Cả quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa, con rươi, cáy hoàn toàn không sử dụng bất cứ loại phân thuốc có gốc hóa học nào.
Ông Nguyễn Bá Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PNT) lý giải: Rươi là loài nhuyễn thể rất nhạy cảm với môi trường sống, chỉ một lượng nhỏ chất hóa học cũng khiến chúng suy giảm sức đề kháng, ngừng tăng trưởng và chết hàng loạt.
Bởi vậy mà sản phẩm lúa, rươi, cáy từ mô hình “3 trong 1” này mặc nhiên đảm bảo các tiêu chuẩn sạch, an toàn, một trong những điều kiện để được chứng nhận là sản phẩm hữu cơ.
Thời điểm này, trên mỗi cánh đồng lúa - rươi - cáy, con rươi đang chiếm ưu thế. Con rươi vốn được gọi là “lộc trời”.
“Tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mồng 5” là thời điểm tại một số bãi triều, vùng nước lợ dọc sông, nhiều nhất là sông Cầm ở Đông Triều, con rươi trưởng thành, béo tròn nổi trên mặt nước, có mật độ dầy khiến màu nước chuyển sang sắc hồng. Những con nước ấy, người dân bản địa canh chừng để kịp thời ra vớt rươi, nguồn thu mang lại có khi lên đến hàng triệu đồng/ngày.
Từ năm 2018 đến nay, với thành công của một doanh nghiệp tại Hải Phòng trong sản xuất giống rươi và thức ăn cho rươi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thí điểm triển khai 90ha nuôi rươi thương phẩm, bổ sung giống và thức ăn trên chân ruộng có trồng lúa và phát triển rươi, cáy tự nhiên.
Quy trình canh tác ruộng lúa - rươi - cáy sạch ở Quảng Ninh giúp con rươi phát triển tự nhiên, cho chất lượng tốt, giá trị cao. Ảnh CTV
Với mô hình này, con rươi từ phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nay đã có thể chủ động điều chỉnh, đong đếm mật độ sinh sống trên từng m2 diện tích.
Nếu ruộng rươi tự nhiên chỉ đạt mật độ 30-35 con/m2 thì ruộng rươi có bổ sung giống đạt đến 100-150 con/m2.
Các khâu kỹ thuật thả giống rươi, bổ sung thức ăn cho rươi đã được các đơn vị chuyên môn “cầm tay chỉ việc”, tỷ lệ rươi sống và phát triển sau thả giống đạt khoảng 70%.
Hiện người dân đã tự nhân rộng mô hình lúa - rươi - cáy với tổng diện tích khoảng hơn 200ha. Người dân khá thành thục với những kỹ năng nuôi rươi không phụ thuộc vào tự nhiên.
Chị Nguyễn Thị Lý (phường Hưng Đạo, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ: Giống rươi thả bổ sung có thể vào tháng 3 hoặc tháng 9 âm lịch, cũng đúng mùa sinh sản tự nhiên của con rươi.
Thức ăn cho rươi ban đầu là bột tảo pha chế theo tỷ lệ của doanh nghiệp cung ứng đưa ra, sau khi rươi cứng cáp có thể cho ăn lượng nhỏ thức ăn công thức với thành phần là cám gạo và bột tôm.
Trước đó, việc bón lót cho đất bằng phân chuồng vừa làm tăng độ dinh dưỡng trong đất để cây lúa tốt tươi, vừa kích thích hình thành vi sinh vật và tảo, cũng là nguồn thức ăn tự nhiên cho rươi.
Rươi phát triển trong khoảng 6 tháng là được thu hoạch, đây cũng là mùa lúa chín và mùa cáy đông đàn.
Với phương pháp canh tác rươi thương phẩm có bổ sung giống, thức ăn như trên cho thu 300-350kg rươi/ha, tăng 100-150kg, tương đương tăng 60-70% so với nuôi rươi tự nhiên.
Cùng với con rươi, thu hoạch ruộng lúa - rươi - cáy vào tháng 7 vừa qua, người dân có thêm trên 1 tấn thóc, trên 500kg cáy/ha.
Tổng doanh thu "3 trong 1" khoảng 200 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận trên 150 triệu đồng/ha. Đây là mức doanh thu cao so với nhiều mô hình nông nghiệp hiện nay.
Theo các chuyên gia, mô hình canh tác lúa - rươi - cáy mang lại giá trị cao hơn, trong đó có việc thả bổ sung giống các mùa, các thời điểm trong năm, thay vì chỉ tháng 3 và tháng 9 âm lịch như hiện nay. Riêng đối với cây lúa, dư địa để phát triển rất lớn.
Ông Phạm Duy Duẩn, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh), cho hay: Nếu mô hình này chuyển đổi từ giống lúa địa phương sang giống đặc sản, đồng thời chú trọng quy trình chăm sóc, thu hoạch thì sản lượng có thể đạt 60-70% năng suất lúa thông thường, tương đương 4-4,5 tấn/ha, tăng gấp 2-3 lần hiện nay.
Như vậy chỉ riêng khoản thu từ lúa cũng đủ bù chi trong cả vụ canh tác. Phần thu còn lại từ con rươi, cáy sẽ là lãi ròng, trong đó thu từ con rươi là 120-130 triệu đồng/ha.