Tuy nhiên, diện tích muối giảm dần trong những năm gần đây do thu nhập từ sản xuất muối thấp, người dân đã dần chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy hải sản hoặc chuyển sang làm nghề khác nên một số diện tích sản xuất muối bị bỏ hoang. Vực dậy ngành muối là một nhiệm vụ quan trọng.
Cần Giờ - huyện đảo duy nhất của TP.HCM là nơi có hoạt động sản xuất muối. Để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của hạt muối, người dân ở huyện Cần Giờ đã chuyển đổi từ cách thức sản xuất muối truyền thống sang phương thức sản xuất muối kết tinh trên nền bạt. Nhờ đó, nghề làm muối đã khởi sắc trở lại, thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Làm mới một nghề đã cũ
UBND huyện Cần Giờ đã quy hoạch diện tích sản xuất muỗi trên toàn huyện là 1.000ha, trong đó xã Lý Nhơn 800ha; xã Thạnh An 200ha. Cùng với đó, những chính sách hỗ trợ từ phía huyện và thành phố sẽ hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho sự phát triển của nghề làm muối của huyện Cần Giờ trong thời gian tới.
Nghề làm muối đã gắn liền với người dân xã Lý Nhơn (Cần Giờ) từ lâu đời, nhưng giai đoạn phát triển mạnh bắt đầu từ năm 1978 đến nay. Phương pháp sản xuất muối theo dạng cổ truyền là lấy nước biển phơi nắng qua nhiều khuôn, rồi kết tinh. Độ mặn của nước biển được sử dụng từ 1 - 2,50 bé (10 bé tương đương 1‰ tổng lượng các muối hoà tan có trong nước biển), phơi nước biển đến khi cô đặc lại, độ mặn đạt 23 bé thì đưa vào kết tinh vào mùa nắng.
Sản phẩm chính là muối thô, năng suất và chất lượng thấp hơn các địa phương khác, bình quân từ 40 - 60 tấn/ha. Do chất lượng muối không cao nên có giá bán thấp. Dù hiệu quả sản xuất muối chưa cao, nhưng đây là ngành nghề truyền thống lâu đời đã giải quyết một phần nào công ăn việc làm cho lực lượng lao động tại địa phương.
Khi việc sản xuất muối bị ảnh hưởng mạnh do thời tiết diễn biến cực đoan, người dân ở huyện Cần Giờ đã ứng dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất muối, chuyển từ kết tinh muối trên nền đất sang phương thức kết tinh muối trên nền bạt.
Theo UBND xã Lý Nhơn, việc kết tinh muối trên nền bạt tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, dễ tiêu thụ và có giá trị cao. Năng suất bình quân đạt 70 - 80 tấn/ha, chất lượng hạt muối sạch, đều và đẹp.
Ông Phạm Văn Hồng Hà (ở ấp Tân Điền, xã Lý Nhơn), cho biết, việc chuyển đổi từ phương pháp sản xuất muối truyền thống sang sản xuất muối trải bạt đã giúp tăng chất lượng và năng suất muối lên 2 - 3 lần. Muối hạt kết tinh trên bạt có chất lượng cao hơn, hạt muối sạch hơn. Với 3,5ha diện tích muối kết tinh trên bạt, mỗi năm ông thu lợi nhuận từ 200-250 triệu đồng/ha.
Theo ông Hà, từ lúc đưa nước vào khuôn chứa đến lần thu muối đầu tiên là 1 tháng. Sau đó, người làm muối có thể thu hoạch liên tục xoay vòng từng khuôn. Với cách làm này, người làm muối tốn ít công lao động trong khi năng suất tăng lên nhiều. Nhờ đó, đời sống của diêm dân đã được cải thiện đáng kể.
"Từ khi có mô hình sản xuất muối trải bạt, chất lượng muối tốt hơn nhiều và năng suất muối đạt được cao gấp 2 - 3 lần so với các làm truyền thống" - ông Hà thổ lộ. UBND huyện Cần Giờ đánh giá, việc chuyển từ sản xuất muối truyền thống sang sản xuất muối theo phương pháp kết tinh trên bạt cho hiệu quả kinh tế vượt trội. Đây là cách làm giúp diêm dân ổn định kinh tế, có điều kiện sản xuất và bảo tồn nghề truyền thống.
Nâng cao chất lượng hạt muối Cần Giờ
Ở ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ có khoảng 80ha được quy hoạch sản xuất muối với 80% số hộ dân sống bằng nghề làm muối. Tuy nhiên, nghề này bấp bênh bởi thời tiết thất thường, giá muối không ổn định, nên cuộc sống của người làm muối cũng bấp bênh theo.
Với ý tưởng nâng cao giá trị hạt muối bằng các sản phẩm chế biến từ muối, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết - chủ cơ sở sản xuất muối Ngọc Long ở ấp Thiềng Liềng đã cùng người nhà mày mò làm muối ớt, muối tiêu. Rồi từ muối ăn, họ đã nâng tầm lên thành sản phẩm chăm sóc sức khỏe là muối thảo dược.
Năm 2023 này, dự án "Muối thảo dược Cần Giờ" của bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết vừa đoạt giải Nhì tại vòng chung kết cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa" cấp vùng miền Nam được tổ chức tại tỉnh Bến Tre. Bà Tuyết nói: "Tôi mong muốn sản phẩm muối thảo dược sẽ giúp nâng cao giá trị hạt muối thô, góp phần bảo tồn và phát triển nghề làm muối truyền thống của Cần Giờ".
Theo bà Tuyết, thị trường "Muối thảo dược Cần Giờ" nhắm tới là khách hàng du lịch tại các khu vực sinh thái, khách quan tâm đến giải độc chân, thư giãn tại nhà, tại spa, chăm sóc sức khỏe chủ động… Từ tháng 1/2023 đến nay đã có hơn 2.000 khách du lịch trải nghiệm sản phẩm muối thảo dược Cần Giờ.
Sau khi trải nghiệm, hơn 50% khách hàng mua về sử dụng và làm quà biếu cho người thân và mua về hơn 2.000 túi làm quà. Lợi nhuận mà sản phẩm mang lại cho cơ sở là hơn 30%. Không chỉ vậy, cơ sở sản xuất muối Ngọc Long của bà Tuyết còn tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho khoảng 10 lao động ở địa phương.
Bà Tuyết hy vọng, trong tương lai, huyện Cần Giờ sẽ là thành phố du lịch sinh thái, sản phẩm rất dễ tiếp cận được nguồn du khách từ các nơi đổ về, kể cả khách nước ngoài. Nếu được hỗ trợ công nghệ, trang thiết bị máy móc, cơ sở sẽ cho ra đời thêm nhiều sản phẩm chất lượng hơn nữa để hạt muối ngày càng được phát triển bền vững.
Năm 2023, huyện Cần Giờ có hơn 1.542ha đất sản xuất muối với sản lượng dự kiến hơn 87.000 tấn. Theo ông Trương Tiến Triển - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, định hướng phát triển chung của huyện Cần Giờ sẽ chủ trương giảm diện tích muối xuống, tập trung nâng cao chất lượng và giá trị của nghề muối, đặc biệt là những sản phẩm chế biến từ muối.