Điều gì cản bước Phú Quốc?
Tại Hội nghị Phát triển Du lịch Việt Nam nhanh, bền vững tháng 11 vừa qua, "Phú Quốc" được nhắc đến như một điển hình cho các vấn đề bất cập mà du lịch nội địa đang gặp phải. PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh tình trạng ở Phú Quốc "khá gay go", "có lúc rất tốt, tưởng bứt phá nhưng lại suy giảm". Sự suy giảm này ảnh hưởng đến niềm tin của du khách, khiến họ hướng đến điểm du lịch nước ngoài thay vì trong nước.
Phú Quốc đang nỗ lực lấy lại hình ảnh đẹp trong mắt du khách.
Theo PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Phú Quốc đang có những thay đổi tích cực nhưng còn nhiều vấn đề cần khắc phục nếu muốn lấy lại hình ảnh như năm 2022 hoặc trước dịch. Chuyên gia cho rằng, một trong những yếu tố ảnh hưởng nặng nề nhất tới Phú Quốc là "khủng hoảng truyền thông". Suốt thời gian qua, các thông tin tiêu cực đã khiến khách nội địa phần nào e ngại chọn "đảo ngọc" làm điểm đến, trong khi khách quốc tế chưa trở lại như xưa.
Vẫn theo ông Long, Phú Quốc đã có giai đoạn phát triển "nóng", đầu tư ồ ạt, gây sự chú ý lớn với du khách nội địa lẫn quốc tế từ trước dịch. Sau dịch, vào năm 2022, khách lại đổ xô tới Phú Quốc lần nữa, giúp thành phố này đón tới 4,7 triệu lượt khách. Tuy nhiên, khi khách đến quá đông, vấn đề như chặt chém, chất lượng dịch vụ chưa tốt khiến Phú Quốc hứng chịu các thông tin tiêu cực.
Một bất cập khác được PGS.TS Phạm Hồng Long nhắc tới là nhân lực làm du lịch ở Phú Quốc chủ yếu mang tính thời vụ, chủ yếu là sinh viên từ các trường đến thực tập và sẽ trở về đất liền sau khoảng ba tháng. Điều này khiến nhân sự du lịch của đảo ngọc không ổn định trong khi chất lượng nhân sự địa phương chưa cao.
Báo cáo "Phát triển bền vững du lịch biển thành phố đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang" của nhóm tác giả PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, TS Nguyễn Danh Nam và ThS Uông Thị Ngọc Lan chỉ ra nguồn nhân lực du lịch ở Phú Quốc khoảng 11.000 người, chưa đáp ứng tới một nửa nhu cầu của ngành du lịch. Tổng số lao động du lịch chưa qua đào tạo chiếm 65,2%. Nguồn nhân lực du lịch có trình độ và tay nghề về các kỹ năng, nghiệp vụ còn yếu và thiếu. Do đó, nhiều doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn về tuyển dụng, đặc biệt là trong sử dụng lao động địa phương.
Còn theo ông Nguyễn Vũ Hoàng, Giám đốc Ban Tiếp thị Truyền thông Vietravel Airlines, không nên đổ lỗi việc Phú Quốc mất khách cho ngành hàng không. Ông Hoàng dẫn chứng, giá vé máy bay chặng TP.HCM đi Phú Quốc (tính cả những yếu tố như tăng giá xăng, dầu) hiện tại có khi chưa bằng năm 2019. Tuy nhiên, thời điểm đó, du khách vẫn lựa chọn đi Phú Quốc.
Do đó, các chuyên gia đề nghị cần phải quan tâm đến các "mắt xích" quan trọng khác. Ví dụ, câu chuyện ô nhiễm rác thải của Phú Quốc khiến du khách bức xúc. Theo thống kê sơ bộ năm 2020 của Chi cục Tài nguyên và môi trường Phú Quốc, mỗi ngày, hòn đảo này có khoảng 200 tấn rác thải, nhưng năng lực thu gom của thành phố chỉ đạt trên 60%. Phú Quốc chưa có khu xử lý rác thải tập trung theo quy hoạch, chỉ có một nhà máy tái chế và xử lý chất thải đang được triển khai xây dựng.
