Báo cáo tại Hội nghị, bà Trần Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai cho biết: Thực hiện chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi giai đoạn 2021- 2023, nhiều mô hình tuyên vận được xây dựng, nhiều cán bộ, hội viên nông dân đã phát huy tốt vai trò, gương mẫu đi đầu trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng phát triển sản xuất kinh tế hộ gia đình, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh biên giới...
Giai đoạn 2021- 2023 có 80 cán bộ, hội viên nông dân đã được Hội Nông dân các cấp đề xuất Hội Nông dân tỉnh Lào Cai biểu dương. Đây là những gương tiêu biểu đại diện, khẳng định vai trò chủ thể của người nông dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế- xã hội nói chung.
Điển hình là một số mô hình, gương nông dân điển hình đại diện như: Mô hình "Tuyên truyền, vận động Nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu, trong việc tang" tại xã Nậm Mả,huyện Văn Bàn; mô hình "Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống" xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát; mô hình "Thôn không tảo hôn" xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà…
Hộ nông dân tiêu biểu về phát triển kinh tế, như ông Lý Văn Tiên, dân tộc Giáy, thôn Tân Bảo, xã Bản Qua, huyện Bát Xát với mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (bưởi da xanh, dưa lưới, dưa chuột, cà chua, ớt chuông....), bình quân một năm thu nhập trừ chi phí từ mô hình trồng trọt của gia đình lãi khoảng 370 triệu đồng;
Ông Lý Láo Lở, dân tộc Dao, thôn Tả Chải, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, với mô hình trồng và sản xuất thuốc tắm truyền thống của dân tộc Dao đỏ, liên kết với trên 300 hộ nông dân tại các xã để trồng các cây dược liệu phục vụ cho việc sản xuất thuốc tắm, tinh dầu nguyên chất, mỹ phẩm, trà… Tổng doanh thu mỗi năm đạt từ 8 - 10 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi bình quân trên 1 tỷ đồng…
Ngoài ra, còn nhiều nông dân tiêu biểu trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc; giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...
Trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã tạo sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực. Qua phong trào, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tạo động lực khích lệ, động viên hàng nghìn hộ nông dân tham gia, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư vốn, giống vào sản xuất kinh doanh, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất và giảm nghèo bền vững.
Hằng năm, có hơn 40 nghìn hộ đăng ký nông dân SXKD giỏi, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 16.500 hộ đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi các cấp, trong đó, có hơn 9.700 hộ nông dân SXKD giỏi là người dân tộc thiểu số, chiếm 61,5% tổng số hộ nông dân SXKD giỏi toàn tỉnh.
Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp đỡ 66.282 ngày công, hỗ trợ 5,827 triệu đồng tiền mặt và 4,743 triệu đồng tiền vật tư, giúp đỡ được 553 hộ thoát nghèo, hướng dẫn, giúp đỡ về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm cách thức đưa cây, con giống mới vào sản xuất cho hàng nghìn hộ nông dân tại thôn bản.
Đặc biệt là từ năm 2021 đến nay, có 4 nông dân được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh "Nông dân Việt Nam xuất sắc" và Hợp tác xã Tâm Hợi, thôn Làng Chưng, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng công nhận Hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc.
Phát biểu tại Lễ tôn vinh, ông Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai cho biết: Nông dân toàn tỉnh Lào Cai đã hăng hái thi đua lao động, sản xuất, thực hiện các phong trào thi đua do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tỉnh Lào Cai phát động và tổ chức, nhất là phong trào thi đua "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững".
Từ phong trào đã tạo sự chuyển biến trong tư duy, cách làm, trong đó, hội viên nông dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành và phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, tác động mạnh đến xây dựng nông thôn mới. Khích lệ, động viên hàng nghìn hộ nông dân tham gia, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư vốn, giống vào sản xuất kinh doanh, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất và giảm nghèo bền vững.
Theo ông Bùi Quang Hưng, mặc dù nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt được những thành tựu tích cực. Song cũng còn nhiều những khó khăn, thách thức đang phải đối mặt, cần giải quyết, nổi bật là việc áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất chưa cao, áp dụng chưa phổ biến, đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực chưa được cải thiện nhiều.
Cùng với đó, việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún vẫn còn phổ biến; năng suất, chất lượng hiệu quả thấp, nhiều rủi ro với yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng, sản lượng ngày càng cao; tốc tộ hình thành chuỗi giá trị sản xuất chậm; một bộ phận người dân chưa thực sự hiểu và đồng tình tham gia còn trông chờ ỷ lại nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện một số chính sách trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia…
Do đó, nhiệm vụ của Hội Nông dân là phải thể hiện rõ hơn vai trò thúc đẩy sự thay đổi của người nông dân thích ứng với điều kiện mới, tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tập hợp, đoàn kết nông dân, tổ chức nông dân liên kết, hợp tác trong sản xuất, gắn sản xuất, chế biến với thị trường.
Tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác để củng cố kinh tế hộ; tăng cường liên kết với doanh nghiệp để dẫn dắt hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản cũng như định hướng tiêu chuẩn sản xuất theo yêu cầu tiếp cận thị trường; phát triển nông nghiệp áp dụng công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu ở một số nông sản trọng điểm, có thế mạnh.
Coi nghề nông phải là nghề chuyên nghiệp, sản xuất nông nghiệp phải có tay nghề cao, nông dân có tư duy hợp tác, áp dụng công nghệ cao, số hóa, liên kết bền vững trong sản xuất. Người nông dân là "Chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới"; Hội Nông dân là "Trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới".
Các cấp Hội trên địa bàn tỉnh cần xây dựng gương hình ảnh nông dân xuất sắc thời kỳ 4.0 thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tuyên truyền, cổ vũ, nhân lên khát vọng thi đua của nông dân các dân tộc tỉnh Lào Cai.
Đồng thời, kịp thời biểu dương, ghi nhận những cống hiến của nông dân các dân tộc tỉnh Lào Cai, góp phần cùng Đảng bộ phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra. Tiếp tục khẳng định phát huy những kinh nghiệm hay về tổ chức phong trào thi đua trong xây dựng và nhân rộng các điển hình nông dân các dân tộc xuất sắc.
Cũng tại Hội nghị này, những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông dân Lào Cai xuất sắc đã tham luận, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay tại cộng đồng và trong phong trào sản xuất kinh doanh. Đồng thời, nêu lên những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở trong quá trình khởi nghiệp, xây dựng mô hình phát triển kinh tế...
Hội nghị biểu dương - tôn vinh "Người uy tín trong vùng ĐBDTTS và Nông dân Lào Cai xuất sắc" là biểu dương, tôn vinh và nhân rộng những gương nông dân các dân tộc điển hình xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Đây cũng là những tấm gương có những sáng kiến, giải pháp, kinh nghiệm hay, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh; ghi nhận những cống hiến của nông dân các dân tộc tỉnh Lào Cai, góp phần cùng Đảng bộ phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.