Dân Việt

Dấu ấn nông nghiệp Đắk Nông tuổi 20

An Nhiên 11/12/2023 12:34 GMT+7
Sau 20 năm hình thành và phát triển nông nghiệp (một trong 3 trụ cột chính) của tỉnh Đắk Nông đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần thay đổi diện mạo của tỉnh nằm ở phía Nam Tây Nguyên.

Tốc độ tăng trưởng khá

Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Đắk Nông, địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp 380.945 ha/650.927ha, chiếm 58,5% diện tích tự nhiên; là tỉnh có điều kiện về đất đai và khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng, thích hợp cho việc phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả. 

Trong đó, cây cà phê với diện tích 137.849 ha, sản lượng hơn 342 nghìn tấn, tiêu hơn 34.099 ha, sản lượng hơn 66 nghìn tấn, điều hơn 17.106ha, sản lượng hơn 17 nghìn tấn; diện tích cây ăn quả tăng lên gần hơn 18.031 ha, sản lượng 77.985 tấn.

Dấu ấn nông nghiệp Đắk Nông tuổi 20 - Ảnh 1.

Ðắk Nông phát triển nông nghiệp bền vững, sinh thái, trách nhiệm.

Hiện nay ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu dịch chuyển theo hướng tích cực (giảm về tỷ trọng, tăng về giá trị); sản xuất nông nghiệp đang chuyển theo hướng chất lượng, liên kết gắn với thị trường thông qua việc cơ cấu lại ngành; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, tiêu chuẩn chất lượng trong các khâu sản xuất, thu hoạch và chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng…

Hiện nay toàn tỉnh có 60 sản phẩm OCOP được công nhận; hình thành 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 120 ha và công nhận 04 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 2.423,17 ha; xây dựng được 15 thương hiệu, nhãn hiệu tập thể và 1 chỉ dẫn địa lý "Đắk Nông" đối với sản phẩm hồ tiêu của tỉnh.

Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp thuỷ sản (giá hiện hành) tăng mạnh. Kết quả năm 2022 đạt 34.323.753 triệu đồng, tăng 14,2 lần so với năm 2004. Cơ cấu ngành nông lâm nghiệp thuỷ sản chuyển dịch đúng hướng (giảm về tỷ trọng, tăng về giá trị) năm 2022 chiếm 37,64% trong cơ cấu nền kinh tế nội tỉnh; trong đó: Ngành nông nghiệp chiếm 98,55%; ngành lâm nghiệp chiếm 0,36%; ngành thuỷ sản chiếm 1,09%. Giá trị sản xuất trên ha đất sản xuất nông nghiệp tăng khá năm 2022 đạt 103 triệu đồng, tăng 89,99 triệu đồng so với năm 2004, tương đương tăng 7,9 lần.

Dấu ấn nông nghiệp Đắk Nông tuổi 20 - Ảnh 2.

Cánh đồng lúa gạo đặc sản của Hợp tác xã nông nghiệp Buôn Choáh.

Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch

Thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Đề án xây phát triển các sản phẩm du lịch, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với Công viên địa chất núi lửa Krông Nô - Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Qua đó, đã định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch canh nông, du lịch cộng đồng và đã lựa chọn 9 bon, buôn thí điểm du lịch cộng đồng và 1 mô hình du lịch cộng đồng thí điểm phát triển du lịch Công viên địa chất tại xã Ea Pô, 7 mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái, ban hành quy chế quản lý, vận hành và thành lập các tổ quản lý hoạt động du lịch cộng đồng, vận động người dân, nghệ nhân tham gia phát triển du lịch...

Dấu ấn nông nghiệp Đắk Nông tuổi 20 - Ảnh 3.

Khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Ðùng đang được Ðắk Nông định hướng quy hoạch trở thành khu du lịch trọng điểm của vùng Tây Nguyên và cả nước.

Để triển khai phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các đơn vị, địa phương lựa chọn thí điểm 9 mô hình du lịch cộng đồng, 1 mô hình du lịch cộng đồng thí điểm phát triển du lịch Công viên địa chất tại xã Ea Pô (huyện Cư Jút) và một số mô hình du lịch nông nghiệp để triển khai các bước phục vụ phát triển du lịch cộng đồng của địa phương.

Ngoài ra hiện nay có chương trình du lịch nội huyện, thành phố và các chương trình du lịch liên huyện thành phố và 3 tuyến du lịch với các điểm di sản đặc trưng của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông (tuyến 1: trường ca của lửa và nước theo QL28: Gia Nghĩa - Krông Nô; tuyến 2: bản giao hưởng của làn gió mới theo QL14: Cư Jut - Gia Nghĩa, tuyến 3: âm vang từ trái đất (theo QL28: Gia Nghĩa - Đắk Glong).

Trong thời gian qua các mô hình du lịch nông nghiệp đang từng bước phát triển, là điểm tham quan, trải nhiệm của du khách như: Trang trại Thiên Nhiên tại xã Quảng Khê, huyện Đăk G'long; Khu nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái Phước Sơn tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R'Lấp thường xuyên đón khách đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

Dấu ấn nông nghiệp Đắk Nông tuổi 20 - Ảnh 4.

Ðắk Nông duy trì, mở rộng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, đã có một số HTX được thành lập nhằm khai thác thế mạnh du lịch nông nghiệp, cung cấp dịch vụ du lịch như: mô hình trồng nấm, sản xuất cà phê hữu cơ, du lịch Tà Đùng; sản xuất gạo, bơ núi lửa, mật ong, chế biến cà phê của Hợp tác xã du lịch nông nghiệp cao nguyên M'Nông tại Gia Nghĩa. Tuy nhiên, việc tham quan du lịch chỉ dừng lại ở khâu tham quan thực tế học hỏi kinh nghiệm, lượng khách tham quan ít, không thường xuyên.

Theo ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, bên cạnh những thuận lợi, ngành nông nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, thách thức như: Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát; chi phí sản xuất cao, chất lượng thấp, sản phẩm nông sản không đồng đều, dịch bệnh cây trồng, vật nuôi còn diễn ra phức tạp; biến động thị trường, biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, khó lường; giá vật tư nông nghiệp tăng; sản phẩm nông sản có sức cạnh tranh thấp, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ… những yếu tố này tác động tiêu cực đến sản xuất, tiêu thụ nông sản, nông sản chưa đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa tập trung và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.