Dân Việt

"Giá đỡ" giữ sản phẩm nông nghiệp "made in VietNam" đứng vững trên thị trường xuất khẩu

Vũ Khoa 15/12/2023 10:42 GMT+7
Ngày 15/12/2023, Hội thảo "Áp dụng các tiêu chuẩn bền vững trong bảo tồn sinh học" (VSS) được tổ chức tại Hà Nội. Trong đó, câu chuyện nông nghiệp sinh thái góp phần phát triển đời sống người nông dân được đưa ra bàn luận.

Giá trị của VSS trong phát triển mặt hàng nông nghiệp chủ lực

Sự kiện được phối hợp bởi Trung tâm phát triển Kinh tế Nông thôn (CRED) phối hợp với Hội nghị Liên hợp quốc tế về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Tổ chức Helvetas và Cục Hợp tác Quốc tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Tiêu chuẩn bền vững tự nguyện (VSS) trong việc hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng bền vững, tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế về các sản phẩm dựa trên đa dạng sinh học. Một trong những kết quả mong đợi là xác định được khuôn khổ pháp lý phù hợp để tạo điều kiện áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn này tại Việt Nam. Hội thảo được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình tạo thuận lợi Thương mại Sinh học Toàn cầu.

"Giá đỡ" giữ sản phẩm nông nghiệp "made in VietNam" đứng vững trên thị trường xuất khẩu - Ảnh 1.

Hội thảo bàn về giải pháp áp dụng VSS như một công cụ thương mại sinh học.

Sự gia tăng mất đa dạng sinh học đang là một trong những mối đe dọa hàng đầu toàn cầu. Một trong những nguyên nhân giá tiếp gây ra tình trạng này là việc thương mại và tiêu thụ không bền vững. Chính vì vậy, tiêu chuẩn bền vững tự nguyện là các yêu cầu mà nhà sản xuất, nhà chế biến, thương nhân, nhà bán lẻ hoặc nhà cung cấp dịch vụ có thể được yêu cầu đáp ứng, liên quan đến các chỉ số bền vững nhất định.

Trong đó bao gồm các vấn đề tác động môi trường, quyền cơ bản con người, tiêu chuẩn lao động và bình đẳng giới. Hiện nay có hơn 500 VSS tồn tại, áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nhiều nước như cà phê, chuối, ca cao, dầu cọ, gỗ, bông và thực phẩm nông nghiệp hữu cơ.

"Giá đỡ" giữ sản phẩm nông nghiệp "made in VietNam" đứng vững trên thị trường xuất khẩu - Ảnh 2.

Sản phẩm Coffee herbs từ mô hình vườn rừng hữu cơ.

Tại Hội thảo, các tham luận và báo cáo bao gồm ví dụ thực hành về nông nghiệp bền vững, cung cấp thông tin cập nhật về các quy định và chia sẻ kiến thức về các tiêu chuẩn quốc tế nhưng những công cụ hiệu quả để bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, cũng như hỗ trợ sinh kế.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, bà Sibylle Bachmang – Phó Ban Hợp tác Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam cho biết, "Thụy Sỹ là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ tiêu chuẩn bền vững tự nguyện trong nhiều năm. VSS tìm cách đảm bảo rằng các quy trình sản xuất và thương mại quốc tế đáp ứng một mức độ nhất các tiêu chí kinh tế, xã hội và môi trường. Mặt khác, bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn này, doanh nghiệp mong muốn cải thiện khả năng cạnh trang và tiếp cận thị trường quốc tế, đồng thời góp phần giảm nghèo và tạo việc làm. Điều này phù hợp với mục tiêu hợp tác của Thụy Sỹ nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được tăng trưởng bền vững, dựa trên thị trường".

Cân đối vùng nguyên liệu và đảm bảo công bằng cam kết

Thực tế, việc đẩy mạnh VSS bằng các nông trại hữu cơ, mô hình vườn rừng đã được kiểm nghiệm và cho thấy hiệu quả về chất lượng sản phẩm, giá trị thu mua và đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Tại Hội thảo, ban tổ chức trưng bày một số nhãn hiệu nông nghiệp xuất khẩu có chất lượng cao về giá trị thu mua, phân phối thương mại.

"Giá đỡ" giữ sản phẩm nông nghiệp "made in VietNam" đứng vững trên thị trường xuất khẩu - Ảnh 3.

Sản phẩm tiêu organic.

"Giá đỡ" giữ sản phẩm nông nghiệp "made in VietNam" đứng vững trên thị trường xuất khẩu - Ảnh 4.

Bột quế, bột xả made in VietNam

Ví dụ như tại tỉnh Trà Vinh, sản phẩm dừa hữu cơ được liên kết với 7 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường tại thời điểm bình quân từ 10 – 15% so với dừa trong theo mô hình truyền thống.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết, tại Trà Vinh, sản xuất nông nghiệp hữu cơ thuộc danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư. Với giá trị sản phẩm thu hút, hiện nay một số thương hiệu từ dừa đã và đang xuất khẩu ổn định tại các thị trường khó tính.

Tuy nhiên, nếu muốn phát triển một cách bền vững hơn, còn một số vấn đề cần giải quyết. Ví dụ như việc thực hiện cam kết giữa doanh nghiệp với người nông dân chưa đảm bảo tuân thủ theo cam kết. Về mặt chính sách hỗ trợ, dù khá đa dạng thật, nhưng đa số doanh nghiệp quy mô nhỏ, hạn chế về nguồn lực tài chính, năng lực công nghệ, nhận lực và tiếp cận thị trường, đặc biệt năng lực quảng bá sản phẩm. Dẫn đến còn khó khăn trong liên kết sản xuất – thu mua giữa người dân và doanh nghiệp chưa hài hỏa.

Mặt khác, cần có sự liên kết vùng để cân đối lại vùng nguyên liệu phục vụ chế biến công nghiệp, vùng nguyên liệu xuất khẩu thô, để có sự cạnh tranh công bằng về giá, tạo lợi ích hài hòa cho tất cả các tác nhân trong chuỗi...

Những vấn đề cần thảo luận sẽ được các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và bà con nông hộ sẽ đề cập tại Hội thảo. Đồng thời đóng góp những kiến nghị, giải pháp đề xuất nhằm tạo điều kiện tăng cường quan hệ đối tác công tư nhằm thúc đẩy việc tích hợp các tiêu chuẩn bền vững trong chuỗi cung ứng và phát triển các khuôn khổ pháp lý quốc gia.