Những cảnh đời cơ cực: Mong ước nhỏ nhoi của cô bé lớp 3 (Bài 2)

Nguyệt Minh - Kim Khánh Thứ năm, ngày 14/12/2023 10:24 AM (GMT+7)
“Con chỉ mong gia đình luôn mạnh khỏe, sống hạnh phúc bên nhau” - đó là mơ ước lớn nhất của cô bé Mai Thị Thu Hạnh (Lớp 3A - Trường Tiểu học Trịnh Xá). Sống trong hoàn cảnh khó khăn từ thuở lọt lòng, với Hạnh, không có món quà nào ý nghĩa hơn việc bố mẹ em được mạnh khoẻ.
Bình luận 0


Những cảnh đời cơ cực: Mong ước nhỏ nhoi của cô bé lớp 3 (Bài 2). Thực hiện: Kim Khánh

Hạnh phúc bình dị của đứa trẻ 8 tuổi

Mai Thị Thu Hạnh, một cô bé ngay từ lần đầu gặp đã tạo ấn tượng với chúng tôi bởi năng lượng vui vẻ, tích cực. Sự tươi tắn, rạng rỡ từ em khiến ai cũng nghĩ em được sinh ra trong một gia đình no đủ. Thế nhưng từ thuở lọt lòng, Hạnh đã chịu nhiều thiệt thòi so với bạn bè đồng trang lứa.

Hạnh lớn lên trong đại gia đình có 10 người, bao gồm: Bà nội, gia đình nhà hai bác. Nhà đông người  nhưng chỉ có bác là chị Mai Thị Thắm có công việc thu nhập ổn định. 

Những cảnh đời cơ cực: Mong ước nhỏ nhoi của cô bé lớp 3 (Bài 2)  - Ảnh 2.

Đôi mắt to tròn, trong trẻo của em Mai Thị Thu Hạnh vẫn luôn ánh lên niềm tin và sự lạc quan dù cuộc sống của em còn thiếu thốn đủ bề.

Bố Hạnh - anh Mai Hiển Chiến (1984) bị mắc căn bệnh lạ, khắp người lở loét, đau nhức. Hàng tháng, anh Chiến chỉ uống thuốc bớt đau do không có đủ tiền để đi viện điều trị dứt điểm. 

Mỗi lần nhìn bố đau ốm, Hạnh thương bố vô cùng: “Bố không những bị bệnh về da, mà còn bị bệnh về thận nữa. Nhiều khi trở trời, những cơn đau kéo đến khiến bố khó chịu lắm. Con chỉ mong có tiền cho bố được chữa bệnh để không phải chịu đau đớn nữa".

Không những bố, cả mẹ của Hạnh là chị Hoàng Thị Hoan (1985) cũng không có sức khoẻ tốt. “Từ khi lấy anh Chiến, tôi đã phát hiện mình có một cục hạch to ở vai phải, nhưng tiếc tiền nên tôi không đi khám. Thời gian gần đây, nếu không may chạm vào hạch cũng khiến tôi cảm thấy đau buốt" - Chị Hoan buồn lòng. 

Trong mắt Hạnh, dù bố mẹ có ốm yếu như thế nào cũng là chỗ dựa vững chãi nhất của em và chị gái Mai Thị Thu Hoài (lớp 4, Trường tiểu học Trịnh Xá). Niềm hạnh phúc giản đơn của Hạnh là được mẹ tết cho từng bím tóc, được bố yêu chiều cõng trên lưng.

Những cảnh đời cơ cực: Mong ước nhỏ nhoi của cô bé lớp 3 (Bài 2)
 - Ảnh 3.

Mỗi khi đi học về, em Mai Thị Thu Hạnh cùng chị gái đều tự giác bảo ban nhau giúp đỡ bố mẹ những công việc nhỏ ở nhà. Trưởng thành từ một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã tôi luyện Hạnh sớm trưởng thành hơn bạn bè đồng trang lứa.

Lớn lên trong gia đình đặc biệt có tới 10 người, Hạnh được rèn luyện trưởng thành hơn so với tuổi. Để bố mẹ yên lòng, Hạnh và chị gái bảo ban nhau học tập. Mỗi khi về nhà, cả hai đều tự giác giúp bố mẹ những công việc vặt như quét nhà, dọn cơm. Nhìn các con dù bé nhưng hiểu chuyện, anh Chiến vừa hạnh phúc nhưng cũng nhói lòng: “Thấy bố mẹ ốm bệnh, 2 đứa chủ động bóp chân bóp tay. Các con càng hiểu chuyện tôi càng cảm giác như đứt từng khúc ruột vì không mang lại cho con một cuộc sống no đủ”. 

Cô Lê Thị Phượng - Giáo viên chủ nhiệm lớp 3A (Trường Tiểu học Trịnh Xá) chia sẻ: “Hạnh là một học sinh chăm chỉ, có tiến bộ trong học tập. Dù hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đều ốm bệnh nhưng em không vì thế mà bỏ bê học hành. Ở lớp, tôi luôn động viên cháu cố gắng học tập để sau này có nghề nghiệp ổn định để chăm sóc gia đình”.