Cần những giải pháp đồng bộ
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, để phát triển đồng bộ Phú Quốc, cùng với du lịch, còn phải biết cách phát triển hàng không, biết cách bán vé máy bay như là một phần của công cuộc cạnh tranh du lịch quốc tế. Ngoài ra, "không thể đùa với vấn đề rác thải, nước bẩn, thiếu nước ngọt, túi rác nilon"… Những vấn đề thông thường, bình thường như vậy Phú Quốc phải giải quyết đầu tiên. Càng mơ đến những cái cao xa thì những việc thông thường nhất càng phải được giải quyết sớm.
"Không chỉ chộp giật trong chuyện ăn uống, giá cả, mà xả rác bừa bãi cũng là một kiểu chộp giật. Không lo cho những gì căn bản, dài hạn nên cứ xả rác ra, kiếm ăn thật nhanh thì cũng giống như "chặt chém" du khách thôi. Phú Quốc dễ trở nên "xấu hơn" trong con mắt du khách vì Phú Quốc vốn quá đẹp, khi người ta đến Phú Quốc với tâm thế văn hóa rất cao, đến xứ sở của những con người hào hiệp, có tâm hồn biển cả. Đây chính là vấn đề không đồng bộ trong phát triển", vị chuyên gia phân tích.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho rằng, điểm yếu quan trọng của Phú Quốc trên hành trình trở thành điểm đến sang trọng là vấn đề quản lý tài nguyên tự nhiên và môi trường. Sự phát triển nhanh chóng có thể tạo áp lực lớn cho các hệ sinh thái địa phương, đặt ra thách thức trong việc bảo vệ và duy trì cân bằng môi trường. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến vẻ đẹp tự nhiên của đảo mà còn có thể gây hậu quả đối với ngành du lịch.
"Bảo vệ rừng nguyên sinh, biển cả và thực hiện các biện pháp bảo tồn môi trường để du khách có thể trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của đảo ngọc là việc cấp thiết nhất nếu muốn ngành du lịch ở địa phương này phát triển hơn nữa", ông Kỳ nói.
Bảo tồn và phát triển văn hóa bản địa cũng là giải pháp quan trọng giúp Phú Quốc thành điểm đến khác biệt so với các nơi khác. Theo ông Trần Đình Thiên, cách tiếp cận, phát triển văn hóa của Phú Quốc phải được đặt lên hàng đầu. Những khu nghỉ dưỡng hiện đại ở Phú Quốc vượt trước, hiếm nơi nào có, nhưng văn hóa đích thực, bản sắc của Phú Quốc - cái mà người ta muốn tìm đến để tận hưởng thì tương đối mờ nhạt.
"Nếu kinh tế đêm của Phú Quốc không chỉ có mỗi chợ ẩm thực ban đêm mà có hẳn không gian văn hóa, sáng tạo, có những sân khấu đẳng cấp… thì sức hấp dẫn của Phú Quốc chắc chắn được nhân lên gấp bội, sẽ bền vững hơn nhiều. Còn nếu chúng ta để hiện đại lấn át truyền thống, thì cái đẹp tự nhiên không đủ để Phú Quốc trở thành tọa độ cạnh tranh quốc tế mạnh. Khi đó, khách Việt sẽ "quay lưng" không chỉ vì những bức xúc ngắn hạn, mà ở tầm xa hơn, còn vì cảm thấy lòng tự trọng văn hóa bị tổn thương", ông Thiên nói.
Ngoài ra, các chuyên gia đề nghị Phú Quốc phải không ngừng sáng tạo. Giữ truyền thống, bản sắc văn hóa của Phú Quốc nhưng thêm vào đó chất văn hóa sáng tạo, đi đầu, làm sao để Phú Quốc thành thành phố đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chứ không chỉ là thành phố nghỉ dưỡng, ăn chơi. Có như vậy, "Phú Quốc sẽ trở thành điểm đến sang trọng, ở đẳng cấp thế giới, thậm chí, thuộc hạng nhất", như lời của PGS.TS Trần Đình Thiên.