Dân Việt

Lung linh Pháp ngữ

Trần Thu Dung (từ Paris) 10/12/2023 13:25 GMT+7
Villers-Cotterêts là một vùng thuộc tỉnh Aisne của Pháp, cách Paris về phía đông bắc chừng 85 cây số. Nơi đây hôm 30 tháng 10 vừa qua (2023) tổng thống Macron đã cắt băng khánh thành "Thành phố Quốc tế Pháp ngữ" để vinh danh ngôn ngữ và văn hóa Pháp.

Trước đây đó là một lâu đài hoàng gia duy nhất thời Phục hưng tại vùng Picardie. Năm 1528, François đệ nhất quyết định xây dựng một dinh thự hoàng gia ở Villers-Cotterêts, nằm ven rừng Retz, nơi ông thích săn bắn. Năm 1556, Kiến trúc sư Philibert Delorme đã hoàn thành xây dựng tòa nhà này. Năm 1661, vua Louis thứ14 đã tặng toàn bộ quần thể cùng lâu đài này coi như quà cưới nhân dịp lễ thành hôn của Philppe d'Orléans với công chúa Henriette của nước Anh.

Lung linh Pháp ngữ - Ảnh 1.

Quang cảnh chung của lâu đài. Ảnh: TTD.

Lâu đài này trở thành biểu tượng của tiếng Pháp từ năm 1539 khi François đệ nhất ký Sắc lệnh Villers-Cotterêts phải sử dụng tiếng Pháp bắt buộc trong tất cả giao tiếp và văn bản hành chính và tư pháp, thay vì tiếng Latinh. Trước đó châu Âu thịnh hành tiếng Latinh, và nhà thờ, giáo hoàng quyết định hầu hết mọi việc đại sự quốc gia. Lâu đài này còn có nhiều kỷ niệm với các vĩ nhân văn chương nổi tiếng thế giới như nhà văn François Rabelais với tác phẩm   Gargantua và Pantagruel từng lưu trú tại lâu đài, đại văn hào hài kịch Molière giới thiệu tác phẩm  Tartuffe ở đó và  Tác giả Những người ngự lâm pháo thủ Alexandre Dumas sinh ra ở Villers-Cotterêts.

Gọi là lâu đài nhưng đấy chỉ là danh từ lịch sự và tôn trọng người khốn khổ. Lâu đài nhưng không phải dành cho các quý tộc thượng lưu hay một chức sắc lớn của thành phố. Nơi đây từng thành kho chứa đồ thí (1808) và nhà dưỡng lão (1889), thuộc Trung tâm bảo trợ xã hội cho đến cuối năm 2014.

Sau này, nhiều trại dưỡng lão ở vùng lân cận Paris ra đời, và vùng này xa Paris, nơi dân cư thưa thớt dần, trại trở nên lèo tèo. Sự lãng phí về diện tích và nhân công khiến nhà nước quyết định trùng tu lâu đài, biến làng quê yên tĩnh thành nơi thu hút khách du lịch. Tổng thống Macron đã ấp ủ dự án này từ khi ông còn làm bộ trưởng. Nhiều lâu đài ở Pháp trùng tu xong chỉ để tổ chức cho thuê triển lãm, hội chợ với quan niệm chung "phi thương bất phú". Tuy nhiên nước Pháp luôn nổi tiếng là đất nước tôn vinh văn hóa. Napaoléon đi chinh chiến Ai Cập đã kỳ công cho quân đội mang một cột đá obélisque lớn về dựng ở giữa quảng trường Concorde.

Tổng thống Macron là một người luôn đề cao văn hóa, nghệ thuật. Trong các bài diễn thuyết của ông không bao giờ quên nhắc đến vai trò văn hóa và sự đa dạng văn hóa. Bảo tồn văn hóa chính là bảo tồn ngôn ngữ… Ông đề cao ngôn ngữ tiếng Pháp, và ủng hộ phát triển hệ thống Pháp ngữ.

Lung linh Pháp ngữ - Ảnh 2.

Lung linh Pháp ngữ - Ảnh 3.

Ngôn ngữ được tôn vinh trong bảo tàng. Ảnh: TTD.

Khu dưỡng lão trở thành nơi vinh danh tiếng Pháp. Trên mặt lâu đài vẫn để nguyên hàng chữ khắc « Trại dưỡng lão » như một dấu ấn thời gian và lịch sử của lâu đài. Ngôn ngữ Pháp vào « Trại dưỡng lão » không phải để an dưỡng mà để phục hồi giá trị đích thức của nền văn hóa Pháp. Lâu đài không thấy những trang trí kiểu lâu đài cổ kính với bàn ghế giường cổ xưa, tranh cổ như các lâu đài khác. Ở đây tất cả đều hiện đại hóa nhằm tôn vinh ngôn ngữ và văn hóa Pháp.

Trong lâu đài, việc trưng bày sử dụng kỹ thuật hiện đại, từ điển điện tử, ánh sáng... Chỉ cần một nút bấm, hay một bước chân đúng ví trí là ra hàng loạt ngôn ngữ thế giới hiện ra. Người nước ngoài vào thăm đều có thể tìm thấy ngôn ngữ của họ.

Trong lâu đài còn nhắc đến những nhà văn nổi tiếng làm vinh danh văn hóa Pháp như Alexandre Dumas, Molière và những nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên làm cho rạng rỡ văn hóa Pháp như nữ ca sĩ da màu đầu tiên Joséphine Baker được đưa vào cung điện Panthéon yên nghỉ cùng các vĩ nhân Marie Curie, Victor Hugo...

Cung điện Panthéon thờ các vĩ nhân, không chỉ cho người Pháp mà cho tất cả những người từng sống ở Pháp và nổi tiếng. Paris thủ đô ánh sáng càng thêm rạng rỡ với Marie Curie, Picasco, Dunan, Chopin… Nước Ba Lan tự hào có Marie Curie, Chopin nhưng thực ra hai vĩ nhân nổi danh trên đất Pháp. Marie Curie đạt 2 giải Nobel khoa học. Chopin khi mất thân thể ở Pháp nhưng trái tim được mang về chôn ở Balan.

Lung linh Pháp ngữ - Ảnh 4.

Tác giả đi thăm bảo tàng Thành phố Pháp ngữ. Ảnh: TTD.

Trong bảo tàng Pháp ngữ, những mô hình nhân vật trong tiểu thuyết cũng được đưa vào khung kính. Những bước chân có thể bật sáng đèn, hiện chữ. Thư viện lung linh như chữ đang đùa múa trước mắt. Thơ hiện đại, nổi tiếng một thời, chữ bay nhảy thành thơ, bạn chỉ sờ nhẹ thấy chữ nhảy múa như nốt nhạc bay bổng bổng xếp thành thơ như sóng, như vòng tròn uốn lượn. Mọi kỹ thuật hiện đại đã đem được ứng dụng để thể hiện văn học, tiếng Pháp với vần thơ Apollinaire...

Điều thú vị trong lâu đài này người xem từ Việt Nam bất ngờ thấy được trường dạy tiếng Pháp ở Đông Dương. Ngay Huế nơi thủ phủ của triều Nguyễn cũng có lớp tiếng Pháp… Các thước phim lịch sử ghi lại hệ thống giáo dục của Pháp ở Đông Dương thời thuộc địa. Thành phố Ánh Sáng Pháp Ngữ giúp cho mọi người hiểu thêm lịch sử ngôn ngữ và cuộc cách mạng ngôn ngữ. Ngôn ngữ, chữ viết để ghi chép lịch sử. Một thư viện tái dựng nằm ngay sảnh chính. Sách chính là trí tuệ.

Thời Pháp thuộc, nhiều nước thuộc địa đã mất ngôn ngữ bản đia. Vào đây, người Việt thầm cảm phục ông cha họ, những trí thức như Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh,… đã  khuyến học chữ Quốc Ngữ, và bảo tồn tiếng Việt. Phạm Quỳnh nhà văn nhà báo nổi tiếng Việt Nam từng nói "truyện Kiều còn, tiếng Việt còn, tiếng Việt còn là nước ta còn". Ngôn ngữ văn hóa trở thành vũ khí hữu hiệu để bảo tồn dân tộc. Nhờ cuộc đấu tranh bền bỉ, trong đó chữ viết đóng vai trò lớn, người Việt đã thành công  trong công cuộc giải phóng thuộc địa và giành được độc lập qua nhiều cuộc xâm lăng của ngoại bang. Tiếng Việt trở thành một sự đa dạng văn hóa ngôn ngữ thế giới, không bị xóa nhòa bởi tiếng Pháp dù gần 200 năm đô hộ và 1000 năm ảnh hưởng văn hóa Tàu…

Quay lại bảo tàng, ánh sáng, đèn chiếu, tiếng vọng, như ảo ảnh. Bước vào như một không gian lung linh ánh sáng, lúc mờ mờ ảo ảo, chữ như bay như lượn… Victor Hugo có câu « Ngôn ngữ không cứng đọng, trí tuệ con người luôn tiến với người nào muốn tiến, và ngôn ngữ chuyển động gắn liền với chính họ». Thành phố sống động nhờ ngôn ngữ và văn hóa.

Ra khỏi lâu đài là một quảng trường với bức tượng lớn Alexandre Dumas -người con đã làm vẻ vang thành phố. Khách ai cũng muốn chụp ảnh dưới chân tượng để nhớ một thời ham mê tác phẩm đầy tính nhân văn của ông.  

Thành phố Pháp ngữ trở thành nơi tỏa lan ánh sáng văn hóa Pháp đang rất thu hút khách du lịch. Như cách mà ngôn ngữ và văn hóa Pháp, cũng như các ngôn ngữ và nền văn hóa khác trên thế giới, luôn thu hút và khơi gợi sự khám pháp của con người.