Hướng đến Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: Quỹ HTND tham gia phát triển kinh tế tập thể-hợp tác (Bài 2)

Mùa Xuân-Hồng Cẩm-Tuệ Linh-Phạm Hoài Thứ bảy, ngày 02/12/2023 07:05 AM (GMT+7)
Sau hơn 27 năm xây dựng và phát triển, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) thuộc hệ thống Hội Nông dân Việt Nam ngày càng vững chắc. Một trong những mục đích, ý nghĩa quan trọng của Quỹ HTND đã chứng minh được qua thực tiễn là góp phần hiệu quả trong việc phát triển kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác...
Bình luận 0

Quỹ Hỗ trợ nông dân hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể ở Hậu Giang

Hiện tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đạt hơn 4,9 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã "tiếp sức" hội viên, nông dân phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất và kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm ổn định, vươn lên khá giả.

Hiện tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đạt hơn 4,9 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã "tiếp sức" hội viên, nông dân phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất và kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm ổn định, vươn lên khá giả.

Hợp tác xã (HTX) dưa lưới Thuận Phát (ấp Tân Long B, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) là một trong những đơn vị HTX đầu tiên tiếp cận với nguồn Quỹ HTND của tỉnh Hậu Giang. Ông Trần Văn Trung – Phó Giám đốc HTX dưa lưới Thuận Phát, cho biết: Sau khi nhận thấy việc trồng lúa và một số loại cây trồng khác đạt hiệu quả kinh tế kém, HTX Thuận Phát mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển sang mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính với hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là ở việc thiếu nguồn vốn đầu tư.

Trước khó khăn đó, năm 2020, Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang đã tạo điều kiện cho HTX vay số tiền 300 triệu đồng để mở rộng diện tích sản xuất, hiện nay diện tích vườn dưa lưới đã tăng lên 7.000m2. Trung bình 1.000m2 thu hoạch khoảng 2,5 tấn dưa lưới thành phẩm. Với giá bán trung bình từ 25.000-30.000 đồng/kg, sau khi trừ đi các chi phí, thu về lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng mỗi năm.

Nông dân huyện Phụng Hiệp thoát nghèo, làm giàu nhờ Quỹ Hỗ trợ nông dân - Ảnh 1.

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) thăm quan mô hình dưa lưới trong nhà kính của HTX Thuận Phát. Ảnh: NVCC

"Lúc đầu HTX dưa lưới Thuận Phát thành lập khó khăn nhất là nguồn vốn, nhưng khi được Quỹ HTND hỗ trợ dự án thì các thành viên trong HTX rất vui mừng vì có được đồng vốn đầu tư giống, phân bón, nhân công,... từ đó việc làm ăn ngày càng hiệu quả hơn. Mỗi năm, HTX cung ứng cho thị trường hơn 200 tấn dưa lưới, doanh thu đạt hơn 2 tỉ đồng " – Ông Trung chia sẻ thêm.

Nông dân huyện Phụng Hiệp thoát nghèo, làm giàu nhờ Quỹ Hỗ trợ nông dân - Ảnh 2.

Dưa lưới sau khi thu hoạch được bán với giá 25.000-30.000 đồng/kg. Ảnh: Thúy Vy

Cũng với số vốn vay là 300 triệu đồng từ Quỹ HTND, HTX nông nghiệp Chín Em Ba (xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp) đã đưa vào nuôi thử nghiệm hơn 100 con dê, tận dụng nguồn mít non, mít dạt của HTX để làm thức ăn chính cho dê.

Anh Võ Trung Tình, xã viên HTX Chín Em Ba, chia sẻ: Anh đầu tư xây dựng chuồng trại 160m2 và mua 90 con dê nuôi, hầu hết là giống dê Boer. Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi, tiêm các loại vaccine định kỳ phòng bệnh truyền nhiễm nên đàn dê sinh sản của gia đình anh đã cho thêm hơn 20 con dê con.

Nông dân huyện Phụng Hiệp thoát nghèo, làm giàu nhờ Quỹ Hỗ trợ nông dân - Ảnh 3.

Mô hình nuôi dê Boer sinh sản với hơn 100 con dê của anh Nguyễn Trung Tình, xã viên HTX Chín Em Ba. Ảnh: Thúy Vy

Anh Tình chia sẻ: "Dê Boer nuôi từ khoảng 6-6,5 tháng là có thể bán được với lợi nhuận 1,5 triệu đồng/con. Thức ăn cho đàn dê chủ yếu là lá mít, mít dạt, mít non tuyển từ vườn nhà nên nhẹ công chăm sóc. Nguồn thức ăn sạch nên dê lớn nhanh, phát triển khỏe mạnh nên chất lượng thịt đảm bảo tốt".

