Tỉnh, thành phố có cuy mô Quỹ Hỗ trợ nông dân lớn nhất cả nước là tỉnh nào?
Hướng đến Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: Quỹ HTND Hà Nội quy mô lớn nhất nước (Bài 5)
Thu Hà
Thứ ba, ngày 05/12/2023 07:00 AM (GMT+7)
Hiện nay, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đang quản lý hơn 782 tỷ đồng đồng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Hiện nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Hà Nội lớn nhất cả nước và số hội viên nông dân hưởng lợi từ nguồn Quỹ này cũng nhiều nhất.
Nông dân Hà Nội có vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh
Cùng Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Phạm Hải Hoa và đoàn công tác về xã Vân Hà, huyện Đông Anh, PV Báo điện tử Dân Việt thấy rõ hiệu quả vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân thực hiện các dự án sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ nơi đây.
Phấn khởi dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của hội viên nông dân sử dụng hiệu quả vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân, chị Đào Thị Thanh Vân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Hà cho biết: Nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ là nghề truyền thống của xã Vân Hà. Hiện, Hội Nông dân xã đã thành lập được 4 tổ hội và 1 chi hội nông dân nghề chạm khắc gỗ mỹ nghệ cao cấp xã Vân Hà.
Nhằm hỗ trợ cho các hộ nông dân phát triển nghề mộc truyền thống, Hội Nông dân xã đang quản lý gần 1,6 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đầu tư cho hơn 50 hộ vay.
"Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, các hộ nông dân trong xã đã ở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia chi, tổ hội nghề nghiệp liên kết sản xuất, nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm chạm khắc gỗ mỹ nghệ của địa phương" - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Hà phấn khởi nói.
Cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Lưu Liễu của anh Nguyễn Thành Lưu (ở thôn Thiết Ứng, xã Vân Hòa, huyện Đông Anh) vừa được Hội Nông dân tiếp vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân 50 triệu để phát triển sản xuất.
Anh Lưu phấn khởi nói: "Đến nay, tôi đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Đặc thù của nghề này cần rất nhiều vốn đầu tư để mua nguyên liệu đầu vào và đầu tư máy móc. Vừa qua, được vay 50 triệu đồng từ nguôn Quỹ Hỗ trợ nông dân TP Hà Nội, tôi rất phấn khởi. Với số tiền được vay, tôi đầu tư mua thêm nguyên liệu gỗ để mở rộng sản xuất".
Hiện Hội Nông dân huyện Đông Anh đang quản lý hơn 40 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đầu tư cho hơn 1.600 hộ nông dân vay vốn thông qua 91 dự án.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Anh Ngô Văn Lệ khẳng định: "Các nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân đều được hội viên sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt và đặc biệt là không có nợ quá hạn, nợ xấu. Điển hình như dự án sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp tại xã Vân Hà, hay dự án trồng rau an toàn ở xã Vân Nội, trồng quất cảnh ở xã Tàm Xá...".
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Anh khẳng định, việc tạo điều kiện và giải ngân vốn vay kịp thời cho nông dân là hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên thêm nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tăng doanh thu; đồng thời, góp phần vào quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Các cấp Hội Nông dân Hà Nội tích cực tuyên truyền, vận động xây dựng vốn Quỹ HTND
Hội Nông dân huyện Quốc Oai là 1 trong những đơn vị thực hiện tăng trưởng, quản lý hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Tổng dư nợ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân đến nay trên địa bàn huyện Quốc Oai đạt: 43 tỷ 211 triệu đồng cho 2.000 hộ vay, tăng 11 tỷ 324 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ.
Ông Nguyễn Tuấn Hưng – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quốc Oai cho biết cả 21/21 Hội Nông dân xã, thị trấn đã tích cực tuyên truyền, vận động xây dựng nguồn vốn.
"Nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn trên địa bàn huyện. Đặc biệt, nguồn vốn này đã giúp nhiều hộ khó khăn về vốn có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đóng góp vào việc nâng mức thu nhập bình quân chung toàn huyện lên hơn 70 triệu đồng/người/năm"- ông Nguyễn Tuấn Hưng nhấn mạnh.
Tại huyện Gia Lâm Lâm, đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện đã có gần 45 tỷ đồng; trong đó, thành phố ủy thác 33,6 tỷ đồng (chiếm 75%), huyện vận động được 8,99 tỷ đồng, còn lại là do các xã, thị trấn vận động.
Trên cơ sở nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, Ban Thường vụ Hội Nông dân, Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các hội cơ sở xây dựng dự án vay vốn đúng quy định.
