Quỹ Hộ trợ nông dân, dòng vốn nội lực giúp nông dân Nghệ An làm giàu, phát triển kinh tế tập thể
Dòng tiền vốn nội lực này của Hội Nông dân Nghệ An đang giúp nông dân làm giàu
Cảnh Thắng - Nguyễn Tình
Thứ năm, ngày 07/12/2023 18:50 PM (GMT+7)
Hoạt động của Qũy Hỗ trợ nông dân ở tỉnh Nghệ An đã mang lại những hiệu quả thiết thực, hàng trăm mô hình kinh tế cao được xây dựng, những tổ hội nghề nghiệp mạnh được ra đời. Qũy Hỗ trợ nông dân ở Nghệ An như một dòng nội lực chạy xuyên suốt giúp nông dân Nghệ An tăng thu nhập, làm giàu.
Tập trung vào những mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, hiệu quả cao
Hội nông dân tỉnh Nghệ An đã giúp nông dân trên địa bàn tiếp cận nhiều nguồn vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, đem lại hiệu quả cao, tạo động lực phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn trên địa bàn.
Trong đó, có Qũy Hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân tỉnh Nghệ An trực tiếp quản lý. Nhờ nguồn vốn từ Qũy Hỗ trợ nông dân hàng trăm dự án được triển khai, những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao được hình thành, nhiều chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, làng nghề có nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh mang lại thu nhập lớn cho các thành viên.
Tính đến ngày 31/05/2023 tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Nghệ An quản lý là 96,7 tỷ đồng. Trong đó, nguồn từ Trung ương ủy thác là hơn 17,7 tỷ đồng, nguồn cấp tỉnh là hơn 42,7 tỷ đồng và nguồn cấp huyện là hơn 36,2 tỷ đồng.
Dưới sự quản lý của Qũy Hỗ trợ nông dân tỉnh Nghệ An các hoạt động cho vay đối với các dự án đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đối với các dự án hết hạn, hoạt động thu hồi vốn cũng được thực hiện đầy đủ, không có nợ quá hạn, đạt tỷ lệ 100%.
Tính đến ngày 31/10/2023 toàn tỉnh Nghệ An đang triển khai cho vay 438 dự án cho 2.237 hộ với tổng dư nợ 87,571 tỷ đồng. Các loại hình cho vay chủ yếu gồm: Chăn nuôi trâu bò sinh sản, chăn nuôi trâu bò hàng hóa, chăn nuôi dê sinh sản; Trồng cây có múi như cam, bưởi; Nuôi trồng thủy sản: nuôi tôm, cá; Chế biến: nước mắm; sản xuất mỹ nghệ, sản xuất mộc dân dụng, trang trại tổng hợp…
Trong thời gian quan, Qũy Hỗ trợ nông dân tỉnh Nghệ An tập trung vào những mô hình, dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật cao, hoặc hàm lượng khoa học kỹ thuật lớn. Ví dụ như mô hình nguồn giống mới, năng suất cao, hiệu quả.
Đồng thời tăng tính liên doanh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là những mô hình mà tổ chức hội làm cầu nối, để doanh nghiệp và nông dân bắt tay, ký kết với nhau sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị góp phần phát triển kinh tế tập thể.
Muốn bền vững thì phải liên doanh, liên kết. Đây cũng là cách để giải quyết triệt để bài toán được mùa mất giá, được giá thì mất mùa. Đảm bảo đầu ra ổn định, giá trị cao, tăng thu nhập cho người nông dân.
Đổi thay nhờ nguồn vốn Qũy Hỗ trợ nông dân
Tới thăm tổ hội chế biến lươn đồng ở làng Phan Thanh, xã Long Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An những đổi thay mà nguồn vốn Qũy Hộ trợ nông dân đã mang đến thực sự tạo sức sống mới tại thủ phủ của lươn đồng.
Lươn đồng vốn là đặc sản nức tiếng của Nghệ An. Huyện Yên Thành cũng là thủ phủ của lươn đồng. Từ xưa đến nay, bà con làng Phan Thanh đã nổi tiếng với nghề chế biến lươn đồng. Tuy nhiên, nghề chế biến lươn đồng chủ yếu phát triển theo hình thức tự phát.
Từ khi tổ hội nông dân nghề nghiệp chế biến lươn đồng được thành lập ở làng Phan Thanh, các thành viên trong tổ hội được tiếp cận nguồn vốn từ Qũy hỗ trợ nông dân. Bước đầu 10 thành viên trong tổ hội được vay 500 triệu đồng từ nguồn vốn Qũy Hỗ trợ nông dân. Từ đó, các gia đình có thêm vốn đầu tư mua sắm máy móc chế biến lươn đồng.
Có máy móc mới, năng suất được tăng lên, các thành viên trong tổ hội nghề nghiệp cũng trao đổi kinh nghiệm, thị trường tiêu thụ. Liên kết với nhau trong quá trình sản xuất, chung tay xây dựng thương hiệu lươn đồng làng Phan Thanh. Sản phẩm lươn đồng làng Phan Thanh không ngừng được nâng cao về chất lượng, thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng. Hoạt động của tổ hội nghề nghiệp trở nên sôi nổi, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động.
