của xe chữa cháy.
Đến năm 2023, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an TP.Hà Nội có tổng cộng 238 xe ô tô, trong đó 28% số xe sử dụng từ 10 đến 20 năm thường xuyên xảy ra hư hỏng; việc sửa chữa khó khăn, thời gian chờ sửa chữa kéo dài do phải đặt hàng, chờ chuyên gia, chờ nhập thiết bị từ nước ngoài…
Ngoài việc sử dụng các phương tiện vào mục đích chữa cháy, các phương tiện còn được sử dụng vào việc giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố như tham gia bảo vệ các sự kiện, kỳ cuộc; tham gia cưỡng chế thi hành án dân sự…
Theo UBND TP.Hà Nội, trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng để tổ chức chữa cháy đối với các vụ cháy, nổ xảy ra trong không gian kín, không gian ngầm, cháy trong ngõ nhỏ, sâu và các vụ cháy, nổ liên quan hóa chất còn hạn chế; trang phục bảo hộ như quần áo, mũ, ủng, găng tay, bình khí, mặt nạ lọc độc,... cho cán bộ, chiến sỹ tham gia, thực hiện chữa cháy còn thiếu nhiều.
UBND TP.Hà Nội đề xuất bổ sung phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy.
Cụ thể, UBND Thành phố đề xuất bổ sung 26 xe chữa cháy, 2 xe chữa cháy có đầu phá dỡ điều khiển từ xa, 16 xe cứu nạn cứu hộ, 1 xe chữa cháy trong môi trường hóa chất, 20 xe téc nước chữa cháy, 21 xe tải chở phương tiện, 1 xe xử lý sự cố hóa chất sinh học, 5 xe thang 32 mét, 6 xe thang 52 mét, 1 tàu chữa cháy, tàu chữa cháy trên sông, xuồng cứu hộ, ca nô chữa cháy, máy bay trực thăng cứu nạn cứu hộ; máy bay chữa cháy.