Bán sản phẩm OCOP qua kênh thương mại điện tử, mạng xã hội
Từ khi các sản phẩm về nấm sạch được bán trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, doanh số bán lẻ của Hợp tác xã (HTX) nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh, xã Sơn Lộc (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) tăng gấp 3 lần so với trước.
Ông Nguyễn Quốc Hương, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Sản xuất nấm sạch và Kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (ở xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ: "Đơn vị chúng tôi đã đưa các sản phẩm đạt chuẩn OCOP lên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Hiện, việc giao dịch rất thuận lợi, việc quảng bá sản phẩm dễ dàng và đẩy nhanh, mạnh hơn so với trước đây. Chỉ cần một cú nhấp chuột, người tiêu dùng đã thấy được các thông tin đầy tủ, hình ảnh chi tiết của sản phẩm, tạo được niềm tin đối với khách hàng".
Phát huy thế mạnh vùng gò đồi, tại huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình), nhiều doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, chế biến nhiều loại dược liệu quý, sau khi các sản phẩm có bao bì, nhãn mác đã được chính quyền, cơ quan hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử, từ đó sản phẩm đến với khách hàng nhanh hơn, tốt hơn và được thị trường chấp nhận.
Bà Nguyễn Thị Trà Giang – Giám đốc HTX Sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết: "Từ vùng gò đồi, nhiều năm trồng cây ăn quả nhưng không hiệu quả, tôi đã trồng thìa cây, cà gai leo, cây phát triển tốt và hằng năm đơn vị tạo ra nhiều sản phẩm như: Cao cà gai leo, cao thìa canh… nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó, cao cà gai leo đạt OCOP 4 sao".
"Các sản phẩm của đơn vị đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, như Postmart, voso và từ đó việc tiêu thụ sản phẩm nhanh hơn. Tới đây, chúng tôi sẽ đưa các mặt hàng lên các trang Shoppe, Lazada, Tiktok… để người dân biết đến nhiều hơn, đẩy mạnh doanh số bán hàng", bà Nguyễn Thị Trà Giang cho hay.
Chính quyền huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) cũng đã xây dựng, hỗ trợ các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, đồng thời giới thiệu sản phẩm lên các trang mạng xã hội, đây cũng là xu thế của hơn 80% các mặt hàng, sản phẩm OCOP của huyện.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Cẩm Long - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch, cho biết: "Địa phương hiện có 54 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao và 49 sản phẩm đạt 3 sao. Mục tiêu xây dựng các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP là ưu tiên hàng đầu trong thực hiện chương trình OCOP hiện nay của địa phương. Qua đó, thúc đẩy sản xuất, từng bước tạo dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị cho sản phẩm, tạo thành một chuỗi liên kết giá trị cùng nhau phát triển.
"Hiện nay, UBND huyện Bố Trạch xác định bán hàng qua các kênh thương mại điện tử là một xu thế, vì thế, huyện đã dành các nguồn lực hỗ trợ, đào tạo, tập huấn cho nông dân, doanh nghiệp kiến thức, kỹ năng bán hàng qua đó giúp tăng doanh thu", ông Nguyễn Cẩm Long - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch, cho hay.
Đẩy mạnh quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử
Thời gian qua, để hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ nông sản, các sở, ngành, địa phương của tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều hoạt động kết nối, đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử; sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Bình.
Hiện, tỉnh này có hơn 200 doanh nghiệp, HTX tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, trong đó có rất nhiều sản phẩm OCOP.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, cùng với quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử của tỉnh, đơn vị cùng với Sở Công Thương đã phối hợp, liên kết với các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, thực hiện chương trình chuyển đổi số nông nghiệp, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện những chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh kết nối sản phẩm OCOP trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử làm cầu nối để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử có uy tín.