Những năm gần đây, cùng với đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản, đặc sản của nhiều địa phương. Tuy nhiên, để tạo chỗ đứng bền vững, nâng sức cạnh tranh cho nông sản Thủ đô trên thị trường, Hà Nội vẫn còn nhiều việc phải làm trong đó yếu tố tiên quyết cần được quan tâm chính là chất lượng sản phẩm.
Theo các chuyên gia, nhãn hiệu giúp mang lại rất nhiều lợi ích bởi nó không chỉ giữ chức năng phân biệt giữa sản phẩm này với những sản phẩm khác cùng loại mà còn là "công cụ" hữu hiệu giúp chủ sở hữu tiếp thị, quảng cáo và xúc tiến thương mại cho sản phẩm của mình. Nhãn hiệu cũng góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng của sản phẩm, dịch vụ. Để giữ vững được hình ảnh, uy tín của nhãn hiệu, chủ sở hữu phải đầu tư vào chất lượng, duy trì và cải tiến sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) Trịnh Thị Nguyệt cho biết, năm 2015, gạo hữu cơ Đồng Phú đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đến nay, sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng, khâu tiêu thụ khá thuận lợi, giá bán gấp từ 2,5 - 3 lần so với khi chưa có thương hiệu. Không chỉ tiêu thụ trong nước, gạo hữu cơ Đồng Phú còn được DN liên kết bao tiêu, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Châu Âu,...
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú Trịnh Thị Nguyệt cho biết, ngoài sản xuất lúa gạo, đơn vị còn phối hợp với doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, như: Chế biến bún tươi, bánh, sữa thậm chí còn chiết xuất tinh dầu gạo hỗ trợ người ăn kiêng…
Hợp tác xã đã ký hợp đồng liên kết với Công ty cổ phần Thương mại và xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam, Công ty Bảo Minh tiêu thụ 100% sản phẩm lúa gạo. Để giám sát chất lượng, hợp tác xã còn dán tem truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin trên thị trường.
Tương tự, những ngày này, trên vùng chuyên canh rau của thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, nông dân đang tất bật làm đất, xuống giống lứa rau mới phục vụ nhu cầu thị trường dịp cuối năm, nhất là Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Với diện tích gieo trồng hơn 300 ha, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh cung cấp khoảng 20% sản lượng rau an toàn cho Thủ đô và các tỉnh lận cận. Để tạo nguồn tiêu thụ ổn định, tránh cảnh “được mùa, mất giá”, xã đã xây dựng thương hiệu cho rau an toàn của địa phương, nhằm khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Theo số liệu của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, toàn TP Hà Nội đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp như "Nhãn chín muộn Đại Thành" (huyện Quốc Oai), "gạo thơm Bối Khê" (huyện Thanh Oai), "chuối Vân Nam" (huyện Phúc Thọ), "Vịt Vân Đình" (huyện Ứng Hòa)…
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cho biết, các sản phẩm đăng ký nhãn hiệu tập thể, được bảo hộ đã có mặt tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài TP, thị trường mở rộng, giá bán tăng 15 - 20%.
"Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể, thương hiệu còn giúp các hợp tác xã, nông dân thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang theo chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn thực phẩm" - bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho hay.
Là địa phương có nhiều nông sản, đặc sản, song số lượng sản phẩm được Hà Nội bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu chưa tương xứng với tiềm năng. Sự chậm trễ này khiến không ít nông sản của Hà Nội mất đi sức cạnh tranh trên thị trường dù có lợi thế là luôn bảo đảm các yêu cầu về chất lượng.
Cũng theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, hiện nay, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu vẫn còn khó khăn do khoa học kỹ thuật còn lạc hậu, sản phẩm sau thu hoạch chưa thật bài bản, thiếu sự đầu tư cho công tác tiếp thị, nghiên cứu thị trường, đây là những yếu tố cản trở chiến lược xây dựng thương hiệu nông sản.
"Để việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu xứng tầm với tiềm năng, tăng sức cạnh tranh cho nông sản, theo, các địa phương cần quan tâm đến việc quản lý thương hiệu nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm trên thị trường. Cùng với đó, hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm qua nhiều kênh bán hàng hiện đại, để nông sản có thương hiệu, nhãn hiệu khẳng định vị thế trên thị trường và hướng tới xuất khẩu" - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường
Chia sẻ với Dân Việt, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên kiến nghị các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ hợp tác xã xây dựng thương hiệu, từ sản xuất an toàn tới sơ chế, chế biến sản phẩm; hỗ trợ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất; hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã, hộ dân trong việc bảo hộ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các mặt hàng nông sản.
Ở góc độ quản lý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, ngành nông nghiệp đã và đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng các thương hiệu nông sản đặc trưng của Hà Nội gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Theo đó, Thành phố sẽ tổ chức các hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể; đưa DN vào liên kết với hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của nông dân về tầm quan trọng và lợi ích của việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu để tạo ra chất lượng hàng hóa đồng đều, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm.
TRANG THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA CHI CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN HÀ NỘI