Bộ Công Thương vừa trả lời đơn kiến nghị của Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) về chi phí kinh doanh định mức trong giá thành cơ sở xăng dầu liên quan tới Nghị định xăng dầu số 95/2021/NĐ-CP.
Theo đơn thư, phản ánh của một số đại lý bán lẻ xăng dầu, có một số thời điểm thiếu hụt nguồn cung, giá xăng dầu trên thị trường biến động khó lường, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu giao hàng cho các đại lý với mức thù lao (chiết khấu) không đủ trang trải chi phí kinh doanh, thậm chí còn bị thua lỗ khi các chi phí này biến động tăng. Nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu cần quy định rõ mức chiết khấu trong công thức giá xăng dầu cơ sở.
Bộ Công Thương dẫn Thông tư 104/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính cho biết: Khoản chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước (chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế) của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, thương nhân nhận quyền bán lẻ, tổng đại lý xăng dầu để tính giá cơ sở theo mức tối đa. Như vậy, mức chiết khấu cho đầy đủ các đối tượng có liên quan khi tham gia vào chuỗi cung ứng xăng dầu đã được tính trong chi phí kinh doanh xăng dầu định mức.
Theo Bộ Công Thương, mức chiết khấu là khoản chênh lệch giá mua, giá bán lẻ, giá bán và do các doanh nghiệp tự thỏa thuận trong hợp đồng trên cơ sở: phát triển hệ thống phân phối; quy mô, sản lượng tiêu thụ; phương thức thanh toán; điều kiện giao hàng và quan hệ mua bán giữa doanh nghiệp.
Hơn nữa, mức chiết khấu là một trong những yếu tố cạnh tranh quan trọng giữa các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu để mở rộng thị phần của mình.
Hiện nay, thương nhân tham gia trong chuỗi kinh doanh xăng dầu dưới các loại hình như thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu.
"Nếu quy định quy định mức chiết khấu riêng cho đại lý bán lẻ xăng dầu, thì cũng phải quy định tương tự cho các loại hình thương nhân khác trong chuỗi kinh doanh xăng dầu. Quy định như vậy sẽ hạn chế tính linh hoạt cũng như hạn chế cạnh tranh về chi phí giữa các thương nhân", Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Nghị định mới thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu, dự kiến trình Chính phủ trong quý II/2024.