Hôm nay trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại vụ đã diễn ra cuộc thảo luận với chủ đề"Tăng cường thu hút đầu tư chất lượng cao hướng tới mục tiêu phát triển xanh và bền vững của địa phương"
Tham dự thảo luận có Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cả các Đại sứ, Trưởng đại diện các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo tất cả 63 tỉnh/thành trong cả nước.
Đây là cơ hội để các địa phương trực tiếp kết nối với các Đại sứ trong và ngoài nước, mở ra các dự án hợp tác ngay tại Việt Nam.
Xu hướng xanh không thể đảo ngược
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, đầu tư toàn cầu sụt giảm trong một môi trường quốc tế gia tăng bất ổn, nhưng cũng kéo theo xu thế dịch chuyển đầu tư diễn ra mạnh mẽ: Theo thống kê của UNCTAD, tổng vốn FDI toàn cầu năm 2022 sụt giảm 12%, xuống còn 1.300 tỷ USD. Xu thế đầu tư cho phát triển bền vững, đầu tư xanh được thúc đẩy nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trong bối cảnh chuyển đổi xanh là xu thế không thể đảo ngược, các nước đang phải thích ứng với các tiêu chuẩn xanh đang được thực thi, đồng thời đưa ra các sáng kiến mới trong định hình các chuỗi cung ứng và sản xuất xanh.
Trong bối cảnh đầu tư toàn cầu đan xen cơ hội và thách thức đó, khu vực Đông Nam Á vẫn là điểm sáng trong thu hút FDI năm 2022 với lượng vốn tăng thêm khoảng 5%, đạt hơn 220 tỷ USD-cao kỷ lục từ trước tới nay. Trong 11 tháng đầu năm 2023, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh, đạt gần 29 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ.
Thứ trưởng bày tỏ sự tin tưởng những nỗ lực ổn định môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam sẽ là nền tảng để hợp tác đầu tư chất lượng cao giữa các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam với các đối tác ngày càng bền vững và bao trùm hơn.
Nhiều thách thức với đầu tư xanh
Phát biểu tại hội nghị, ông Shantanu Chakraborty – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam (ADB) cũng cho rằng, xu hướng đầu tư xanh đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, tạo ra những tác động và cơ hội với Việt Nam. Việt Nam rất nhiệt tình với việc phát triển kinh tế xanh ở cả cấp quốc gia và địa phương, các tỉnh thành có nhiều nguồn lực phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, nhiều nhà đầu tư đã tới tìm hiểu năng lực ở các tỉnh thành trong lĩnh vực này.
"Việt Nam ở vị trí rất tốt có thể tạo điều kiện thuận lợi nhất trong thị trường đầu tư này, từ đó có tác động phát triển rất dễ thấy và cụ thể" – ông Chakraborty nói. "Đây là lúc Việt Nam cần hành động và hợp tác nhiều hơn để thu hút đầu tư xanh nhằm đạt được cam kết net zero, cam kết phát triển bền vững".
Ông khẳng định cam kết đầu tư xanh có thể giúp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt vào đổi mới sáng tạo xanh, phát triển cơ sở hạ tầng; giúp Việt Nam phát triển các ngành kinh tế. Đầu tư xanh cũng có thể góp phần gia tăng tính cạnh tranh trong chuỗi cung ứng để thu hút FDI khi ngày càng có nhiều yêu cầu về phát triển bền vững. Đầu tư xanh cũng giúp Việt Nam giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bảo tồn sinh thái.
Tuy nhiên ông Chakraborty cho rằng còn nhiều thách thức với đầu tư xanh ở Việt Nam như khuôn khổ pháp luật kinh tế xanh và tài chính xanh; việc xác định các mục tiêu cụ thể phù hợp các cam kết quốc tế của Việt Nam, tạo ra các ưu đãi cho phát triển tài chính xanh. Việt Nam cũng cần xây dựng năng lực để tham gia chủ động vào nguồn vốn toàn cầu thông qua hợp tác song phương với các thể chế tài chính; thúc đẩy thực thi chứng nhận carbon để hình thành thị trường carbon nội địa và kết nối với thị trường carbon quốc tế. Sing đã trở thành trung tâm về tài chính xanh
"Việt Nam có thể vươn lên thu hút tài chính xanh. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt nam thực thi hoài bão về phát triển kinh tế và giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050" - ông nói.
Động lực của phát triển
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (Eurocham), đồng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam Torben Minko cho rằng, Cam kết của Việt Nam về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đã được thể hiện thông qua các cam kết ở COP28, trong Quy hoạch Điện 8, thỏa thuận JETP. Các mục tiêu của Việt Nam phù hợp với mục tiêu của cá doanh nhgiệp Châu Âu. Một số lĩnh vực mà Eurocham và Việt Nam có thể hợp tác là thúc đẩy du lịch bền vững hay hợp tác qua cơ chế JETP… Eurocham cũng cho rằng Việt Nam nên duy trì môi trường đầu tư đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về sản xuất xanh.
Ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, AmCham AmCham đã làm việc với nhiều ngành nhiều cấp của Việt Nam về phát triển bền vững và luôn hướng đến phát triển bền vững khi đề xuất chính sách. Chính phủ Việt Nam cũng đã mời AmCham và các doanh nghiệp quốc tế để thảo luận không chỉ về phát triển kinh tế mà còn là phát triển bền vững.
"Việt Nam đang gặp một số thách thức liên quan đến mục tiêu phát triển và Amcham đang cùng tìm giải pháp làm thế nào để phát triển bền vững trong 15-20 năm nữa. Phát triển bền vững không còn là việc xa xỉ, tốn kém mà phải là là động lực của phát triển ở Việt Nam" – ông nói.
Tại cuộc thảo luận, ông Phạm Đức Toàn – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên đã kêu gọi các nhà đầu tư giúp địa phương đầu tư các dự án về giao thông, phát triển cơ sở hạ tầng, bán tín chỉ carbon để giúp người dân có kinh phí khoanh nuôi bảo vệ rừng và nâng độ che phủ rừng.
Ông Trần Quốc Nam – Chủ tịch UBND Ninh Thuận, cho biết tỉnh đã xây dựng đề án phát triển năng lượng tái tạo nhằm đưa Ninh Thuận thành trung tâm phát triển năng lượng tái tạo trong cả nước. Tỉnh đang chờ chính phủ ban hành việc triển khai quy hoạch điện 8 để Ninh Thuận tăng tốc triển khai, đứng đầu cả nước về năng lượng tái tạo.