Điển hình là xã Đặng Xá, công tác hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất luôn được Hội Nông dân xã quan tâm. Nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã hỗ trợ 189 lượt hộ hội viên nông dân xã Đặng Xá vay 5,13 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất.
Ông Cao Bá Tri, ở thôn Đặng (xã Đặng Xá) chia sẻ, gia đình ông thuộc diện khó khăn. Nhờ được Hội Nông dân xã giúp đỡ, cho vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình ông đã đầu tư vườn ươm cây giống.
Dần dần, gia đình ông đã mở rộng diện tích vườn ươm cây giống từ gần 1.000m2 lên 1.500m2, cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm, đời sống ngày một được nâng cao. Gia đình ông Tri không chỉ vươn lên khá giả, mà còn trở thành hộ nông dân giỏi cấp thành phố.
Tương tự, Hội Nông dân xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm đã giúp hơn 90 hộ hội viên nông dân vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, mỗi hộ từ 25 triệu đồng đến 50 triệu đồng, với tổng vốn vay là 3,06 tỷ đồng để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Lệ Chi Phạm Văn Nghệ thông tin, các hộ hội viên được sử dụng vốn trong 2 năm, Hội chỉ thu phí quản lý 0,4%/tháng. Nhờ có vốn, các hộ hội viên đã mạnh dạn chuyển đổi 110ha cây trồng kém hiệu quả, sang các mô hình kinh tế cho giá trị cao, đạt hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
Tích cực tham mưu cấp uỷ, chính quyền các cấp
Theo báo cáo Hội Nông dân TP Hà Nội, sau 27 năm (1996-2023) thành lập và hoạt động, được sự quan tâm lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Điều hành Quỹ HTND Trung ương; sự chỉ đạo, tạo điều kiện của Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố, các Sở, ngành Thành phố, cấp uỷ và chính quyền các địa phương, Quỹ HTND thành phố tăng trưởng vượt bậc.
Tính đến 30/9/2023 tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn thành phố đang quản lý 782 tỷ đồng. Trong đó Quỹ Trung ương Hội uỷ thác 2 tỷ đồng (chiếm 0,25%), quỹ cấp thành phố đạt trên 650 tỷ đồng chiếm 83%, quỹ cấp huyện, thị xã đạt hơn 95,8 tỷ đồng chiếm 12,11%; Quỹ do Hội Nông dân cấp xã vận động đạt 36,8 tỷ đồng.
Riêng trong năm 2023, thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng vốn Quỹ HTND trung ương giao đạt 64,3 tỷ đồng (đạt 321,8%) chỉ tiêu Trung ương giao năm 2023. Hà Nội hiện là địa phương có tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân lớn nhất cả nước, với 23.239 hộ vay vốn tham gia 1.439 dự án. Bình quân đạt xấp xỉ 500 triệu đồng/dự án, hơn 41 triệu đồng/hộ vay.
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, phát triển, quản lý nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dânấn tượng, bà Phạm Hải Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các địa phương các cấp quan tâm phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân rất quan trọng. Nhờ làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các địa phương các cấp nên nguồn ngân sách thành phố Hà Nội duyệt cấp bổ sung cho hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân tăng trưởng đều qua các năm.
Lãnh đạo Hội Nông dân TP Hà Nội cho biết: 18/18 (100%) Quỹ cấp huyện xây dựng được Quỹ HTND, có nguồn vốn bình quân đạt trên 7 tỷ đồng/ huyện; trong đó đơn vị có số vốn lớn nhất hơn 14 tỷ, đơn vị ít nhất 2 tỷ đồng); 406/406 Hội Nông dân cấp xã vận động được Quỹ HTND.
Để đạt được kết quả ấn tượng trên, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Quỹ Hỗ trợ nông dân TP Hà Nội đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã thực hiện Kết luận số 61/KLTW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư và Quyết định số 516/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ Tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 27/CT-UBND, ngày 20/10/2009 của UBND thành phố về "Tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố Hà Nội" tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương kế hoạch vận động Quỹ HTND.
Đồng thời, Ban Thường vụ Hội Nông dân TP Hà Nội giao chỉ tiêu thi đua xây dựng Quỹ HTND các huyện, thị xã. Để nguồn vốn phát huy huy hiệu quả, các cấp Hội tích cực kiểm tra hoạt động Quỹ HTND; tổ chức tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ Quỹ HTND.
Bình quân mỗi cơ sở Hội trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có dư nợ cho vay từ 3-4 dự án, dư nợ bình quân đạt trên 1,6 tỷ đồng/cơ sở Hội; thời gian vay tùy loại hình sản xuất, kinh doanh (chu kỳ cây con) tối đa là 36 tháng, mức phí thu cho vay 0,4%/tháng (4,8%/năm).
Xây dựng trên 3.000 mô hình kinh tế hiệu quả
Lãnh đạo Hội Nông dân TP Hà Nội cho biết: Qua kiểm tra, đánh giá phần lớn các dự án, mô hình thực hiện có hiệu quả, sử dụng vốn đúng mục đích, việc thu hồi vốn và phí đúng quy định. Việc tập trung cho vay xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, tổ liên kết tổ hợp tác, hợp tác xã, chi, tổ Hội nghề nghiệp đã tạo điều kiện để các cấp Hội thực hiện tốt việc vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trên địa bàn nông thôn, đẩy mạnh việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cơ cấu tập trung.
Các mô hình vay vốn Quỹ HTND đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và rất có ý nghĩa về mặt xã hội, nâng cao vai trò của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị. Điển hình như mô hình "Trồng cây ăn quả có múi tại xã Vạn phúc, khu sản xuất rau an toàn tại Yên Mỹ, Duyên Hà, nuôi trồng thủy sản tại Đông Mỹ... huyện Thanh Trì; mô hình "Chăn nuôi bò sinh sản" tại xã Tiên Phong, huyện Ba Vì; mô hình "Trồng hoa hồng" tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh; mô hình "Chăn nuôi vịt đẻ trứng, thương phẩm VIETGAP" tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ; mô hình "Nuôi cá thương phẩm" tại xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ...
"Có thể khẳng định, Quỹ Hỗ trợ nông dân qua 27 năm hình thành và phát triển (từ năm 1996 đến nay), nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp cho hàng triệu lượt hộ nông dân vay phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và nhiều hộ đã trở lên khá, giàu; giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động ở nông thôn.
Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp hội viên nông dân có thêm vốn để mở rộng mô sản xuất; chuyển đổi nhận thức của nông dân từ sản xuất quảng canh, nhỏ lẻ, manh mún sang phương thức sản xuất thâm canh, liên kết xây dựng mô hình kinh tế hợp tác quy mô lớn, bước đầu hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất tập trung, xây dựng được trên 3.000 mô hình kinh tế hợp tác, liên kết (tổ, nhóm) sản xuất, kinh doanh theo hướng sản xuất hàng hóa. Thu nhập bình quân của hộ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tăng thêm 10% - 20% so với khi chưa tham gia dự án vay vốn"- lãnh đạo Hội Nông dân TP Hà Nội cho biết.
Về bộ máy tổ chức, cán bộ Quỹ Hỗ trợ nông dân TP Hà Nội: Đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố Hà Nội đã được xây dựng, hình thành ở 2 cấp hành chính theo hệ thống tổ chức Hội Nông dân Thành phố Hà Nội, bao gồm: Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố Hà Nội và Quỹ Hỗ trợ nông dân của 18 huyện, thị Hội. Bộ máy quản lý và điều hành hoạt động Quỹ HTND thành phố:
Cấp thành phố: Bộ máy quản lý và điều hành hoạt động Quỹ (Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố Hà Nội) gồm đại diện các cơ quan: Hội Nông dân Thành phố, Sở Tài chính, Sở Lao động, thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội. Đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân thành phố là Trưởng Ban điều hành Quỹ; Quỹ sử dụng dấu của Hội Nông dân thành phố Hà Nội.
Bộ phận nghiệp vụ giúp việc Ban Điều hành: Ban Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân thành phố
Cấp huyện: 18/18 huyện, thị xã có Quỹ và Ban Điều hành Quỹ HTND cấp huyện; Quỹ sử dụng dấu của Hội Nông dân cấp huyện.
Cấp xã: Theo điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ HTND không thành lập Quỹ HTND cấp xã, Hội Nông dân cấp xã chịu trách nhiệm vận động tạo nguồn vốn; trực tiếp tổ chức các hoạt động hỗ trợ vốn, các hoạt động dịch vụ trợ giúp nông dân.
Ban Điều hành Quỹ HTND Thành phố đã uỷ thác cho Ban Điều hành Quỹ HTND các huyện, thị xã thực hiện cho vay vốn. Quy trình cho vay vốn được các cấp Hội thực hiện nghiêm túc theo đúng hướng dẫn. Các hộ vay vốn được bình xét công khai, dân chủ. Các hộ đủ điều kiện tham gia dự án vay vốn, thảo luận, xây dựng quy ước hoạt động của dự án.
Các hộ vay vốn được tham gia các Hội nghị tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.