Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam: "Giáo viên của chúng tôi rất đáng thương"

Tào Nga Thứ bảy, ngày 09/12/2023 11:13 AM (GMT+7)
"Giáo viên của chúng tôi rất đáng thương bởi họ đang chịu rất nhiều áp lực, đang cố gắng đáp ứng những yêu cầu đặt ra của ngành khiến họ khó khăn. Thu nhập thấp và kỳ vọng lớn đang đặt lên đôi vai gầy gò của họ", Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam chia sẻ.
Bình luận 0

Nhà giáo phải tự học hỏi và nâng cao bản thân

Trong buổi tọa đàm trực tuyến "Trò "bắt nạt" thầy: Căn nguyên ở đâu?" tổ chức ngay sau khi vụ cô giáo ở Tuyên Quang bị học sinh cả lớp xúc phạm, ném dép vào người, có ý kiến cho rằng giáo viên dường như đã không được trang bị về kỹ năng quản lý lớp học để ngăn ngừa và ứng phó với các tình huống có nguy cơ xảy ra bạo lực học đường, TS. Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Bộ GDĐT cho hay: "Tôi nghĩ không phải ai muốn cũng có thể đi dạy học, khi làm nghề ấy trọn vẹn thì gọi đó là nhà giáo, có quy chuẩn hẳn hoi và khi họ đủ năng lực cấu thành về năng lực, đạo đức.

Nghề giáo là nghề đặc biệt nên cần kỹ năng đặc biệt. Trong giai đoạn xã hội đang biến đổi, giáo viên cũng phải thay đổi để ứng phó theo những biến đổi của cả ngành giáo dục. Để ứng phó với điều đó, không phải giáo viên nào cũng làm được. Có người ở tầng bậc cao, có người bậc thấp, họ chới với, hoang mang thậm chí bế tắc.

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam: "Giáo viên của chúng tôi rất đáng thương" - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Bộ GDĐT. Ảnh: Dân Trí.

Do đó, nâng cao năng lực ứng xử sư phạm là cần thiết. Giáo viên phải có tay nghề tốt mới ứng phó được với các tình huống như thế. Câu hỏi đặt ra, năng lực giáo viên ở đâu? Ngoài ra, nghề dạy học là nghề làm gương, văn hóa Việt Nam là văn hóa nêu gương. Nếu không làm gương được, rất khó trong việc truyền tải thông điệp đạo đức cho học trò.

Có thể một vài giáo viên vô tình không làm gương được, tay nghề lại chưa cao và bế tắc về ứng xử trước học trò nên thất bại. Một khi thất bại, người ta chọn những góc khuất nhỏ để thổi phồng lên, điều đó khiến những giáo viên chân chính như chúng tôi bị tổn thương và xúc phạm ngành giáo dục rất nhiều.

Tại sao tôi và đồng nghiệp ứng xử được, nhưng một vài thầy cô không ứng xử được và bị đưa lên mạng? Không ai bồi dưỡng hết cho tất cả mọi giáo viên, vấn đề đặt ra lớn hơn là đội ngũ nhà giáo phải tự học hỏi và nâng cao bản thân.

"Giáo viên của chúng tôi rất đáng thương"

Nói về lý do vì sao hình ảnh người thầy trở nên méo mó, mất tin tưởng trong mắt học sinh, TS Nguyễn Ngọc Ân cho rằng: "Những đứa trẻ đang chông chênh, phần đông bố mẹ bận với guồng quay cuộc sống nên giao cho nhà trường. Trong khi nhà trường đứng trước những nhiệm vụ rất mới nên đôi khi học trò không tiếp nhận được những cái khó của nhà trường.

Tôi đã có cơ hội quan sát ở nhiều nơi, thực ra giáo viên của chúng tôi rất đáng thương bởi họ đang chịu rất nhiều áp lực, đang cố gắng đáp ứng những yêu cầu đặt ra của ngành khiến họ khó khăn. Thu nhập thấp và kỳ vọng lớn đang đặt lên đôi vai gầy gò của họ.