Chị Nguyễn Thị Ngân (SN 1994) một trong những cơ sở chế biến lươn đồng nổi tiếng ở làng Phan Thanh chia sẻ: "Trung bình mỗi ngày gia đình thu mua và chế biến khoảng 250 đến 300 kg lươn đồng. Chúng tôi chế biến lươn theo những công thức truyền thống của cha ông từ xưa để lại với các loại gia vị tự nhiên vì thế giữ được hương vị, chất lượng của lươn đồng. Khách hàng giờ mở rộng khắp các thị trường từ Hà Nội đến tận thành phố Hồ Chí Minh".
Bà Đinh Thị Linh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đánh giá: "Hội Nông dân huyện Yên Thành cùng với chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng thương hiệu lươn đồng Phan Thanh. Đến nay từ nguồn vốn vay được tiếp cận, nhiều hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đầu năm 2022, làng Phan Thanh được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là "Làng nghề chế biến lươn".
Trang trại công nghệ cao trồng đủ thứ hoa quả tươi ngon với những sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao của anh Bùi Đình Hội ở xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An là một trong những minh chứng rõ ràng hơn cả. Từ thời điểm hai vợ chồng anh Hội quyết định về quê lập nghiệp, bỏ toàn bộ vốn liếng vào sản xuất nông nghiệp anh cũng đã được tiếp cận nguồn vốn vay từ Qũy Hộ trợ nông dân. Bên cạnh đó, anh Hội cũng được Hội Nông dân các cấp hỗ trợ tối đa về kỹ thuật cũng như quá trình xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Nguồn vốn từ Qũy Hỗ trợ nông dân đã giúp anh gặt hái được những thành công ban đầu, mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô. Đến nay trong trang trại công nghệ cao của mình anh Hội trồng nho, dưa lưới, dưa chuột… Trung bình mỗi năm gia đình anh Hội thu hoạch hơn 50 tấn các loại hoa quả sạch. Mang về lợi nhuận gần nửa tỷ đồng. Đồng thời tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 5 lao động.
Qũy Hỗ trợ nông dân dòng chảy nội lực giúp nông dân Nghệ An làm giàu
Hay khi đến với tổ hội nghề nghiệp chế biến nước mắm ở phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Một trong những dự án đã phát huy tối đa hiệu quả từ nguồn vốn Qũy hỗ trợ hội nông dân. Sau khi thành lập, các thành viên trong tổ hội đã cùng ngồi lại, bàn bạc thống nhất phương thức sản xuất sản xuất, nguồn nguyên liệu, quy trình chế biến, giá thành sản phẩm, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, nguồn vốn từ Qũy Hỗ trợ nông dân đã giải quyết được những bài toán khó mà các thành viên trong tổ hội đang gặp phải về việc đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu. Sau 4 năm đi vào hoạt động, số lượng thành viên mới của tổ hội không ngừng tăng lên, thu nhập cũng được nâng cao rõ. Hoạt động tổ hội trở nên sôi nổi, với nhiều đổi mới.
Đặc biệt, tại các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, những mô hình phát triển từ nguồn vốn Qũy Hỗ trợ nông dân cũng giúp thay đổi tư duy, tập quán canh tác, sản xuất, chăn nuôi của người dân hướng đến phương pháp tiên tiến, hiệu quả có giá trị cao.
Tại các huyện huyện miền núi Nghê An thường có thói quen chăn thả gia súc tự nhiên, rủi ro cao, nguy cơ dịch bệnh, thời tiết. Những mô hình nuôi trâu bò giống mới, giá trị cao bằng hình thức nuôi nhốt chứng minh được hiệu quả kinh tế từ đó người dân trong vùng làm theo.
Ông Nguyễn Quang Tùng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cho biết "Qũy Hỗ trợ nông dân thực sự là một dòng nội lực chạy xuyên suốt hỗ trợ hiệu quả nhiều hội viên nông dân phát triển kinh tế, định hướng nông dân sản xuất theo hướng ứng dụng khoa học, công nghệ, liên kết, hợp tác. Đây cũng là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động của Hội, mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp nông dân, xây dựng Hội vững mạnh"
"Hội Nông dân các cấp cũng thường xuyên quan tâm, giúp đỡ thêm về khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu từ đó phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ hội nông dân. Nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ hội nông dân, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả được xây dựng trên khắp địa bàn tỉnh Nghệ An được các cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận. Đồng thời xây dựng kinh tế tập thể, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nâng cao thu nhập cho người dân".
Đặc biệt, Qũy Hỗ trợ nông dân giúp công tác xây dựng tổ chức hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An đạt được nhiều kết quả. Đây cũng là một kênh để thu hút tập hợp nông dân, hội viên nông dân. Qũy Hỗ trợ nông dân mục đích là đem lại lợi ích cho người nông dân. Khi những lợi ích thiết thực được chứng minh trong thực tế thì người nông dân sẽ tự tìm đến với tổ chức hội", Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An chia sẻ thêm.
Tại Nghệ An, các mô hình vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho bà con nông dân với mức thu nhập bình quân của mỗi lao động thường xuyên từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng, lao động thời vụ cho thu nhập từ 200 đến 300 ngàn đồng/ngày công, đã góp phần thực hiện thành công chủ trương giảm nghèo bền vững của địa phương, hướng tói xây dựng chi tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã. Đây là một trong những yếu tố góp phần phát triển hội viên nhằm xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh và phát triển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.