Sáng 14/12, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Họp báo thông tin Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Đồng chí Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì họp báo.
Tại buổi họp báo, PV Việt Hà - Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đặt câu hỏi: Những dấu ấn đặc biệt tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 muốn tạo ra là gì?
Trả lời câu hỏi này, theo ông Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, dấu ấn đầu tiên, đó là ngay từ quý I/2023 Đại hội đại biểu Hội Nông dân cấp xã đã được tổ chức thành công. Đặc biệt, đều tổ chức Đại hội chứ không phải Hội nghị.
"Đại hội đại biểu Hội Nông dân cấp xã được chuẩn bị và tổ chức rất khí thế, sôi nổi với sự tham gia của cấp uỷ, chính quyền địa phương", ông Sơn cho hay.
Tiếp đó, trong quý II và quý III đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Hội Nông dân cấp huyện và 63 tỉnh, thành phố. Và đến quý IV là tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam.
Dấu ấn thứ hai, công tác tuyên truyền, xây dựng bộ nhận diện hình ảnh của Đại hội từ cấp cơ sở đến Trung ương đều mang màu sắc đậm nét của giai cấp Hội Nông dân Việt Nam. Ngay từ cổng vào cho tới các standee đều mang dấu ấn màu vàng của bông lúa, màu xanh của nông nghiệp. Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng được quan tâm tổ chức sớm, nhiều cơ quan báo chí, đài truyền hình đã thông tin về Đại hội.
Dấu ấn thứ ba, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 với chủ đề: "Đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, hợp tác, phát triển". Theo ông Sơn, chủ đề của Đại hội nhằm nhấn mạnh yếu tố "sáng tạo" và "hợp tác", hai thành tố này thể hiện màu sắc đặc trưng và mong muốn của Đảng, Nhà nước đối với giai cấp nông dân Việt Nam trong giai đoạn mới, cụ thể là hình thành những người nông dân sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số mạnh mẽ, bên cạnh đó là mạnh dạn hợp tác, liên kết để đứng vững trên thương trường hiện nay.
Dấu ấn thứ tư, Hội Nông dân Việt Nam đặt ra mục tiêu thành lập mới 15.000 Chi, Tổ hội nông dân nghề nghiệp. Để thành lập HTX là một trong những mục tiêu quan trọng của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới, bởi vậy tiền đề để thành lập HTX, đó là các tổ hợp tác và các Chi, Tổ hội nghề nghiệp
Bên cạnh đó, còn những dấu ấn đậm nét như: Hỗ trợ ít nhất 5.000 hộ nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; Hỗ trợ thành lập mới 5.000 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, 1.000 HTX nông nghiệp cũng là những chỉ tiêu mang dấu ấn của Hội Nông dân Việt Nam.
Thông tin thêm về những dấu ấn tại Đại hội lần này, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm nhấn mạnh, chủ đề của Đại hội lần này đã thể hiện rất cụ thể trong phần mục tiêu, tổng quát, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Báo cáo chính trị trình Đại hội. Ngoài ra, cũng thể hiện trong cơ cấu ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ tới.
"Điểm mới tại Đại hội này, giảm cơ cấu số lượng ủy viên BCH của Trung ương Hội NDVN, tăng cơ cấu của doanh nghiệp", bà Thơm cho biết, đồng thời cho hay, các doanh nghiệp đều hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, liên quan đến câu chuyện hợp tác, tiêu thụ nông sản, từ đó để doanh nghiệp hợp tác, liên kết với nông dân.
"Muốn phát triển kinh tế, muốn đi xa phải đi cùng nhau, bởi vậy liên kết hợp tác là một xu thế. Trong Nghị quyết của Trung ương Hội NDVN và quan điểm chỉ đạo phải liên kết, hợp tác", bà Thơm nhấn mạnh.
Trước câu hỏi của PV Ngọc Trìu - Báo Pháp luật Việt Nam về những kết quả nổi bật của nhiệm kỳ 2018 - 2023 của Hội Nông dân Việt Nam, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho hay, giai đoạn vừa qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đơn cử như: giá vật tư tăng cao, thiên tai, dịch bệnh... Tuy nhiên, kết quả công tác Hội và Phong trào nông dân trong nhiệm kỳ vừa qua đạt được nhiều kết quả quan trọng, có nhiều chuyển biến.
Cụ thể, được thể hiện ở các chỉ tiêu đưa ra đều đạt và vượt khá cao, trong đó, các chỉ tiêu về nông dân tham gia bảo vệ môi trường, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ, kết nạp phát triển hội viên... Điều đó thể hiện vai trò của Hội Nông dân Việt Nam.
Cũng theo bà Thơm, nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam có nhiều đổi mới, tổ chức các phong trào mang lại hiệu quả, thiết thực. Được thể hiện ở công tác tuyên truyền của các cấp hội, đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin, trên mạng xã hội, qua các hội thi, diễn đàn, thông qua các chi, tổ hội nghề nghiệp...
Việc tập hợp, đoàn kết nông dân thông qua các chi, tổ hội nghề nghiệp. Đây cũng là điểm nhấn, nổi bật và là nhiệm vụ, chỉ tiêu trọng tâm được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục chỉ đạo trong nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Việc phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam là "cầu nối" giữa Đảng, Nhà nước với nông dân cũng là một trong những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua. Theo bà Thơm, thể hiện rõ nét nhất trong tham mưu tổ chức các Hội nghị như: Thủ tướng đối thoại với nông dân; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp đối thoại với nông dân.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng đã 3 lần đối thoại với nông dân; 149 cuộc đối thoại của lãnh đạo các tỉnh, thành phố với nông dân; 2081 cuộc đối thoại của lãnh đạo các huyện, thị trấn với nông dân... Đây là "cầu nối", lãnh đạo trực tiếp nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nông dân, từ đó phát huy vai trò đề xuất các chủ trương, chính sách, tham gia tổ chức các hoạt động giám sát và phản biện. Nổi bật, Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, được các bộ, ban ngành đánh giá rất cao. Ngoài ra, Hội Nông dân Việt Nam cũng tham gia phản biện vào Luật Hợp tác xã.
Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ cho nông dân trong phát triển, sản xuất kinh doanh, nhất trong việc giúp cho nông dân thay đổi tư duy sản xuất từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Nông dân ứng dụng chuyển đổi số, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thành lập các điểm tiêu thụ nông sản an toàn, hỗ trợ nông dân đăng ký sản phẩm OCOP... cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Các phong trào cũng được triển khai hiệu quả, lan tỏa sâu, rộng. Đặc biệt, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Trong đại dích Coivd-19, phong trào "Triệu phần quà, nghìn tấn nông sản" do Trung ương Hội NDVN phát động; hội viên nông dân tham gia phong trào xây dựng NTM.