Nghị định 80 cởi được 4 "nút thắt", nhưng nguy cơ "ve sầu thoát xác" đẩy chi phí xăng tăng cao có thể xảy ra

An Linh Chủ nhật, ngày 19/11/2023 06:52 AM (GMT+7)
Với tính toán của nhiều đại lý xăng dầu, Nghị định 80/2023 của Chính phủ đã "cởi bỏ" được 4 nút thắt lớn trong thị trường xăng dầu. Tuy vậy, vướng mắc lớn nhất là khâu phân phối xăng dầu vẫn phụ thuộc lớn vào tay doanh nghiệp đầu mối chính, chưa giải quyết triệt để tình trạng đẩy chi phí tăng cao, ve sầu thoát xác.
Bình luận 0

Đại lý sẽ lấy xăng dầu 3 nguồn như thế nào?

Dù hồ hởi với những kiến nghị, góp ý trong suốt hai năm qua được Chính phủ, cơ quan soạn thảo lắng nghe, bổ sung vào Nghị định 80/2023 mới về kinh doanh xăng dầu, nhưng có một số điểm đại lý bán lẻ vẫn chưa hết băn khoăn, lo ngại.

Theo đó, việc lấy xăng dầu từ 3 nguồn là điểm rất mới, cởi mở xong doanh nghiệp bán lẻ mong được sự hướng dẫn cụ thể, nhằm tránh bị liên quan đến xử phạt vi phạm, đảm bảo chất lượng xăng dầu. Bên cạnh đó, Nghị định cũng chưa tính đến việc trong trường hợp "đặc biệt" giá xăng dầu thế giới biến động mạnh theo tuần, thậm chí ngày, việc rà soát chi phí vận chuyển xăng dầu cần làm nhanh trong tuần hoặc tháng nhằm tính đúng, đủ trong công thức tính giá xăng dầu cho doanh nghiệp.

Đại lý xăng dầu bán lẻ có thoả mãn khi Nghị định về xăng dầu bổ sung hàng loạt điểm mới? - Ảnh 1.

Chính phủ ban hành Nghị định 80/2023 bổ sung một số cơ chế mới quy định kinh doanh xăng dầu áp dụng từ ngày 17/11/2023.

Theo thống kê của các doanh nghiệp xăng dầu, có khoảng 4 nút thắt thị trường xăng dầu được cởi bỏ, trong đó có rút ngắn thời gian rà soát để công bố chi phí đưa xăng dầu từ cảng; doanh nghiệp xăng dầu bán lẻ được mua hàng từ 3 nguồn trở lên, bỏ hình thức tổng đại lý trong chuỗi kinh doanh xăng dầu được cho là trở ngại, khiến tăng chi phí…

Tại Nghị định 80/2023 của Chính phủ, cơ quan điều hành rút ngắn thời gian công bố chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, premium để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước từ 6 tháng xuống 3 tháng. 

Điểm mới này, theo đại diện doanh nghiệp xăng dầu phía Nam sẽ giải quyết được một số vướng mắc công thức tính giá, cập nhật chi phí cho doanh nghiệp để đảm bảo tính đúng đủ chi phí vào giá thành, hạn chế thua lỗ cho doanh nghiệp.

"Việc rút ngắn thời gian công bố chi phí nêu trên sẽ giúp nhà điều hành xác định giá bán lẻ đúng với chi phí mà doanh nghiệp đưa ra khi thị trường ít biến động. Nếu biến động mạnh theo tháng, tuần hoặc ngày, cách tính này vẫn có thể chưa đúng, trúng cho doanh nghiệp", vị doanh nghiệp đại diện cho nhà bán lẻ xăng dầu cho hay.

Một điểm mới trong Nghị định 80/2023 là đại lý bán lẻ được lấy xăng từ 3 nguồn cung cấp nhằm tạo cạnh tranh về chiết khấu xăng dầu trên thị trường, đồng thời tăng tính chủ động cho các đại lý bán lẻ xăng dầu trong việc tạo nguồn, cung ứng xăng dầu.

Ông Giang Chấn Tây, chủ chuỗi kinh doanh xăng dầu Bội Ngọc tại Trà Vinh cho rằng, như vậy đại thể Chính phủ, cơ quan quản lý ngành đã lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp về việc cho phép đại lý bán lẻ được lấy xăng dầu từ nhiều nguồn. Nhưng vướng mắc hiện nay là Nghị định có hiệu lực từ ngày ký 17/11, trong khi đó việc lấy xăng dầu từ 3 nguồn trở lên sẽ như nào vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể. Phải lấy 3 nguồn (là doanh nghiệp đầu mối) nhưng các đầu mối này phải lấy cùng một thương nhân phân phối hoặc của cùng 1 thương hiệu?..

"Lấy 3 nguồn nhưng khi đổ chung vô bồn, cơ quan quản lý kiểm tra nguồn có vấn đề gì biết quy trách nhiệm ai? Chưa kể bảng hiệu logo để bên nào? Trong giấy phép đủ điều kiện bán lẻ có cần bổ sung thêm đơn vị cung cấp hàng không?", ông Tây nhấn manh.

Một số đại lý kinh doanh xăng dầu cho biết, về quy định luật cho phép, nhưng khi thực hiện, cơ quan quản lý phải hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp biết, tránh tình trạng sai phạm, liên đới trách nhiệm.

Theo ông  Hà Thanh Tùng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Hà Giang, để tránh oan sai cho đại lý bán lẻ xăng dầu, Bộ Công Thương, các Sở Công Thương cần quy định rõ lấy xăng dầu từ 3 nguồn như thế nào? Có ba nguồn khác nhau hay cùng một doanh nghiệp đầu mối, thương nhân. Bên cạnh đó, việc lấy mẫu dự phòng ra sao, thời điểm nào, phối trộn ra sao hay có bổ sung quy định bể nào chứa xăng dầu của đầu mối này, hay bể nào chứa xăng dầu của đầu mối kia hay không. Nếu có sẽ phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

Về cắt giảm khâu trung gian trong kinh doanh xăng dầu, Nghị định mới cũng bãi bỏ loại hình tổng đại lý bán lẻ xăng dầu, ông Tùng cho rằng: Quy định này giúp giảm bớt khâu trung gian, giúp giảm bớt chi phí cấu thành vào giá xăng dầu, từ đó giảm bớt chi phí doanh nghiệp. Điều này chỉ có được sau nhiều lần doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu góp ý và cơ quan chức năng qua rà soát thực tế.

Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, khâu phân phối xăng dầu vẫn phụ thuộc lớn vào tay doanh nghiệp đầu mối chính vì vậy, cần rà soát chuỗi phân phối để giảm bớt chi phí trung gian, tránh "ve sầu thoát xác" vào các loại chi phí khác, để đẩy chi phí xăng dầu lên cao, áp lực lên chiết khấu đối với giá xăng dầu bán lẻ cho đại lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem