Thác Trinh Nữ hay còn gọi là thác Băng Rúp nằm ở trung tâm thị trấn Ea T’ling (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông).
Đây là một ghềnh thác đẹp nằm trên dòng sông Krông Nô (dòng sông cha)-một phụ lưu của sông Sêrêpốk chảy ngược từ Đông sang Tây (ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk) và là một trong những điểm di sản của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Vào mùa mưa, lượng nước dồi dào chảy từ thượng nguồn xuôi theo dòng sông Krông Nô đổ tràn qua thác Trinh Nữ tạo nên các dòng nước mạnh, ồ ạt chảy qua các ghềnh đá hiểm trở và phần nào che lấp đi vẻ xù xì của các cột đá bazan hai bên bờ và dưới làn nước.
Sang mùa khô, nguồn nước đổ về ít hơn nên dòng chảy hiền hòa, len lỏi qua các khe ghềnh làm lộ những khối đá bazan lớn nhỏ nằm ngổn ngang.
Cảm giác “ngổn ngang” ấy trở nên rõ ràng hơn khi mỗi khối đá được kiến tạo bởi hàng trăm, hàng ngàn cột đa giác nhỏ. Các cột đá có đường kính khoảng vài chục cm và cao khoảng vài mét, xếp song song có thể theo phương thẳng đứng hoặc uốn lượn. Các khối đá có hình dạng rất khác nhau.
Thác Băng Rúp Thác Trinh Nữ hay còn gọi là thác Băng Rúp nằm ở trung tâm thị trấn Ea T’ling (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông). Ảnh: Hà Thế Bảo - Ban Quản lý CVĐC toàn cầu UNESCO Đắk Nông
Có vài cách lý giải cho sự hình thành của thác Trinh Nữ; trong đó, nhận định “cuộc hội ngộ giữa lửa và nước” là phù hợp hơn cả.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khi dòng dung nham từ miệng núi lửa chảy đến đây gặp nước sông thì nguội bớt, đông cứng dần, không chảy được nữa.
Các dòng dung nham nóng phía sau phủ chờm lên các dòng dung nham đang đông nguội phía trước.
Quá trình nguội lạnh, co ngót tiếp theo đã hình thành nên những vết nứt và các cột đá. Các khe nứt này cũng phát triển vuông góc với bề mặt của dòng dung nham, từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, tạo nên bề mặt đá gồ ghề như hiện nay.
Thác nước là kết quả của các hoạt động địa chất, nhưng để giải thích cho các hiện tượng tự nhiên và địa chất đó, người M’nông, Êđê sống ở đây đã truyền lại cho con cháu những câu chuyện truyền thuyết vô cùng thú vị và hấp dẫn.
Đường xuống thác Trinh Nữ, thị trấn Ea T’ling (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông).
Chuyện kể rằng, ngày xưa thác được thần Băng Rúp cai quản. Với tính khí hung hăng, hống hách, hay quậy phá bon làng, đặc biệt là hiếu chiến, nên vị thần này bị người dân xa lánh.
Thần Băng Rúp không có ai bầu bạn, chia sẻ nên ngày càng cảm thấy khó chịu, mặc dù đã tìm mọi cách để thu hút sự chú ý của mọi người.
Mặc cho sự có mặt của Băng Rúp, các thần khác cùng bà con trong bon vẫn chung sống hiền hòa, ngày đi làm rẫy, săn thú, tối về nghỉ ngơi ca hát, nhảy múa, đánh chiêng rộn ràng, nhất là vào mùa thu hoạch nông sản từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm.
Mùa màng bội thu nên các hoạt động vui chơi diễn ra ngày này sang ngày khác. Tiếng ồn ào càng làm cho thần Băng Rúp cảm thấy bực mình.
Vì không được mời tham dự lễ hội nên thần Băng Rúp rất tức giận, tìm đủ mọi lý do để quậy phá, gây hấn và đưa quân đánh các thần Leng Sang (thác Đ'ray Sáp), Leng Nur (thác Đắk Nur), Leng Gung N’tao (thác Bảy Tầng) gây nhiều thương vong.
Bực mình vì sự gây hấn vô căn cứ của thần Băng Rúp, các vị thần đã hợp sức đưa quân sang đánh lại. Qua nhiều trận chiến ác liệt, quân của thần Băng Rúp bị đánh tan tác.
Quá đau và sợ hãi, thần Băng Rúp không dám quấy phá các thần nữa. Cuộc sống bon làng từ đó được ấm no, hạnh phúc.
Nhìn từ góc độ địa chất, câu chuyện là một lời giải thích rất hợp lý khi cột đá bazan bị đứt gãy, xô lệch nằm xếp lớp ngổn ngang dưới và hai bên dòng chảy của thác không theo một trật tự nhất định nào.
Các khối đá tạo thành nhiều ghềnh thác đẹp nức lòng khách du lịch khi đến tham quan thác.
Nhưng ẩn chứa sâu xa của câu chuyện là muốn hướng con cháu luôn sống khiêm tốn, không hung hăng, quậy phá, biết nhường nhịn, bảo ban nhau để bon làng đoàn kết, hòa thuận.