Vừa qua, Văn phòng Phát triển bền vững thuộc Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN) phối hợp Hội ND tỉnh Nghệ An tổ chức hội nghị tập huấn kỹ thuật và bàn giao cây giống, phân bón, chế phẩm sinh học cho các hộ dân tham gia mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong thâm canh cây ổi tại xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
Tại đây các hội viên được giảng viên hướng dẫn về kỹ thuật thâm canh cây ổi theo hướng an toàn sinh học, đặc biệt là việc ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong thâm canh cây ổi: Từ kỹ thuật làm đất, chọn cây giống, ủ phân vi sinh, bón phân cho cây ổi theo từng giai đoạn, đến cắt tỉa cành lá, bao quả, ngăn chặn các loài côn trùng gây hại… Việc nắm vững và áp dụng tốt các kỹ thuật này sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng quả ổi.
Địa điểm thực hiện mô hình là xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Trên địa bàn xã Nghĩa Phú hiện nay có 67 hộ trồng ổi với tổng diện tích 45ha. Ổi là cây trồng mới được đưa vào địa bàn xã Nghĩa Phú. Những năm qua, cây ổi đã chứng minh được hiệu quả thực tế khi cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Cây ổi cũng được xã Nghĩa Phú lựa chọn là loài cây trồng chủ lực. Đồng thời, xã Nghĩa Phú đã quy hoạch chuyển đổi một số vùng đất trồng cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế hơn. Trong đó, xã đã quy hoạch 65ha để trồng cây ổi.
Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ ổi do Hội ND xã Nghĩa Phú vận động, hướng dẫn thành lập, với 28 hộ tham gia, diện tích trồng bình quân 0,5ha/hộ. Đến nay sau 1 năm thành lập, tổ liên kết đã dần đi vào hoạt động ổn định và có hiệu quả; nhiều hộ đã cho thu nhập ổn định trên 50 triệu đồng/năm.
Xây dựng thương hiệu ổi sạch Nghĩa Phú
Để từng bước hình thành vùng trồng ổi an toàn với quy mô lớn tại xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn, việc tuyên truyền, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh cây ổi theo hướng hữu cơ, nâng cao sức khỏe người dân và bảo vệ môi trường được đẩy mạnh. Qua hoạt động này sẽ giúp xây dựng thương hiệu ổi xã Nghĩa Phú, trở thành sản phẩm OCOP. Phát triển tổ liên kết thành chi hội nông dân nghề nghiệp và tiền đề để thành lập hợp tác xã trồng cây ăn quả trên địa bàn xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn.
Mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong thâm canh ổi được triển khai tại xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn, có sự tham gia của 7 hội viên nông dân, trên diện tích 5ha, với tổng kinh phí là hơn 600 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 300 triệu đồng, hội viên nông dân tham gia thực hiện mô hình đóng góp công lao động và đối ứng một phần kinh phí là 300 triệu đồng.
Hội viên tham gia dự án được hỗ trợ 315 cây giống/ha, được tập huấn kỹ thuật, quy trình thâm canh cây ổi, hỗ trợ phân bón, chế phẩm sinh học. Loại ổi giống được chọn là cây ổi lê Đài Loan. Đồng thời người dân tham gia dự án sẽ đối ứng 315 cây giống/ha.
Quá trình thực hiện mô hình, Hội ND tỉnh Nghệ An phối hợp Văn phòng Phát triển bền vững của T.Ư Hội NDVN, các ngành, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, áp dụng khoa học kỹ thuật trong thâm canh cây ổi theo hướng an toàn sinh học, thông tin thị trường cho hội viên, nông dân xã Nghĩa Phú, nhất là các hộ tham gia thực hiện mô hình. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát các nội dung triển khai tại mô hình đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh…
Quyết tâm làm giàu với cây ổi
Chị Nguyễn Thị Hiệp (SN 1972, trú tại xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn) chia sẻ: "Sau khi được tập huấn, chúng tôi đã nắm vững kỹ thuật, đặc biệt là việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và chế phẩm vi sinh vật để bón cho cây ổi, sẽ giúp cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh hại, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giúp giúp đảm bảo vệ sinh môi trường. Nâng cao chất lượng quả ổi, tăng giá trị sản phẩm.
Đây là hướng đi an toàn, bền vững. Chúng tôi tự tin sẽ thắng lớn với mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong thâm canh cây ổi".
Lãnh đạo xã và các hộ tham gia mô hình đều mong mỏi việc thực hiện thành công mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong thâm canh cây ổi tại xã Nghĩa Phú sẽ công giúp tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Thu nhập và mức sống của các hộ tham gia mô hình cao hơn 15% so với các hộ khác trong vùng; góp phần ổn định chính trị, an ninh trật tự xã hội...
Việc thực hiện mô hình này cũng được kỳ vọng sẽ góp phần làm chuyển biến, thay đổi nhận thức của người dân, hướng người dân sản xuất theo hướng tập trung, liên kết; có tổ chức, số lượng lớn, theo hướng hàng hóa.
Ông Võ Văn Phong – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Nghệ An cho biết: Mô hình thành công sẽ là tiền đề để thành lập HTX trồng cây ăn quả tại xã Nghĩa Phú, xây dựng thương hiệu ổi xã Nghĩa Phú. Qua đó góp phần nâng cao vai trò của tổ chức Hội ND trong việc tham gia xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.