“Con không thấy xấu hổ khi bố con làm nghề nhặt rác"

Vì điều kiện sức khoẻ, anh Chiến dù đã xin việc ở nhiều nơi nhưng đều không được nhận. Ông Mai Đức Tâm - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn An Hoàng cho biết: “Nhận thấy những khó khăn của gia đình, địa phương đã tạo điều kiện cho anh Chiến làm việc thu gom rác thải địa phương. Mỗi tháng được trả 1.500.000 đồng, dù số tiền không nhiều nhưng coi như có thêm một khoản thu nhập cho gia đình". 

Có được một công việc, anh Chiến hạnh phúc và trân trọng. Không ngại vất vả, mỗi tuần đều đặn anh đi thu gom rác 2 lần trong xã. Có những ngày trái gió trở trời, anh Chiến đau nhức khắp người nhưng vẫn cố gắng hoàn thành công việc. Thấy anh chăm chỉ làm việc, hàng xóm láng giềng đều thương anh. 

Những cảnh đời cơ cực: Mong ước nhỏ nhoi của cô bé lớp 3 (Bài 2)  - Ảnh 4.

Anh Mai Hiển Chiến sửa chiếc xe đã cũ, chuẩn bị bắt đầu công việc đi dọn dẹp vệ sinh môi trường.

Đối với Hạnh, em không thấy tự ti  khi có  bố làm nghề nhặt rác: “Bố làm nghề gì cũng là để nuôi chị em con ăn học. Con không cảm thấy xấu hổ mà còn thương bố nhiều hơn". Mặc dù anh Chiến phải đối mặt với bệnh ngày càng nặng, nhưng niềm vui và động lực của anh là có hai thiên thần xinh xắn, ngoan ngoãn. Nhiều lúc, anh cố nén cơn đau, giày vò của bệnh tật vào bên trong để con yên tâm. 

Thương em, thương các cháu, chị Mai Thị Thắm gạt nước mắt kể: “Sức khoẻ của vợ chồng Chiến đều không được tốt nên rất khó xin việc. Chiến may mắn được tạo điều kiện đi nhặt rác. Vợ Chiến vừa ốm yếu, lại không được khôn ngoan nên lúc làm việc lúc không. Tôi cố gắng đi làm, góp thêm tiền đóng học cho các cháu. Tuy nhiên, vì phải nuôi cả gia đình nên tiền học của các cháu tôi mới chỉ đóng được một phần nhỏ, giờ đây tôi vẫn phải nợ nhà trường tiền học của các bé”. 

Những cảnh đời cơ cực: Mong ước nhỏ nhoi của cô bé lớp 3 (Bài 2)  - Ảnh 5.

Khoảnh khắc Hạnh cười tươi rạng rỡ khi được bố cõng trên lưng. Đối với Hạnh, em luôn mong bố mẹ luôn mạnh khoẻ, cả gia đình sống hạnh phúc bên nhau.

Những cảnh đời cơ cực: Mong ước nhỏ nhoi của cô bé lớp 3 (Bài 2)  - Ảnh 6.

Chị Hoàng Thị Hoan tết tóc cho con gái nhỏ. Động lực lớn nhất để chị tiếp tục cố gắng là hai thiên thần nhỏ và đại gia đình thân yêu của mình.

Ước mơ tiếp bước đến trường 

Cũng như bao đứa trẻ khác, Hạnh thích đến trường. Dù có trưởng thành hơn tuổi nhưng Hạnh không biết rằng, em có thể không được đến trường nữa nếu như tình hình bệnh của bố mẹ và bác Thắm ngày càng nặng.  Đứa trẻ 8 tuổi còn quá nhỏ để có thể hiểu về những áp lực của cuộc sống, về sự mất mát chia ly.

Hạnh nói với chúng tôi bằng giọng điệu nhỏ nhẹ đầy mong ước: “Con sẽ chăm học để sau này làm giáo viên, có tiền nuôi bố mẹ con. Con ước bố mẹ đều khỏi bệnh. Cả gia đình con, gia đình bác Tuấn, bác Thắm và bà nội sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi”. 

Trong ước mơ ấm áp của Hạnh, không chỉ có bản thân, chị gái và bố mẹ, mà còn có cả đại gia đình 10 người. Dù sống trong ngôi nhà cấp 4, bố mẹ đều đau ốm, thường xuyên xin quần áo cũ để mặc, hay thiếu đồ dùng học tập,... nhưng đôi mắt của Hạnh vẫn sáng lên niềm hy vọng. Cô bé ấp ủ giấc mơ vững bước tới trường, nơi kiến thức là chìa khóa mở ra tương lai tốt đẹp. 

Những cảnh đời cơ cực: Mong ước nhỏ nhoi của cô bé lớp 3 (Bài 2)  - Ảnh 7.

Hạnh cùng 2 anh trai nhà bác vui vẻ đạp xe đến trường. Đối với Hạnh, mỗi ngày được đi học là một ngày vui.

Chị Hoàng Thị Hoan không cầm được dòng nước mắt khi nghe chia sẻ của con gái. Chị xúc động khoe: “Con bé rất hiểu chuyện, tôi chỉ mong vợ chồng có sức khỏe để là chỗ dựa cho con. Tiếp tục cho con được đến trường như bao bạn bè của mình".

Mỗi ngày tới trường, bước chân nhỏ bé của Hạnh mang theo hi vọng, sự nỗ lực và quyết tâm. Hi vọng Hạnh có thể bước gần tới giấc mơ to lớn của mình, nơi mà bản thân em sẽ được khám phá và xây dựng tương lai rạng ngời. 

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về

Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Số tài khoản: 21210000524887, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.

Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay

Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ MS 131223


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem