Black Friday (ngày thứ Sáu đen tối, 24/11) vừa trôi qua chưa lâu, các doanh nghiệp, thương hiệu, sàn thương mại điện tử lại hối hả triển khai các chương trình khuyến mãi khác để kích cầu mua sắm.
Theo đó, có thể kể đến chương trình: Sale đầu tháng lương về (1/12); 12/12 (ngày "Thương xót tín đồ mua sắm hay còn gọi là ngày Thích thì giảm giá"); lễ Giáng sinh (25/12); Tết Dương lịch...
Ghi nhận của Dân Việt, trên các đường phố tại TP.HCM, một số cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm, quần áo, giày dép... đã bắt đầu thay bảng khuyến mãi từ chương trình Black Friday sang khuyến mãi dịp 12/12. Các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee... đang trầm rộ quảng cáo giới thiệu chương trình sale "khủng" ngày 12/12. Theo đó, các sàn lại sử dụng chiêu tung các mã giảm giá, miễn phí ship, chiết khấu, tặng quà... để thu hút khách hàng. Dù thực tế, dịp khuyến mãi khủng Black Friday vừa trôi qua chưa được bao lâu.
Kinh tế khó khăn, nắm bắt tâm lý ngại chi tiêu của khách hàng nên các chủ kinh doanh thường xuyên mở các đợt giảm giá để thu hút khách mua. Người tiêu dùng, chị em phụ nữ, bà nội trợ... không còn phải chờ đợi đến dịp khuyến mãi để mua hàng giảm giá khi mà các cửa hàng treo biển khuyến mãi... quanh năm suốt tháng.
Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp "khuyến mãi" tràn lan dễ khiến khách hàng bội thực. Người tiêu dùng không còn tâm lý háo hức, mong đợi đến dịp khuyến mãi đặc biệt để mua hàng giảm giá. Từ đó, nhiều người bắt đầu thờ ơ, không quan tâm đến các chương trình khuyến mãi của các doanh nghiệp.
Chị Mỹ Hạnh (32 tuổi, nhân viên văn phòng tại quận 12) cho biết bây giờ mình không cần đến các dịp lễ quan trọng trong năm như Black Friday hay Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán để săn hàng giảm giá vì các cửa hàng triển khai khuyến mãi "đầy rẫy" trong năm.
"Trong năm, cứ hễ có ngày gì quan trọng là tôi ra đường lại thấy khuyến mãi. Nào là ngày Quốc tế Phụ Nữ 8/3, lễ Tình nhân 14/2, Ngày giải phóng miền Nam 30/4, Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Quốc khánh 2/9 cho đến ngày Nhà giáo Việt Nam, Giáng sinh....
Đáng chú ý, một số cửa hàng còn khuyến mãi theo các ngày bình thường trong tháng như 9/9, 10/10, 11/11, 12/12... khiến tôi đi đâu cũng thấy bảng khuyến mãi. Vì vậy, tôi bắt đầu có tâm lí không quan tâm đến khuyến mãi nữa", chị Hạnh cho hay.
Bên cạnh việc các doanh nghiệp lạm dụng hình thức khuyến mãi, cũng có một số yếu tố khác tác động đến tâm lý của người tiêu dùng. Theo đó, việc các nhãn hàng chỉ chăm chú việc chạy đua khuyến mãi, cạnh tranh thị trường, kích cầu mua sắm mà không chú ý đến chất lượng sản phẩm khiến nhiều người cho rằng giảm giá là chiêu trò và không còn tin tưởng nữa.
Theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, mặt hàng khuyến mãi chủ yếu là hàng lỗi mốt, hàng gần hết hạn sử dụng, hàng không đủ size... Thậm chí, tại nhiều cửa hàng, hàng khuyến mãi được xếp thành đống với đủ các thể loại để khách hàng tự "đào bới" lựa chọn món nào vừa ý thì mua.
Bên cạnh đó, hiện nay, người tiêu dùng vẫn chưa có thước đo kiểm soát được giá trước khuyến mãi là bao nhiêu nên không đối chiếu và so sánh được với giá đã khuyến mãi của nhiều loại hàng. Vì vậy, không ít doanh nghiệp đã sử dụng chiêu nâng giá lên rồi hạ giá xuống và thông báo là "giảm giá" khiến các tín đồ mua sắm ngày càng ngán ngại.