Sáng 24/11, tại TP.Cần Thơ, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Vật liệu nào thay thế cát sông?". Tại đây, có ý kiến cho rằng, khi dùng cát biển thay thế cát sông, phải xử lý tốt khâu rửa muối.
Cụ thể, ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Cần Thơ cho biết, UBND thành phố vừa chỉ đạo các sở ngành có liên quan nghiên cứu sử dụng cát biển thay thế cát sông, sao cho không ảnh hưởng tới môi trường trong thời gian dài.
Theo ông Hiển, TP.Cần Thơ được Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải quan tâm đầu tư 2 công trình cao tốc đi qua địa bàn: đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông (đoạn Cần Thơ-Cà Mau) và đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng. Để làm được 2 đường cao tốc nói trên, cần lượng cát rất lớn.
Ngoài ra, trên địa bàn TP.Cần Thơ hiện nay cũng đang thực hiện đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm và đặc biệt các đường giao thông để kết nối quốc tế và các tỉnh xung quanh.
Như vậy, lượng cát TP.Cần Thơ cần là rất lớn, nhưng qua nghiên cứu đánh giá từ nhiều đơn vị, lượng cát sông trên địa bàn hiện nay chỉ còn khoảng 5,3 triệu mét khối nhưng chất lượng cát hạt rất nhỏ, lẫn bùn nhiều, không đủ quy chuẩn để làm đường cao tốc. Do đó, Cần Thơ rất cần cát ở các nơi khác, ở các tỉnh lân cận để thay thế.
Mặt khác, cát ở lòng sông Hậu là tài nguyên khoáng sản hữu hạn. Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) đánh giá, nếu như chúng ta thực hiện với trữ lượng hiện tại và khai thác như hiện nay thì chúng ta chỉ còn tồn tại khoảng một thập kỷ.
"Trước những khó khăn như nói trên, TP.Cần Thơ đã giao các sở ngành nghiên cứu sử dụng cát biển để thay thế cát sông" - ông Hiển nói.
Ông Võ Tấn Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ Cát sạch MeKong cho biết, có ý kiến cho rằng, cát biển khi đưa vào sử dụng sẽ bị thấm ra nhưng không phải như vậy.
Còn các ý kiến của bộ, ngành cho rằng, khi tuyển rửa cát biển thì muối sẽ ảnh hưởng tới vùng chăn nuôi trồng trọt. Tuy nhiên, cách xử lý rất dễ, cứ tăng lượng nước ngọt là sẽ hòa tan, vì muối này là muối hòa tan. "Chỉ cần 1 khối cát biển, đưa 5 khối nước ngọt vào là xong" - ông Dũng nói.
Ông Dũng nói tiếp: "Nếu địa phương quy hoạch cho tuyển rửa cát biển thì còn đơn giản hơn. Như các công trình ở Trà Vinh, Sóc Trăng tuyển rửa ở vùng nước lợ thì việc xử lý rất đơn giản".
Về vấn đề sạt lở, ông Dũng khẳng định, nếu khai thác đúng, sẽ hạn chế được việc sạt lở. Ở biển có nhiều cồn, tạp chất hữu cơ ít, nếu quy hoạch cho khai thác khu vực này sẽ hạn chế sạt lở.
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ Cát sạch MeKong thông tin thêm, nguồn gốc của cát biển bản chất cũng giống cát sông, trên những hạt cát có những vết nứt tạm thời, có những tạp chất hữu cơ lẫn trong cát, khi xử lý được thì loại cát ra được cũng như cát sông.
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn - Cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), vấn đề sử dụng cát sông hiện nay đang mất cung cầu nghiêm trọng. Nạn khai thác cát cũng đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân ven sông, khu vực chịu ảnh hưởng bởi nạn sạt lở.
Về câu hỏi nguồn vật liệu nào có thể thay thế cát sông để đảm bảo cung cấp cho các công trình xây dựng, ông Tuấn nhận định, có thể tìm bất kỳ vật liệu nào để thay thế, nhưng phải đảm bảo được các tiêu chuẩn nghiên cứu và quy định chặt chẽ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.