Đột phá từ hạ tầng
Có dịp về huyện Krông Nô (Đắk Nông), chúng tôi khá bất ngờ khi diện mạo nơi đây đã có nhiều thay đổi. Điều dễ nhận thấy đầu tiên đó chính là con đường, mới hồi nào chúng tôi còn ví von "con đường như bị bom cày xới" thì nay đã được sửa chữa, nâng cấp, mở rộng, thảm nhựa êm ru. Kể cả những tuyến đường liên thôn cũng được đổ bê tông từ đầu đến cuối thôn.
Đặc biệt, hai bên đường, bà con trồng đủ các loại hoa xinh xắn. Thấy có người hỏi thăm đường, anh Võ Anh Hùng (thôn Nam Sơn, xã Nam Đà, huyện Krông Nô) vui vẻ chia sẻ, chỉ cần đi thẳng rồi rẽ phải sẽ ra đường lớn. Bởi ở đây đã được chính quyền quy hoạch theo hình bàn cờ nên việc đi lại rất thuận tiện. Hệ thống đường liên thôn đều cứng hóa bằng bê tông.
"Đường này làm trong chương trình nông thôn mới theo hướng bà con và nhà nước cùng làm. Nhà nước cho vật tư, xi măng…; còn bà con bỏ công xây dựng. Cách làm này đã giảm được nhiều chi phí, huy động được sức dân. Bà con cũng hào hứng vì mình được giám sát nên chất lượng con đường rất đảm bảo", anh Hùng cho hay.
Theo báo cáo, năm 2023, huyện Krông Nô có thêm 5 xã đạt tiêu chí về giao thông, nâng luỹ kế lên 10/11 xã đạt. Tổng số công trình giao thông được đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới trong năm 2023 là trên 77 công trình, tổng chiều dài hơn 48.000m, tổng mức đầu tư trên 51 tỷ đồng…
Không chỉ đường sá được mở rộng mà các hạng mục công trình công cộng khác cũng được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân. Một trong số đó phải kể đến các hội trường thôn. Tại hội trường tổ dân phố 3 (thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô), chúng tôi ấn tượng khi công trình được thiết kế khá đẹp mắt. Bên trong hội trường, hệ thống bàn ghế được đầu tư mới sạch đẹp, sức chứa lên đến gần 200 người.
Một cán bộ cho hay, sức chứa của hội trường lớn như vậy mới đáp ứng được nhu cầu. Bởi thực tế, đây là nơi diễn ra nhiều sự kiện, nhất là các cuộc họp tập thể, cần sự tham gia đóng góp ý kiến của người dân. Có những chương trình, số lượng người tham gia rất đông, lên đến hàng trăm người. Như vậy, hội trường phải đủ lớn, đáp ứng đầy đủ cơ sở vật chất để tạo thuận lợi cho người tham gia.
Theo báo cáo của UBND huyện Krông Nô, đến năm 2023, toàn huyện có 82/84 thôn, buôn, bon có nhà văn hóa. Trong năm, các địa phương đã triển khai lập hồ sơ đầu tư 11 công trình thuộc lĩnh vực văn hoá với tổng mức đầu tư 11.863 triệu đồng từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới.
Đến nay một số công trình đã hoàn thiện nghiệm thu đưa vào sử dụng. Ngoài ra, huyện còn đầu tư xây dựng 2 công trình nhà văn hoá thôn tại xã Nâm Nung, Buôn Choah với tổng mức đầu tư 922 triệu đồng từ nguồn vốn phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS…
Đời sống nhân dân được cải thiện
Trong năm 2023, toàn huyện có thêm 1 xã đạt tiêu chí về nhà ở, nâng luỹ kế có 10/11 xã đạt. Để hoàn thành tiêu chí nhà ở dân cư, xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện, UBMTTQ huyện, các doanh nghiệp, đơn vị, các nhà hảo tâm đã chung tay hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà cho 4 hộ gia đình nhà tạm, nhà dột có hoàn cảnh khó khăn tại xã Quảng Phú, với kinh phí 380.000.000 đồng; xã Nam Đà kêu gọi vận động hỗ trợ xây dựng được 4 nhà cho hộ nghèo với số tiền 240.000.000 đồng.
Triển khai xây dựng nhà ở cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã Nâm Nung, Đức Xuyên, Buôn Choah, Nam Xuân với số tiền hỗ trợ 924 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022, 2023.
Bên cạnh đó, để triển khai có hiệu quả chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai các dự án, chương trình với tổng kinh phí thực hiện gần 13,5 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương 12,265, ngân sách địa phương 1,226 tỷ đồng). Kết quả rà soát hộ nghèo năm 2023 trên địa bàn huyện tỷ lệ hộ nghèo chiếm 3,78%, giảm 0,54% so với năm 2022.
Nguồn thu nhập của người dân được cải thiện với 11/11 xã đạt, thu nhập bình quân đạt 49,63 triệu đồng/người/năm (trừ thị trấn Đắk Mâm).
Theo lãnh đạo UBND huyện Krông Nô, để đạt được những kết quả trong chương trình nông thôn mới, địa phương rất quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt nội dung thực hiện, huy động sức mạnh tập thể, đóng góp từ người dân.
"Chúng tôi phát huy phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Nhờ đó, nhiều người dân tích cực hiến đất, cây trồng, tài sản để làm các công trình công cộng như phong trào hiến đất làm đường... Phía địa phương cũng kịp thời biểu dương, đề nghị cấp trên khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể đóng góp tích cực trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân, góp phần thực hiện tiếp những mục tiêu cho các năm tới...", lãnh đạo huyện cho biết.
Năm 2023 toàn huyện Krông Nô đạt 189 tiêu chí, tăng 25 tiêu chí so với năm 2022; bình quân mỗi xã đạt 17,18 tiêu chí/xã, tăng 2,28 tiêu chí/xã so với năm 2022. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 4 xã (tăng 1 xã so với năm 2022).
Thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 1038 của UBND tỉnh Đắk Nông đối với 4 xã (Nam Đà, Đắk Sôr, Đắk Drô, Nâm Nung) đạt 21 tiêu chí. Trong đó: Xã Đắk Sôr đạt 4/19 tiêu chí, Xã Nam Đà đạt 11/19 tiêu chí, Xã Đắk Drô đạt 6/19 tiêu chí, xã Nâm Nung mới công nhận.