Giống nghề y, nghề dạy học cũng mỏng manh và dễ tổn thương, dễ bị bắt nạt hơn nghề khác. Vai trò của người thầy bây giờ khác với vai trò của người thầy ở giai đoạn khác. Người thầy bây giờ phải năng động hơn. Ở một số nơi có việc dạy thêm nhưng không phổ biến, nếu nói phổ biến thì cực kỳ oan ức cho chúng tôi. Nhiều người chấp nhận đồng lương thấp nhưng cống hiến thật sự.

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam: "Giáo viên của chúng tôi rất đáng thương" - Ảnh 2.

Vụ cô giáo bị nhốt, xúc phạm ở Tuyên Quang. Ảnh: CMH

Giáo viên hiện nay dạy chương trình mới 17 tiết nên họ không còn sức lực để dạy thêm và nếu có thì cũng để cho lớp tốt hơn nhưng phần lớn đó là việc của các trung tâm. Tôi không thanh minh cho giáo viên nhưng đấy là câu chuyện rất thật. Những người chọn nghề dạy học không phải để làm giàu.

Chúng tôi có 1,7 triệu giáo viên, tất nhiên không phải tất cả đều tuyệt vời và có người nọ người kia. Một đứa trẻ, trong cuộc đời của chúng có đôi khi chưa ngoan hoặc có hành động lệch chuẩn nhưng đừng vì thế mà cho rằng đấy là đứa trẻ hư hoặc đánh giá cả một thế hệ hỏng hết rồi, như thế bạc quá".

TS Nguyễn Ngọc Ân nói thêm: "Ngày xưa học trò có trêu thầy cô nhưng chúng dấm dúi, giấu diếm và sợ hãi nhưng nay có sự hỗ trợ của nhiều phương tiện, trẻ xem việc này như thành tích cần thể hiện và công khai. Một khi không hạn chế được mạng xã hội thì chúng ta cần cần dạy trẻ đây là việc xấu, không cổ xúy và cần dạy trẻ không được học theo.

Hiện nay, thiếu sân chơi cho trẻ, thiếu những cơ hội để trẻ học những cái tốt của nhau. Ngày xưa chúng tôi đi bộ với nhau trên đường hàng tiếng đồng hồ, chúng tôi nói chia sẻ cho nhau những điều tốt. Nay môi trường kết nối của các em không có. Bố mẹ đưa con đi học sớm, đến trường tập trung học và hết giờ bố mẹ vội vã đón về. Những sinh hoạt tập thể trên trường không đủ để trẻ thể hiện những điều tốt đẹp nên chúng tranh thủ thể hiện những điều khác nhưng không còn đẹp".

Chia sẻ về bạo lực học đường hiện nay, TS. Nguyễn Ngọc Ân bày tỏ: "Ai cũng trải qua tuổi học trò, việc đứa trẻ nghịch ngợm thể hiện sự năng động, nghịch ngợm thể hiện đứa trẻ bình thường.

Tôi không muốn dùng từ bạo lực học đường bởi vô hình chung mọi người hiểu môi trường này tạo nên những học sinh như thế. Nhưng gọi là bạo lực ở lứa tuổi học đường thì cả xã hội và nhà trường sẽ có trách nhiệm với những hành động này để có hành vi chuẩn mực hơn.

Tôi không nghĩ bạo lực học đường trẻ hóa mà hành vi sự việc này đang ngoài tầm kiểm soát và ngoài sức tưởng tượng. Trẻ bắt nạt nhau, trẻ bắt nạt bạn cùng trang lứa nhưng trẻ bắt nạt người đang giảng dạy mình để các em hoàn thiện nhân cách. Tất cả những người có trách nhiệm với ngành giáo dục đều phải suy nghĩ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem