Vừa qua, tại TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), 7 doanh nghiệp đã khai trương, mở điểm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, nhãn hiệu "Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành", sản phẩm đạt thương hiệu vàng nông nghiệp. Đây được xem là điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm của riêng các doanh nghiệp liên kết lại với nhau trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Các doanh nghiệp liên kết mở điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm trên gồm: Công ty TNHH Thiên Hương Phát Đà Lạt (đông trùng hạ thảo); Công ty TNHH Berryland Việt Nam (mứt, trà và đặc sản Đà Lạt); Công ty Cổ phần Matoni (mật ong); Công ty TNHH bánh kẹo NLC (các loại bánh từ nông sản Đà Lạt); Công ty TNHH Nông sản Tổ hợp tác Hiếu Linh (chuyên sản xuất nông sản hữu cơ); Công ty TNHH Seed Coffee (cà phê đặc sản); Công ty TNHH Dalahub (mắc ca và nông sản Đà Lạt).
Chị Nguyễn Thị Cẩm Thảo – Giám đốc Công ty Seed Coffee (TP.Đà Lạt) cho biết: "Trước đây, các doanh nghiệp chúng tôi đã xúc tiến tiến thương mại để giới thiệu các sản phẩm đến với người tiêu dùng. Nhưng nhìn lại, chúng tôi chưa liên kết, chưa đồng hành cùng nhau, chính vì vậy, các sản phẩm đơn lẻ làm cho khách hàng không có nhiều sự lựa chọn.
Nhìn lại, các sản phẩm của chúng tôi hiện nay có được các chứng nhận do chính quyền địa phương chứng nhận như OCOP, nhãn hiệu "Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành", sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam nên đã tạo được sự tin cậy cho người tiêu dùng. Khi chúng tôi liên kết với nhau, làm cho khách hàng có nhiều sự lựa chọn sẽ giúp các sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhiều hơn, đa dạng hơn".
Chị Thảo cũng cho biết, hiện nay điểm trưng bày mới có khoảng 7 đơn vị tham gia, vì vậy nhóm vẫn muốn có thêm từ 3-5 thành viên nữa để tăng thêm sự đa dạng, làm cho liên kết mạnh hơn. Việc liên kết, hợp tác này cũng được lựa chọn các đơn vị có sản phẩm chất lượng, xuất xứ rõ ràng nhằm phát huy tốt nhất nội lực, thế mạnh của mỗi doanh nghiệp để cùng nhau phát triển.
Trong khi đó, anh Phạm Việt Hùng, Công ty TNHH Dalahub chuyên về sản xuất hạt mắc ca cho biết, hiện nay, việc xây dựng thương hiệu, lòng tin đối với khách hàng cần phải có một quá trình dài, không phải ngày một ngày hai. Chính vì vậy, chứng nhận OCOP cho một sản phẩm đã là một lời khẳng định cho chất lượng, câu chuyện sản phẩm cũng như khả năng của doanh nghiệp, người dân.
"Thông qua điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP này thì chúng tôi mong muốn du khách, người dân có thêm một địa điểm trải nghiệm thực tế, đánh giá các sản phẩm đặc sản của Đà Lạt và các vùng phụ cận", anh Phạm Việt Hùng chia sẻ.
Tính đến ngày 30/10/2023, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 239 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận. Trong đó có 9 sản phẩm 5 sao, 94 sản phẩm 4 sao, 136 sản phẩm 3 sao. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP tham gia đăng ký thông tin, bán hàng qua các trang thương mại điện tử, tham gia các kênh bán hàng thương mại điện tử trên các ứng dụng mua sắm trực tuyến như: Sendo của FPT; Voso của Viettel Post; Postmart của VnPost; Tiki-BigC/GO; Shopee và Lazada; đưa các sản phẩm OCOP và nông sản lên trang Web nongsandalatlamdong.vn để quảng bá, giới thiệu với các tổ chức, cá nhân tiêu dùng trong và ngoài nước.