Sáng 14/12, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã có nhiều chia sẻ về việc thực hiện Nghị quyết này tại TP.HCM.
Ông Dương Anh Đức cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện, những định hướng đổi mới của giáo dục và đào tạo quy định tại Nghị quyết số 29-NQ/TW đã tạo điều kiện cho giáo dục thành phố phát huy thế mạnh, đặc biệt là sự đổi mới, sáng tạo, tích cực, năng động, dám nghĩ dám làm, và sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
TP.HCM sớm đưa những nội dung của Nghị quyết vào thực tiễn, góp phần giúp giáo dục và đào tạo thành phố có những bước chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, từng bước hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Về quy mô và mạng lưới các cấp học, ông Đức cho biết, TP.HCM đầu tư phát triển đồng bộ. Mỗi năm, thành phố dành kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 2.000 tỷ đồng; hoàn chỉnh mạng lưới trường lớp, tăng cường trang thiết bị hỗ trợ dạy - học tiên tiến, hiện đại.
Ngân sách cho hoạt động thường xuyên của ngành giáo dục và đào tạo cũng tăng theo từng năm, hiện chiếm 28% ngân sách chi thường xuyên và 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố...
"Trong những năm qua, ngành giáo dục thành phố đã có những đổi mới đồng bộ, toàn diện, từ hình thức, mô hình, phương pháp dạy học đến đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá. Với quan điểm lấy kiểm tra, đánh giá làm khâu đột phá trong đổi mới, ngành giáo dục thành phố đã thay đổi tư duy kiểm tra đánh giá từ việc đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh. Điều này đã góp phần hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, giúp học sinh có kiến thức, kỹ năng, tư duy sáng tạo, khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, có khả năng hòa nhập với môi trường quốc tế", ông Đức chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông Đức, TP.HCM cũng là địa phương đi đầu trong nỗ lực đưa các chứng chỉ quốc tế về Anh văn và Tin học vào nhà trường. Việc triển khai thực hiện hoạt động dạy học tiếng Anh tự chọn từ lớp 1, chủ động trong việc phát triển loại hình tăng cường tiếng Anh và đưa việc dạy học Toán và khoa học bằng tiếng Anh vào thực hiện từ nhiều năm qua đã nhận được sự đồng thuận rất lớn từ xã hội.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo UBND TP.HCM đã đưa ra 4 giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29, đạt các mục tiêu về phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đầu tiên là nghiên cứu và phát huy tinh thần Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, thành phố tiếp tục tham mưu đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, nhằm tăng cường tính chủ động, sáng tạo của thành phố.
Cụ thể, thành phố có thể chủ động quyết định các nội dung về quy hoạch, tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ đội ngũ nhà giáo... phù hợp với nhu cầu phát triển của thành phố. Ngoài ra, thành phố được bổ sung nguồn ngân sách trung ương và huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, đào tạo. Điều này sẽ giúp thành phố nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Kế đó là tập trung xây dựng TP.HCM thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á, đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045. Thực hiện hiệu quả đề án "TP.HCM - Trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực"; đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực. Đào tạo người học trở thành công dân yêu nước, tự hào dân tộc, có đạo đức kỷ luật, ý thức trách nhiệm xã hội; có kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Thứ 3, đẩy mạnh rà soát, sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; tham mưu xây dựng cơ chế thu hút, tuyển dụng đội ngũ nhằm khắc phục tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ trong các cơ sở giáo dục. Nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên đại học, tăng số lượng giảng viên được đào tạo tiến sĩ ở các nước có trình độ khoa học cao; thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước làm giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học. Đổi mới cơ chế, chính sách tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ quản lý; thực hiện quản lý sử dụng, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài.
Giải pháp cuối cùng là tiếp tục ưu tiên, đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, phấn đấu đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) ở mỗi cấp học, bậc học; tích cực triển khai việc nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố; phát huy hiệu quả mô hình "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế"; phấn đấu xây dựng theo mô hình trường học thông minh. Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục, đào tạo.
Ông Dương Anh Đức khẳng định, TP.HCM sẵn sàng và nỗ lực hết mình để triển khai thành công các mô hình, chương trình, đề án tiên tiến, hiện đại trong giáo dục. Các mô hình, chương trình, đề án này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của TP, đồng thời góp phần thành công cho công cuộc đổi mới ngành giáo dục nước nhà Hội nhập với quốc tế.