Sẵn có 26ha trồng sầu riêng và mít, với cách làm xoay vòng, anh Tình đã tận dụng phụ phẩm từ mít cho dê ăn, nuôi lớn bán dê thịt, còn phân dê lấy đem ủ bón lại cho vườn cây. Mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn đã giúp cho HTX tiết giảm được 20%-30% chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào.

Nông dân huyện Phụng Hiệp thoát nghèo, làm giàu nhờ Quỹ Hỗ trợ nông dân - Ảnh 4.

Thức ăn cho dê chủ yếu là lá mít, mít dạt từ vườn nhà nên nhẹ công chăm sóc. Nguồn thức ăn sạch nên dê lớn nhanh, phát triển khỏe mạnh nên chất lượng thịt đảm bảo tốt. Ảnh: Thúy Vy

Ngoài bán dê thịt, HTX còn cung cấp dê giống cho những hộ gia đình có nhu cầu nuôi dê Boer. Thời gian tới, HTX dự tính sẽ mở rộng chuồng trại và quy mô để có thêm lợi nhuận, tạo việc làm cho lao động ở địa phương.

Theo Hội Nông dân huyện Phụng Hiệp, dù nguồn vốn Quỹ HTND còn thấp, bình quân mỗi hộ được vay ở mức từ 30 - 50 triệu đồng, nhưng thời hạn cho vay từ 24 - 36 tháng mới phải hoàn trả vốn, nên các hội viên yên tâm đầu tư sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Theo Hội Nông dân huyện Phụng Hiệp, tổng nguồn vốn Quỹ HTND tính đến nay đạt hơn 4,948 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương ủy thác 2,3 tỷ đồng; vốn cấp tỉnh 1,066 tỷ đồng; cấp huyện 4,937 tỷ đồng. Toàn huyện đang triển khai 22 dự án cho 203 hộ vay vốn. Quỹ HTND đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho 7.767 lao động.

Từ nguồn vốn Quỹ HTND, hội viên nông dân huyện Phụng Hiệp đã và đang đã xây dựng, nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ ngành nghề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Điển hình như: "Trồng mít Thái" xã Tân Phước Hưng, nuôi ba ba xã Hòa An, "Trồng dưa lưới" xã Bình Thành, "nuôi dê Boer" xã Long Thạnh, trồng mãng cầu xã Hòa Mỹ, "Tuần hoàn Điện mặt trời trồng nấm rơm - Nuôi bò sinh sản - Nuôi trùn quế - Nuôi cá- nuôi gà, vịt- trồng cỏ voi", xã Tân Bình...

Nông dân huyện Phụng Hiệp thoát nghèo, làm giàu nhờ Quỹ Hỗ trợ nông dân - Ảnh 5.

Mô hình chăn nuôi dê Boer của HTX Chín Em Ba. Ảnh: Thúy Vy

Những mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao mà đồng thời còn giải quyết được lực lượng lao động nhàn rỗi tại địa phương, tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình, xây dựng Quỹ HTND tăng trưởng hàng năm đạt vượt chỉ tiêu kế hoạch, góp phần cùng địa phương giảm nghèo bền vững thời gian qua.

Ông Phan Văn Năm - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết: Để nguồn vốn Quỹ HTND phát huy hiệu quả, Hội Nông dân huyện Phụng Hiệp tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong hội viên, nông dân về các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động Quỹ HTND, từ đó nhận thức của hộ vay ngày càng được nâng cao, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đem lại hiệu quả thiết thực, thực hiện trách nhiệm nộp phí vay đúng thời gian quy định.

Đồng thời, Hội cũng sẽ chọn lọc những mô hình vay vốn phù hợp, có tính khả thi cao, đảm bảo phát huy hiệu quả của nguồn vốn và có tiềm năng nhân rộng.

Hình thành, phát triển chi, tổ hội nghề nghiệp ở Lào Cai được Quỹ HTND "tiếp sức"

Tại thị xã Sa Pa, từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều hội viên nông dân, các HTX, tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp đã có thêm điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.

Điển hình như dự án nuôi cá nước lạnh tại xã Tả Van, thời gian thực hiện từ tháng 6/2021, với tổng vốn thực hiện hơn 4,8 tỷ đồng cho 15 hộ dân vay vốn sản xuất. Trong đó, vốn tự có của các hộ dân tham gia dự án là hơn 4 tỷ đồng, vốn đề nghị vay Quỹ HTND là 865 triệu đồng.

Từ số vốn này, 15 thành viên của Tổ hội nghề nghiệp nuôi cá nước lạnh thôn Dền Thàng, xã Tả Van, thị xã Sa Pa đã có thêm đồng vốn để phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh.

Ông Hầu A Seng, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp nuôi cá nước lạnh thôn Dền Thàng, xã Tả Van chia sẻ: Năm 2021, gia đình tôi cũng được vay 70 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND tỉnh Lào Cai. Với số tiền có được cộng với số tiền tích góp được của gia đình, tôi đã có thêm điều kiện xây bể cá, mua 2.000 con cá tầm, cá hồi giống về nuôi.

Sau hơn 1 năm nuôi, gia đình tôi xuất được hơn 3 tấn cá tầm, cá hồi ra thị trường. Với giá bán trung bình 200 nghìn đồng/kg, thu được hơn 600 triệu đồng. Sau khi trừ phí tiền cám, tiền giống, lãi hơn 200 triệu đồng.

Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp hội viên nông dân Lào Cai phát triển sản xuất - Ảnh 2.

Tổ hội nghề nghiệp nuôi cá nước lạnh thôn Dền Thàng, xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Mùa Xuân.

“Nhờ nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp các thành viên trong Tổ hội nghề nghiệp nuôi cá nước lạnh có thêm vốn đầu tư nuôi cá, có thêm thu nhập, giảm nghèo tại địa phương. Hiện dự án đã kết thúc từ tháng 6/2023, các hộ vay vốn đã nộp đủ phí, gốc vốn vay đúng thời hạn”, Ông Hầu A Seng nói.

Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp hội viên nông dân Lào Cai phát triển sản xuất - Ảnh 3.

Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Mùa Xuân.

Đánh giá về Quỹ HTND trên địa bàn thị xã, ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho biết: Nguồn Quỹ HTND đã trở thành một phần nguồn lực thiết thực giúp hội viên nông dân làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Các dự án vay vốn Quỹ HTND trên địa bàn thị xã đều phát huy hiệu quả của nguồn vốn, tạo động lực phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế, nhất là xây dựng các HTX, tổ hội nghề nghiệp, mô hình tổ hợp tác trong sản xuất, kinh doanh… gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, được cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Còn tại huyện Mường Khương, một số mô hình được Quỹ HTND hỗ trợ hoạt động hiệu quả như: mô hình trồng và chăm sóc phát triển cây quế tại xã Bản Lầu, mô hình chăn nuôi trâu sinh sản tại xã Cao Sơn; chăn nuôi đại gia súc tại xã Lùng Vai…

Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp hội viên nông dân Lào Cai phát triển sản xuất - Ảnh 4.

Giải ngân Quỹ Hỗ trợ nông dân thực hiện dự án chăn nuôi đại gia súc tại xã Lùng Vai, huyện Mường Khương (Lào Cai). Ảnh: Văn Phà.


Ông Đinh Trọng Khôi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cho rằng: Từ nguồn Quỹ HTND đã tác động trực tiếp đến tư tưởng, nhận thức của hội viên nông dân trong việc xây dựng các mô hình kinh tế để giúp các hội viên nông dân là hộ nghèo, cận nghèo học tập, áp dụng, nhân rộng vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thế nhưng Mường Khương là huyện vùng cao, biên giới, đặc biệt khó khăn của cả nước, điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí, nhận thức không đồng đều.

Do đó, việc đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển quy mô với phương thức sản xuất ứng dụng công nghệ khoa học còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương, tỉnh, của huyện tuy đã bố trí cho Quỹ hỗ trợ nông dân huyện để thực hiện các dự án xong kinh phí còn ít, trong khi đó nhu cầu của người dân rất lớn. Tính đến tháng 11/2023, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn huyện chỉ có hơn 2,4 tỷ đồng.

Ông Đinh Trọng Khôi mong muốn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh, UBND huyện tiếp tục quan tâm, xem xét cấp bổ sung vốn cho Quỹ HTND để Hội Nông dân huyện Mường Khương xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả hơn nữa.

Theo thông tin từ Hội Nông dân tỉnh Lào Cai, năm 2023, Quỹ HTND tỉnh được ngân sách tỉnh cấp bổ sung 5 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, ngân sách tỉnh cấp cho Quỹ HTND tỉnh 16 tỷ đồng; 3/9 Quỹ HTND cấp huyện được ngân sách cấp 1,703 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh là gần 39 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn Trung ương ủy thác: 14,4 tỷ đồng; nguồn vốn cấp tỉnh: hơn 17,7 tỷ đồng; nguồn vốn cấp huyện: hơn 6,7 tỷ đồng. Nguồn quỹ tỉnh quản lý đang dư nợ trên 30,8 tỷ đồng thực hiện 37 dự án cho 451 hộ vay vốn tại 8/9 huyện, thị xã, thành phố.

Nguồn vốn Quỹ HTND đã hỗ trợ vốn xây dựng các dự án nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng của từng địa phương như: Mô hình trồng bưởi Múc, na dai tại huyện Bảo Thắng; mận tam hoa tại huyện Bắc Hà; hoa địa lan, cá nước lạnh tại thị xã Sa Pa… đã thu hút và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở nông thôn với mức thu nhập ổn định bình quân từ 50 đến 60 triệu đồng/năm; có mô hình đạt được mức thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/năm.

Nhiều dự án phát huy tốt hiệu quả và được địa phương quan tâm nhân rộng như dự án: Nuôi gà thả đồi tại huyện Bảo Thắng; vịt bầu tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên; các dự án đầu tư chăn nuôi thủy sản tại huyện Bảo Thắng, Bát Xát; dự án chăn nuôi đại gia súc tại các huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng, Bát Xát đã phát huy được lợi thế nguồn thức ăn cho gia súc phong phú, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu nên đàn gia súc phát triển rất tốt, đem lại giá trị kinh tế cao có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn tỉnh.

Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp hội viên nông dân Lào Cai có thêm đồng vốn phát triển sản xuất - Ảnh 5.

Ông Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai khẳng định: Quỹ HTND trở thành một phần nguồn lực thiết thực giúp nông dân, nhất là những hộ có ý chí quyết tâm làm giàu nhưng thiếu vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai khẳng định: Quỹ HTND trở thành một phần nguồn lực thiết thực giúp nông dân, nhất là những hộ có ý chí quyết tâm làm giàu nhưng thiếu vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Các dự án vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân trong toàn tỉnh đều phát huy tốt hiệu quả của nguồn vốn, tạo động lực phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả cao, nhất là xây dựng các Tổ hội nghề nghiệp, mô hình Tổ hợp tác trong sản xuất, kinh doanh…; phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, được cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Thông qua các dự án Quỹ HTND, hoạt động Hội Nông dân được tiếp thêm nguồn lực, nội dung hoạt động đã đi vào chiều sâu, mang lợi ích thiết thực giúp hội viên nông dân tích cực tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy tiềm năng thế mạnh của từng vùng, góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Quỹ Hỗ trợ nông dân tham gia phát triển Hợp tác xã nông nghiệp ở Hòa Bình

Những năm qua, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Hòa Bình đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã có vốn đầu tư để mở rộng phát triển sản xuất. Trong đó, điển hình là HTX Nông nghiệp Đại Đồng ở xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy.

Những ngày đầu tháng 12, PV Dân Việt có mặt tại HTX Nông nghiệp Đại Đồng (xóm Đại Đồng, xã Ngọc Lương, huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hòa Bình). Đây là một trong những HTX điển hình của tỉnh Hòa Bình, được Quỹ Hỗ trợ nông dân hỗ trợ vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Trên khắp các vườn bưởi của HTX, các thành viên ai nấy đều phấn khởi vì chuẩn bị có thêm lô bưởi xuất khẩu sang thị trường Anh và Mỹ.

HTX Nông nghiệp Đại Đồng được thành lập tháng 10 năm 2015 với 82 thành viên, tập trung phát triển các loại bưởi, trong đó bưởi Diễn là cây trồng chủ lực. Từ năm 2020 đến nay, HTX Đại Đồng cơ cấu lại nên chỉ còn 22 thành viên tích cực.

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Vũ Xuân Oanh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Đồng, phấn khởi: Thời điểm này, các thành viên của HTX đang tất bật thu hoạch bưởi để chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Anh và Mỹ. Dự kiến vào ngày 5/12, HTX sẽ xuất 16 tấn bưởi Diễn và bưởi Đỏ đi thị trường Anh; tiếp đó ngày 7/12, xuất khoảng 16 tấn bưởi Diễn đi thị trường Mỹ.

Trước đó, vào tháng 12 năm 2022, 11 tấn đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Vương Quốc Anh – 1 trong những thị trường khó tính nhất châu Âu, với giá 20.000 đồng/quả.

Hòa Bình: Quỹ Hỗ trợ nông dân góp phần phát triển mô hình kinh tế tập thể - Ảnh 1.

Ông Vũ Xuân Oanh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Đồng. Ảnh: Hoài Linh.

Ông Oanh cho biết: Bưởi Diễn của HTX được người dân xóm Đại Đồng gốc ở Thạch Thất, Hà Nội mang lên trồng tại đây từ những năm 1978 đến năm 1998. Sau một thời gian trồng và chăm sóc, bưởi Diễn không những phát triển tốt mà quả ăn rất thơm ngon, khác hẳn so với trồng ở những nơi khác; đồng thời cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác. Những năm qua, diện tích bưởi Diễn không ngừng tăng lên.

Theo ông Oanh, sau khi diện tích bưởi Diễn tăng lên, khoảng 7, 8 hộ dân trồng bưởi Diễn ở Đại Đồng đã thành lập Hội làm vườn bưởi Diễn Đại Đồng. Hằng năm, các hộ gặp gỡ, trò chuyện với nhau về những cách làm hay trong chăm sóc bưởi Diễn.

Năm 2014 - 2015, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tập thể của cấp trên, các hộ dân ở xóm Đại Đồng được cán bộ huyện Yên Thuỷ, xã Ngọc Lương động viên thành lập Tổ hợp tác và HTX.

Hòa Bình: Quỹ Hỗ trợ nông dân góp phần phát triển mô hình kinh tế tập thể - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Phi Long (thứ 2 từ trái sang), Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình và các đại biểu tham quan quy trình sơ chế, đóng gói bưởi Diễn của HTX Nông nghiệp Đại Đồng trước khi xuất khẩu sang thị trường Vương Quốc Anh. Ảnh: Dương Linh.

Cũng theo ông Oanh, sau khi thành lập Tổ hợp tác trồng bưởi Diễn Đại Đồng, 60 hộ dân trồng bưởi Diễn đã được Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình cho vay 900 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư chăm sóc và xây dựng thương hiệu bưởi Diễn Đại Đồng. Tuy số vốn này không lớn nhưng đã góp phần giúp sản phẩm bưởi Diễn Đại Đồng "bay" ra thị trường thế giới. Đây là nền tảng giúp hình thành HTX Nông nghiệp Đại Đồng như bây giờ.

Bên cạnh việc được vay vốn, các hộ dân trồng bưởi Diễn Đại Đồng còn được cán bộ Hội Nông dân phối hợp các cơ quan chuyên môn liên quan tập huấn kỹ thuật trồng bưởi, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Nhờ vậy, đến nay, các thành viên trong HTX đều nắm chắc kỹ thuật chăm bưởi Diễn trong lòng bàn tay như nhà khoa học.

Hòa Bình: Quỹ Hỗ trợ nông dân góp phần phát triển mô hình kinh tế tập thể - Ảnh 3.

HTX Nông nghiệp Đại Đồng được vay 900 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư chăm sóc và xây dựng thương hiệu bưởi Diễn Đại Đồng . Ảnh: Dương Linh.

Nhận xét về HTX Nông nghiệp Đại Đồng, bà Nguyễn Thị Hương Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình, cho biết: Đây là HTX hoạt động rất hiệu quả. Từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp các thành viên HTX có thêm điều kiện đầu tư chăm sóc bưởi Diễn. Đến nay, hàng chục ha bưởi của HTX đã được cấp mã số vùng trồng, chứng nhận VietGAP và được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình thông tin: Đến nay tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh đang quản lý đạt trên 54 tỷ đồng, nguồn vốn đang hỗ trợ cho 1.597 hộ nông dân vay vốn với 183 dự án. Thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp hộ hội viên nông dân có vốn mở rộng quy mô, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Bên cạnh đó, Quỹ Hỗ trợ nông dân còn là kênh hữu hiệu góp phần tập hợp, củng cố tổ chức Hội thông qua những mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp tại địa phương.

Hòa Bình: Quỹ Hỗ trợ nông dân góp phần phát triển mô hình kinh tế tập thể - Ảnh 4.

Khu vườn rộng 0,6 ha trồng bưởi diễn theo hướng VietGAP của ông Nguyễn Đức Bình - thành viên HTX Nông nghiệp Đại Đồng. Ảnh: Hoài Linh.

Trong thời gian tới, để tăng trưởng nguồn vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân theo Nghị định 37/2023/NĐ-CP, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình kiến nghị: Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành sớm ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân theo Nghị định 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ.

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giúp hội viên, nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân, tích cực đóng góp xây dựng Quỹ. Mở rộng đối tượng vay vốn là hội viên nông dân không sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp (mây, tre, đan, du lịch…).

Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn nghiệp vụ nâng cao trình độ năng lực đội ngũ cán bộ Quỹ Hỗ trợ nông dân đáp ứng yêu cầu hoạt động công tác Hội và quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Hàng năm, kịp thời tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện và nhân rộng các mô hình điển hình ra diện rộng, khen thưởng động viên kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn vay.

.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem