Top 6 cây cổ thụ bí ẩn nhất Việt Nam, có cây ổi "biết cười" ở Thanh Hóa, cây đa "biết đi" ở Ninh Bình

Galaxytourist (T/H) Thứ năm, ngày 14/12/2023 15:45 PM (GMT+7)
Đây là 6 cây cổ thụ nổi tiếng bí ẩn nhất Việt Nam. Đó là cây ma ở sân bay Phú Quốc (Kiên Giang); cây hoa sữa ở miếu trấn yểm ở TP HCM; cây trâm mộc cổ thụ ở Long An; cây dầu 300 tuổi -cây oan hồn vùng Ba Chúc ở An Giang; cây ổi "biết cười" Lam Kinh (Thanh Hóa); cây đa "biết đi" ở Ninh Bình...
Bình luận 0

Bí ẩn cây “Ma” ở sân bay Phú Quốc (Kiên Giang)-chuyện huyền bí

Sân bay Phú Quốc nằm thế tựa núi trong một không gian xanh và thoáng đẹp. Ở giữa sân bay rộng lớn có một cây cao đứng đơn độc một mình ngay cạnh đường băng được người dân gọi là “cây thần” hoặc “cây ma” vì mang trong mình những câu chuyện thần bí.

Top 6 cây cổ thụ bí ẩn nhất Việt Nam, có cây ổi "biết cười" ở Thanh Hóa, cây đa "biết đi" ở Ninh Bình - Ảnh 1.

Cây "choi loi" đứng sừng sững giữ sân bay Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Theo lời người dân địa phương, cây này thuộc loại cây hoa sữa. Trước khi sân bay được xây dựng thì nơi đây là một khu rừng rậm rạp. 

Khi dự án sân bay mới khởi công người ta cho san ủi mặt bằng để xây dựng sân bay nhưng khi công nhân làm đến đây thì nhiều chuyện kì bí đã xảy ra. Vào lúc xe ủi sắp ủi cây đi thì chiếc xe chết máy. Lần lượt nhiều chiếc xe khác được điều đến để thay thế. Tuy nhiên, điều lạ lùng lặp lại, bất cứ chiếc xe cẩu nào chạm vào cái cây đều hư hỏng, chiếc thì đứt cáp truyền lực, chiếc thì vỡ cả béc dầu, không thể nào vận hành được. 

Người ta dùng máy cưa không chạy, mang búa rìu đến chặt thì gặp lớp vỏ trơn cứng, bị bạt ra không tài nào chặt được. 

Chủ thi công công trình khấn cúng cả heo quay, thậm chí mời thầy cúng tới làm lễ nhưng cũng không thể đốn hạ. Chủ thầu ngán ngẩm quyết định để nguyên cây này. Vì cái cây nằm choi loi giữa sân bay nên người dân Phú Quốc quen miệng gọi luôn là “cây Choi Loi” cho đến bây giờ.

Chuyện kể rằng ngày xưa ông chủ khu đất này có nhờ thầy triệu linh hồn một ᴄô gái về đây để giữ đất, linh hồn của ᴄô không thể siêu thoát nên đã ẩn náu trong thân cây kể từ đó đến giờ. 

Chuyện khác lại nói cây này mọc trên mộ một cô gái trẻ, trong khu vực này hiện vẫn còn nhiều mồ mả do không có người thân hoặc thân nhân ở nước ngoài. 

Chú xe ôm Trương Văn Đời hành nghiệp ở sân bay Phú Quốc, cũng là một người rành rọt loài cây này. Chú không phủ nhận cũng không khẳng định những chuyện thần bí liên quan đến nó. Nhưng chú xác nhận rằng những câu chuyện còn “rùng rợn” hơn thế.

Top 6 cây cổ thụ bí ẩn nhất Việt Nam, có cây ổi "biết cười" ở Thanh Hóa, cây đa "biết đi" ở Ninh Bình - Ảnh 2.

Nhìn từ xa thân cây mảnh khảnh giống như cô gái độ tuổi thanh xuân.

Theo chú Đời, nhiều người tin rằng cái cây này bị ma ám thật. Cả sân bay ai cũng sợ cái cây này. Kể cả bảo vệ sân bay khu vực gần cái cây khi vào ca trực đêm cũng phải bố trí 3 người trở lên. 

Chưa có bảo vệ nào dám trực một mình gần cây ấy. Nhiều bảo vệ khẳng định giữa khuya thường nghe tiếng con gái sau lưng nhưng khi giật mình quay lại thì không thấy ai cả.

Người dân truyền tai nhau rằng có hai nữ nhân viên đang dọn dẹp ở khu sân bay quốc tế thì bỗng nghe có tiếng hát liền quay sang hỏi lại người kia nhưng chị này cũng ngớ người không hiểu ai hát giữa trưa thanh vắng. 

Người này bất ngờ đổ bệnh tâm thần sau đó, đến nay vẫn chưa khỏi. Từ đó nhiều chuyện huyền bí về cây hoa được đồn đại và trở thành chủ đề bàn tán của người dân cũng như khách du lịch. 

Ở khu vực có “cây thần” ngày trước đông dân cư sinh sống. Họ có lập bàn thờ ở gốc cây đó để thờ thần hoàng, thổ địa. Người dân thắp nhang thờ cúng nhiều và rất tôn sùng cây này. Đến tận bây giờ, người dân và nhân viên sân bay thỉnh thoảng vẫn thắp nhang cúng bái dưới gốc cây Thoi Loi.

Dẫu cây hoa sữa mang nhiều câu chuyện liêu trai chí dị nhưng không thể phủ nhận nét cuốn hút của loài hoa này vừa nồng nàn, đắm say lại giản dị và tinh khôi. 

Sự tích cây hoa sữa và ngôi miếu trấn yểm ở Trường Đại học Sư phạm  Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Hoa sữa thủ đô mang đậm nét nồng nàn, lãng mạn còn trong tâm thức của các bạn sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cây hoa sữa nhuốm màu huyền bí, ma mị. Theo những người dân khu vực quanh đây cho biết, hầu hết các trường đại học ở Thủ Đức đều được xây dựng trên một nghĩa trang hoặc bệnh viện dã chiến. 

Trường đại học Sư phạm kỹ thuật cũng thế. Trong khuôn viên trường có một cây cổ thụ giống như cây bị ma ám ở sân bay Phú Quốc.

Top 6 cây cổ thụ bí ẩn nhất Việt Nam, có cây ổi "biết cười" ở Thanh Hóa, cây đa "biết đi" ở Ninh Bình - Ảnh 3.

Cây cổ thụ trong khuôn viên trường Sư Phạm Kỹ Thuật, TP HCM.

Người dân truyền rằng nơi đây bị những hồn ma Hàn oán thán có trong thân cây vẫn ngày đêm lởn vởn. Những oan hồn này là trong những năm 1963-1973 Hàn Quốc đã gửi hơn 300.000 quân sang miền Nam Việt Nam tham chiến với tư cách là đồng minh của Hoa Kỳ. 

Với những tên gọi lần lượt là sư đoàn, lữ đoàn “Mãnh Hổ”, “Bạch Mã”, “Rồng Xanh” hay gọi chung là lính đánh thuê Park Chung Hee. Sau khi tham chiến bị thương họ được đưa về bệnh viện dã chiến tại đây chữa trị. 

Do vết thương nặng không qua khỏi, họ được chôn ở ngay góc cây hoa sữa. Về sau hài cốt của họ được đưa về nước. Khu nghĩa địa xưa được san lấp lại và cho xây dựng thành ngôi trường như hôm nay. Tuy nhiên những hồn ma vẫn còn lẫn quẩn trong khuôn viên của trường. 

Vào những năm 70, khi san phẳng khu đất để làm trường, cả khu rừng phía sau được dọn sạch nhưng đến cây hoa người ta không tài nào có thể chặt bỏ được. Xe ủi tới thì bị chết máy, xe khác thì bị đứt dây xích, xe nữa bị lật nhào xuống cái hố bên cạnh. 

Thậm chí, khi một người bảo vệ của trường đến vun rìu chặt cây, mới bổ được vài nhát liền bị mảnh gỗ cây bắn vào mắt, gần như bị mù. Do xảy ra một số chuyện kì lạ nên phía xây dựng cho mời những nhà ngoại cảm đến xem họ đều nói rằng xung quanh đây có nhiều vong hồn chưa siêu thoát nên đề nghị xây một ngôi miếu để trấn áp. Từ đó ngôi miếu thờ dựa trên mô phỏng chùa một cột ra đời. 

Tuy nhiên, dù đã làm cái miếu, song những linh hồn oán thán có trong thân cây, vẫn chưa hoàn toàn bỏ qua cho sinh viên trong trường.

Top 6 cây cổ thụ bí ẩn nhất Việt Nam, có cây ổi "biết cười" ở Thanh Hóa, cây đa "biết đi" ở Ninh Bình - Ảnh 4.

Ngôi miếu trấn ểm dựa theo mô hình chùa Một Cột.

Kể từ khi trường thành lập, trong khuôn viên của trường đã xảy ra rất nhiều cái chết kỳ quái. Đầu tiên, một sinh viên trong trường vì thầy giáo khó khăn với mình nên nhân lúc thầy dạy học đã lao vào đâm thầy rồi sau đó tự tử. 

Căn phòng A101 hiện trường của vụ án từ đó có nhiều lời đồn ma mị. Nhiều lời đồn thổi rợn người rằng, mỗi khuya, phòng học sáng trưng, mặc dù lúc về lao công đã tắt hết điện và đóng cửa lại. Chú bảo vệ kể rằng chú đi kiểm tra khuôn viên thì thấy phòng còn sáng điện nên vào tắt đèn thì nghe dưới lớp vang lên câu “Chú đừng tắt điện để cho con học bài”. 

Nhưng kì lạ là không có sinh viên nào trong lớp. Từ đó về sau người ta cũng không buồn tắt điện, không đóng cửa. Kế bên căn phòng xảy ra vụ án từng có sinh viên treo cổ trên cây vú sữa cổ thụ mà không rõ lí do. 

Trong khu ngoại trú của trường, có một sinh viên tử vong do nội thương (dập lá lách), trong khi bên ngoài cơ thể không có bất cứ thương tích gì. Theo đó, phải là người có võ công cao cường, nội công thâm hậu mới có thể giết người kiểu đó. Hoặc do một thế lực siêu nhiên nào đó thực hiện. Đến nay công an vẫn chưa tìm được hung thủ.

Chú Phê - người đã làm bảo vệ ở trường 30 năm khẳng định không phải lời đồn thổi nào trong số đó cũng là sự thật. Chú phê cho biết: “Hồi xưa, khu đất này không phải là nghĩa trang tương đối lớn. Còn chỗ cây hoa sữa là bãi tha ma của lính Hàn trấn thủ đường xuyên Á gần đó. Chuyện người ta không thể cưa cây hoa sữa đó là có thật, còn chuyện có bảo vệ bị mù mắt vì chặt cây thì không phải. Người bảo vệ đó bị mù bởi chuyện khác".

"Hiện tại, mỗi năm ban giám hiệu đều đến đó cúng kiến, làm lễ. Ban bảo vệ của chúng tôi cũng vậy, hay mua trái cây với hoa tới đó cúng. Miếu này thiêng lắm! Nếu cô đến chiều chiều, sẽ thấy nhiều sinh viên mua hoa, trái cây, hương tới cúng nườm nượp”, chú Phê cho biết thêm.

Dù đó chỉ là những câu chuyện đồn thổi qua nhiều thế hệ sinh viên, giáo viên của trường. Song chắc chắn một điều không ai có can đảm đi loanh quanh khuôn viên trường một mình trong đêm, cũng như ít có sinh viên can đảm ngồi một mình ở dưới cây hoa sữa khi đồng hồ đã điểm 11 giờ đêm. Dù đang là ban ngày, rất nhiều sinh viên đang học hành, tán dóc, không khí trong khuôn viên trường vẫn lành lạnh, còn chỗ có cây hoa sữa luôn trầm lắng một cách thái quá.

Ngôi miếu và cây cổ thụ linh thiêng

Miếu Cây Trâm - Một ngôi miếu nổi tiếng linh thiêng tại xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Vào ngày 18/2 âm lịch dân trong xã cũng như dân quanh mấy tỉnh miền Tây lại nườm nượp về đây cúng lễ. Mấy năm nay, miếu cũng là nơi tụ hội của những người mê tín dị đoan, những đệ tử lô đề cơ bạc tụ tập, mong thần linh ban cho một vài con số đổi đời. 

Đã hơn 300 năm, người dân quanh vùng vẫn truyền miệng nhau những câu chuyện kỳ bí về cây trâm bảo vệ miếu thiêng. Với vẻ ngoài sum xuê, tán lá che rợp góc miếu, cây trâm cổ thụ nhiều năm tuổi luôn ám ảnh người dân địa phương. 

Nỗi sợ xen lẫn kỳ quái khiến không một ai đủ can đảm bước ngang qua khu vực của cây vào đêm tối, ban ngày đi qua phải bỏ nón cúi chào, những ai cố ý chặt cành, phạm cây đều bất ngờ gặp tai họa...

Nhiều người gọi cây trâm này là cây trâm ma. Cây trâm có gốc khá lớn chia nhiều gốc phụ bao quanh gốc chính tạo thành một khối khổng lồ 10 người ôm không xuể. 

Cây trâm cổ thụ tỏa bóng mát rộng đến gần 400m2 nhưng tuyệt nhiên không người dân nào dám đến đây nghỉ trưa khi đi làm ruộng. Dưới gốc cây trâm có ngôi miếu cổ cũng không rõ có từ khi nào. Ngôi miếu thờ cúng những vong linh không nơi trú ngụ. 

Còn gốc cây tập trung rất nhiều linh hồn người đã khuất không mồ mả, không hương khói. Vào ban đêm, đứng dưới thân cây rất dễ chứng kiến những sự việc đáng sợ. Không chỉ phát ra những thanh âm đầy ma quái, nơi gốc cây cũng xuất hiện những ánh sáng kỳ lạ khiến người chứng kiến phải nổi da gà. Dần dà, người ta tin rằng cây trâm là nhà của các vong hồn lang bạt, không có chỗ nương tựa”. 

Những năm kháng Pháp, câu chuyện kỳ bí về cây trâm ma một lần nữa được khẳng định, lan truyền và có phần thực tế hơn. 

Các bậc cao niên và cựu chiến binh trong vùng cho biết trong những năm kháng chiến có vô số chiến sĩ ngã xuống dưới gốc cây này. Số người chết nhiều đến nỗi người ta phải lập miếu thờ chung cho những người ngã xuống ở đây. Nhiều người tin rằng linh hồn các chiến sĩ bám víu vào cây rất linh. 

Người Pháp vốn không tin vào sự thiêng liêng của cây trâm nên tìm mọi cách đốn hạ nó. Đầu tiên, họ thuê người chặt hạ những cây con bọc quanh thân cây chính. Tuy nhiên, không ai dám nhận. Người nhận tiền, định ngày đốn hạ thì bị bệnh tật liên miên, người héo hon, vàng võ. 

Hơn nữa, cây rất to, nằm trong tầm đạn, pháo của giặc nhưng không mảy may thương tổn, bình yên một cách kỳ lạ. Người Pháp muốn chứng minh sức mạnh khoa học vượt qua cả điều thiêng liêng nên lái xe tăng nhằm thẳng miếu thiêng và thân cây húc tới. 

Tuy nhiên, khi bánh răng xe tăng vừa lăn lên những chiếc rễ cổ thụ oằn lên trên mặt đất, chiếc xe bỗng khựng lại. Không ai hiểu vì cớ sự gì nhưng khi mở nắp hầm xe, người trong đó đều hộc máu mà chết. Từ đó, chúng không bao giờ dám bén mảng tới gần cây trâm nữa...

Câu chuyện linh thiêng không dừng lại ở đó. Có một ông già sống ở quận 7, TP Hồ Chí Minh khổ sở vì con cháu làm ăn thất bát, đến cầu cúng tại miếu, xin thần cho một đường lui. 

Ông định thử lần cuối, nếu thất bại, ông sẽ tự kết thúc cuộc đời. Ai ngờ, khi ông đang cúng, bỗng có cơn gió thổi, làm bay một tờ tiền lẻ từ trên bàn thờ bay xuống cạnh chỗ ông đang khấn. Tờ tiền có số đuôi là 62. Tối đó ông dốc hết những đồng tiền cuối cùng trong nhà đánh con đề 62, lại mua mấy bộ xổ số có đuôi 62. 

Ai ngờ chiều về giải đặc biệt có đuôi 62, ông ăn đề đã đành, lại còn được một tờ vé số trúng giải đặc biệt 1,5 tỷ đồng. Cả gia đình thoát nợ. 

Từ đó cứ đến ngày rằm, mồng một, ông lại lặng lẽ sắp lễ đến miếu làm lễ tạ thần linh. Câu chuyện từ lời đồn thổi đã kéo hàng trăm người hàng tuần đến cúng lễ tại miếu, gây nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ trật tự trị an địa phương.

Cây oan hồn vùng Ba Chúc, tỉnh An Giang

 Cây dầu 300 tuổi nằm án ngữ giữa đường Lộ Tẻ (ngã ba Cây Dầu), nằm trong khu núi Tượng. Cây đã chết nhiều năm nhưng nhờ rễ cây lâm vồ và cây bồ đề quấn quanh nên nhìn từ xa, nhiều người vẫn ngỡ cây còn sống mãi theo năm tháng. 

Cây cao trên 30 mét, thân khổng lồ phải bốn người ôm mới xuể. Rễ quấn chặt rễ, tầng tầng lớp lớp với rêu phong bám dày. Dưới gốc cây là am thờ, nhang đèn, giấy vàng mã,… lổn ngổn. 

Top 6 cây cổ thụ bí ẩn nhất Việt Nam, có cây ổi "biết cười" ở Thanh Hóa, cây đa "biết đi" ở Ninh Bình - Ảnh 5.

Cây oan hồn án giữ đường Lộ tẻ, thị trấn Ba Chúc, tỉnh An Giang.

Trong trận chiến Pôn Pốt, xác người ngổn ngang dưới gốc cây oan hồn, có nhiều câu chuyện bí ẩn liên quan đến cây. Những ngày kinh hoàng ở Ba Chúc, khi đám quân diệt chủng dồn nhiều trẻ em, phụ nữ, đàn ông thanh niên ra khu vực gốc cây để tàn sát. Với đàn ông thanh niên, chúng bắt họ quỳ xuống gốc cây rồi dùng cuốc bổ vào đầu. 

Với phụ nữ chúng hãm hiếp rồi dùng những nhánh cây chọc vào cửa mình. Chúng còn bắt nhiều người gối đầu trên ghềnh gộp của cây đa chặt đầu người ta, nắm chân trẻ em đập mạnh vào gốc cây cho nát đầu. Những thường dân chết thảm trên ngày đêm bám víu ở đây cùng những oan ức chưa siêu thoát được.

Khi đường phố được phát triển, giao thông ngày càng mở rộng nhưng dù cây áng giữa đường gây bất tiện cho việc đi lại và thậm chí đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nhưng không ai dám “đụng” vào cây oan hồn này. 

Có lời đồn đại rằng khi mở đường có người dùng cưa, rìu để đốn hạ nhưng cứ hễ động vào là hỏng cưa, gãy rìu. Người có ý định phá cây thì gặp xui xẻo hoặc nặng hơn là bị tai nạn mà chết. Người dân địa phương khẳng định dù bóng ma diệt chủng đã lùi xa nhưng hầu như năm nào cây đa này cũng lấy đi vài mạng người. 

Đây là lý do mà bà con gọi cây đa bằng nhiều biệt danh như "cây oan hồn", "cây ma ám", "cây sát nhân"… Và giữa lúc không ai dám động đến “cây đa oan hồn” kia thì những tai nạn thảm khốc do gốc cây này vẫn tiếp tục rình rập, gây án với người đi đường.

Cây ổi biết “cười” ở Khu di tích lịch sử Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa

Trong khuôn viên rộng lớn của Khu di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) có rất nhiều loài cây quý hiếm hàng trăm năm tuổi. Đặc biệt phải nhắc đến cây ổi “cười”. Cây ổi kỳ lạ này được ông Trần Hưng Dẫn sống ở Nam Định trồng năm 1933. Khi ấy, tuổi đã cao nhưng hiếm muộn con nên ông Dẫn đã cầu tự trước mộ vua Lê Thái Tổ. 

Sau đó, vợ ông đã hạ sinh được quý tử nối dõi tông đường. Để tỏ lòng thành, ông cung tiến 4 tượng voi, 2 cây long não và cây ổi trồng trong khu Lăng mộ vua Lê Thái Tổ. 

Từ con đường đá dẫn vào Khu lăng mộ vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), ngoài hai hàng tượng quan hầu và tượng các con vật (Nghê, Ngựa, Tê giác và Hổ) tạc bằng đá dựng lên giữa lối đi “thần đạo” thì bên phải chếch Lăng khoảng gần 10m có một cây ổi dáng huyền, uốn lượn mang thế rồng chầu gần trăm năm tuổi, bốn mùa đều cho quả thơm ngon.     

Top 6 cây cổ thụ bí ẩn nhất Việt Nam, có cây ổi "biết cười" ở Thanh Hóa, cây đa "biết đi" ở Ninh Bình - Ảnh 6.

Cây ổi biết "cười" ở Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.      .

Cây ổi “cười” cao hơn 3m, dài gần 5m, lá nhỏ 1 - 2cm với những cành uốn lượn tạo nên một thế rất đẹp. Khi không có gió, cây lặng như tờ người dân chọn phần “nách” của cây (những ngã nhánh được xem là nách cây) gãi khẽ thì bắt đầu thấy hiện tượng những chiếc lá ổi rung lên như đang reo cười vì “nhột”. Nếu gãi không đúng “nách” của cây thì lá rung nhẹ hơn. Điều đặc biệt, mặc dù lá rung nhưng cành lại không rung kể cả những cành yếu ớt nhất.

Top 6 cây cổ thụ bí ẩn nhất Việt Nam, có cây ổi "biết cười" ở Thanh Hóa, cây đa "biết đi" ở Ninh Bình - Ảnh 7.

                 Sự huyền bí khi nắm tay vào thân cây ổi.

Còn khi nắm tay vào thân cây, nhắm mắt, đầu óc không suy nghĩ thì có một cảm giác lâng lâng khó tả, thoải mái đến lạ lùng. Đây là một sự huyền bí mà đến nay chưa ai lý giải được.

Cây đa nghìn năm di chuyển quanh ngôi đền cổ

Đền Gối Đại thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, cách trung tâm thành phố Ninh Bình hơn 10 km. Người dân ở đây kể lại, sau khi dẹp loạn 12 xứ quân Thắng Đại Vương được Đinh Tiên Hoàng giao cho chấn ải vùng đất phía tây ở Hoa Lư và sống ẩn tại đây đến lúc chết. 

Khi ông qua đời, nhà vua cho xây ngôi đền ngay dưới gốc đa để người dân đời sau nhớ đến công lao của ông. Ngôi đền hiện tại được xây mới trên nền móng của đền cũ. Dấu tích của công trình cổ được thờ dưới miếu nhỏ nằm dưới tán cây đa. 

Top 6 cây cổ thụ bí ẩn nhất Việt Nam, có cây ổi "biết cười" ở Thanh Hóa, cây đa "biết đi" ở Ninh Bình - Ảnh 8.

Công trình cổ được thờ trong miếu nhỏ nằm dưới tán cây đa.

Khi đến đây người ta thường vào thắp hương tại đền và chiêm ngưỡng cây đa với tuổi thọ nghìn năm tuổi. Người dân cố đô gọi là “Cây đa di chuyển”. 

Top 6 cây cổ thụ bí ẩn nhất Việt Nam, có cây ổi "biết cười" ở Thanh Hóa, cây đa "biết đi" ở Ninh Bình - Ảnh 9.

Cây đa biết "đi" ở vùng Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

 Tương truyền, trước đây, vị trí cây Đa nằm chính là bên cạnh ngôi đền cổ. Khi ngôi đền cổ mất, chúng mới di chuyển và hướng ra mặt hồ, nơi có nguồn nước dồi dào, cung cấp chất dinh dưỡng để nuôi cây. 

Tuy nhiên điều kỳ lạ là, sau ba bước đầu di chuyển đến mặt hồ thì đến bước thứ 4, cây Đa lại quay ngược về nơi ngôi miếu thờ. Dân gian thường nói: “Thần cây đa, ma cây gạo, bố cáo cây đề”. 

Cây Đa thường được trồng ở nơi rất linh thiêng. Như vậy người dân cho rằng bước di chuyển thứ 4 quay lại ngôi đền là nó đang đi ngược quy luật. 

Hiện tượng này vô tình càng tăng thêm tính linh thiêng cho khu vực cây đa đang tồn tại. 

Do có tuổi đời hàng nghìn năm, nhiều chỗ thân cây, rễ cây đã bắt đầu có dấu hiệu bị mục rỗng. Nhưng cây vẫn tỏa bóng mát xung quanh ngôi đền, bến thuyền tham quan trong khu du lịch Thung Nham.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem