Ngoại giao cây tre: "Tôi không thấy Việt Nam phải chọn bên nào"

Mỹ Hằng thực hiện Chủ nhật, ngày 10/12/2023 09:44 AM (GMT+7)
Với chính sách "Ngoại giao cây tre", Việt Nam luôn độc lập tự chủ trong quan hệ với các nước lớn - nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang khẳng định trong cuộc trao đổi với Dân Việt và một số tờ báo khác nhân sự kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam.
Bình luận 0

Phần một: Ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam với danh nghĩa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đến 3 lần là điều đặc biệt

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Liệu điều đó có phải là sự phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường hay không và điều đó ảnh hưởng thế nào đến phát triển kinh tế của Việt Nam?

- Khi nói đến phụ thuộc là phải nói đến sự phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia trên thế giới, chỉ có phụ thuộc ít hay nhiều. Việt Nam – Trung Quốc  có mối quan hệ kinh tế thương mại rất lớn, khoảng 200 tỉ USD giao lưu thương mại mỗi năm, năm nay đến giờ là 170 – 180 tỉ USD.

Nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc rất lớn.  Nhưng nếu chỉ nhìn nhập siêu như vậy mà nói là phụ thuộc Trung Quốc thì không hoàn toàn đúng.

Bởi vì nếu không có nhập siêu đó thì chưa chắc Việt Nam đã có xuất siêu với các nước khác. Tôi coi cả  thế giới là một đại thị trường, khuyết chỗ nọ bù vào chỗ kia. Việt Nam xuất siêu 100 tỉ USD với Mỹ và một số nước khác, nhập siêu với Trung Quốc 60 – 70 tỉ thì việc đó không quá đáng lo ngại để nói chúng ta quá phụ thuộc vào một nước nào cả.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam: "Tôi không thấy Việt Nam phải chọn bên nào" - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp trong chuyến thăm Bắc Kinh tháng 10/2022. Ảnh: TTXVN.

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 đề ra những phương hướng mới như phát triển chất lượng cao, phát triển chuỗi cung ứng, phát triển công nghệ…Những điều đó tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam cả về cơ hội và thách thức?

- Tôi nghĩ ở đây có  cả cơ hội thách thức. Về phát triển chất lượng cao, Việt Nam muốn giao lưu, muốn trao đổi với Trung Quốc thì cũng phải nâng cao chất lượng hàng hóa của mình. Nhu cầu của Trung Quốc trước đây và Trung Quốc bây giờ khác nhau nhiều. Ngày xưa hàng của ta bán sang Trung Quốc rất dễ dàng nếu họ không có, nhưng giờ họ đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao.

Với chính chúng ta, giờ đây nhu cầu của ta cũng cao hơn nhiều rồi. Họ cũng như vậy. Họ cũng phát triển chất lượng cao, không chạy theo số lượng nữa, không còn là tăng trưởng mà là phát triển. Điều đó có ảnh hưởng đến Việt Nam không? Có ảnh hưởng nhưng là ảnh hưởng tốt, làm tăng chất lượng các sản phẩm của kinh tế Việt Nam.

Một vài biện pháp nữa của Trung Quốc như Tuần hoàn kép (về kinh tế), nhưng họ thực hiện chủ yếu ở trong nước. Tuần hoàn ngoài nước chủ yếu ở vùng châu biên, gồm Đông Bắc Á, Đông Nam Á, nhưng với Đông Nam Á giờ đây thuận lợi hơn. Trong những năm gần đây, giao lưu kinh tế - thương mại giữa Trung Quốc với Đông Nam Á ngày càng lên cao, trong đó Việt Nam là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong 10 nước ASEAN.

Cũng từ Đại hội 20, Trung Quốc có một số điều chỉnh về chính sách, trong đó có chính sách về đối ngoại. Những điều đó có tác động gì đến quan hệ Việt – Trung?

- Từ Đại hội 20, Trung Quốc vẫn coi trọng quan hệ với các nước láng giềng. Dưới thời Tổng Bí thư Tập Cận Bình, Trung Quốc rất coi trọng vai trò của Đảng Cộng sản. Trung Quốc từng nhấn mạnh chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc với đặc trưng cơ bản nhất là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Chưa bao giờ Trung Quốc coi trọng vai trò của Đảng Cộng sản trong thể chế như hiện nay. Trong đối ngoại cũng mang dấu ấn của điều đó.

Ông Tập cũng coi trọng các nước có Đảng Cộng sản lãnh đạo. Trong những năm qua, Việt Nam đổi mới rất thành công, cả thế giới và Trung Quốc đều công nhận điều đó. Theo cách nhìn của phía Trung Quốc, thành công của Việt Nam cũng là thành công của chủ nghĩa xã hội, thành công của một quốc gia có Đảng Cộng sản lãnh đạo. Điều đó càng nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao Trung Quốc  với Việt Nam. Đó là tác động tích cực.

Việt Nam – Trung Quốc còn nhiều vấn đề phức tạp, còn những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ mà chúng ta không thể bỏ qua, phải nhìn thẳng vào điều đó. Hai bên sẽ tiếp tục bàn thảo những vấn đề đó nhưng phải giữ ổn định cho quan hệ Việt - Trung. Đó là lợi ích của Việt Nam và cũng là lợi ích của Trung Quốc và của khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam: "Tôi không thấy Việt Nam phải chọn bên nào" - Ảnh 2.

Nhà ngoại giao Nguyễn Vinh Quang: Tôi không cảm thấy Việt Nam phải chọn bên nào. Ảnh: V.N.

Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra sau khi Việt Nam nâng cấp nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ. Ông nhận định thế nào về chính sách "ngoại giao cây tre" của Việt Nam qua quan hệ với các nước lớn?

- Cây tre rất dẻo dai, cứng rắn, gốc vững chắc. Chúng ta đã khẳng định đường lối ngoại giao của Việt Nam là độc lập tự chủ, đa phương hóa đa dạng hóa. Độc lập tự chủ là gốc, đa phương hóa đa dạng hóa là ngọn, ngọn có thể rất uyển chuyển. 

Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với nhiều nước trên thế giới, gần đây nhất Việt Nam nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Nhật Bản.  Với Trung Quốc từ 2008 chúng ta đã là đối tác chiến lược toàn diện rồi. 

Phải thấy rằng giữa các nước lớn cũng có vấn đề với nhau, nhưng bối cảnh đó không có nghĩa là ảnh hưởng đến chính sách độc lập tự chủ của Việt Nam. Việt Nam vẫn tăng cường quan hệ với các nước lớn, từng bước  một, điều đó rất là bình thường, sự uyển chuyển là ở chỗ đó.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh thế giới phức tạp hiện nay, việc không chọn bên là khó để Việt Nam triển khai chính sách ngoại giao cây tre?

- Tôi không nghĩ ngoại giao cây tre hay không chọn bên là khó. Ai nói không chọn bên là khó là vì họ hiểu đơn giản về việc chia phe phái trên thế giới. Bây giờ không phải chiến tranh lạnh trước đây, các mâu thuẫn khác hẳn. Bây giờ các nước gắn kết chặt chẽ về lợi ích, ngay cả quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng nhưng họ không thể tách rời vì có liên kết lợi ích.

Việt Nam có liên kết với nhiều nước, thậm chí là toàn thế giới, Việt Nam không chọn bên, không đứng về bên nào tranh chấp, cái nào đúng, vì lợi ích Việt Nam, là chính nghĩa thì Việt Nam chọn. Họ nói gì thì Việt Nam vẫn kiên trì con đường của mình.  Tôi không cảm thấy Việt Nam phải chọn bên nào.

Các nước tất nhiên sẽ có động tác thuyết phục nhau vì đó là một hình thức tập hợp lực lượng. Hàng nghìn năm nay thế giới như vậy và giờ cũng như vậy, họ tập hợp lực lượng vì lợi ích của họ và chúng ta không bị lôi kéo. Ai nói Việt Nam tiếp tục con đường này sẽ gặp  khó khăn là vì họ không hiểu một cách rộng về đường lối ngoại giao của Việt Nam.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem