Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Để hiểu rõ hơn về quá trình triển khai thực, hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh Nam Định, Phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hữu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Nam Định.
Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có điểm mới là đưa chuyển đổi số vào xây dựng nông thôn mới, vậy tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các địa phương thực hiện, triển khai ra sao, xin ông cho biết?
- Tháng 10/2022, UBND tỉnh Nam Định ban hành kế hoạch số 140/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Nam Định. Sau khi kế hoạch được ban hành, các địa phương trong tỉnh đã bám sát kế hoạch này để triển khai, thực hiện.
Cụ thể, các địa phương đồng loạt nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng số, lắp đặt mạng internet có hệ thống wifi phát miễn phí với đường truyền băng thông rộng từ 100 Mbps trở lên tại bộ phận Một cửa của UBND xã, Trạm Y tế xã, Nhà văn hóa thôn/xóm… đảm bảo các điều kiện kỹ thuật khai thác thông tin.
Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn chuyển đổi số cho nhiều cán bộ, công chức xã nhằm nâng cao kiến thức, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ về chuyển đổi số. Thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng, thí điểm xây dựng mô hình thôn/xóm thông minh…
- Trong năm 2023, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai, thực hiện rất tích cực Chương trình xây dựng NTM gắn với chuyển đổi số. Nhờ đó, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao, khai thác tốt dịch vụ chuyển đổi số; trong đó, lĩnh vực hành chính công được khai thác mạnh nhất, mang lại hiệu quả cao.
Hiện nay, nhiều xã thực hiện công khai 100% thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 60%. Ngoài ra, các địa phương còn số hóa thủ tục hành chính và kết quả thủ tục hành chính bằng văn bản điện tử…
Ngoài lĩnh vực hành chính công, còn có 3 lĩnh vực khác như y tế, sản xuất, an ninh cũng đang ứng dụng chuyển đổi số một cách hiệu quả. Cụ thể, trong lĩnh vực y tế, nhiều địa phương có tỷ lệ người dân có sổ khám chữa bệnh điện tử, tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa đạt mức độ cao.
Trong lĩnh vực sản xuất, nhiều địa phương đã ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực, cấp mã số vùng trồng đối với vùng nguyên liệu nông sản chủ lực của xã và quảng bá nông sản trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử.
Trong lĩnh vực an ninh, lực lượng công an đã áp dụng chuyển đổi số vào cài đặt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID…
Đặc biệt, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 3 xã được UBND tỉnh Nam Định công nhận là xã NTM kiểu mẫu với lĩnh vực nổi trội là chuyển đổi số, gồm xã Trực Tuấn (huyện Trực Ninh), xã Nghĩa Thái (huyện Nghĩa Hưng), xã Yên Lương (huyện Ý Yên).
- Thời gian qua, xã Giao Phong đang tiếp tục xây dựng, nâng cấp hạ tầng thiết bị; lắp đặt hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, lắp đặt bảng điện tử công cộng…
Dự kiến trong thời gian ngắn nữa, đề án xây dựng xã NTM thông minh tại Giao Phong sẽ được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt. Từ đề án đó, cơ sở sẽ triển khai thực hiện và đề án này thực hiện đến hết năm 2025. Nếu mô hình xã NTM thông minh được thực hiện sẽ giúp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM, nâng cao chất lượng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, thiết yếu và đời sống người dân trên địa bàn xã…
Xin ông cho biết, quan điểm thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh Nam Định là gì?
- Nam Định coi chuyển đổi số trong xây dựng NTM là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 3 trụ cột: Phát triển chính quyền số ở nông thôn; Phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; Phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong xây dựng NTM để từng bước hình thành NTM thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, trên cơ sở kế thừa, tiếp tục phát triển, hoàn thiện kết quả các chương trình, dự án về công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã và đang triển khai, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.
Đồng thời, phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò trung tâm của người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng NTM.
Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân nông thôn chủ động áp dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân nông thôn.
Định hướng đến hết năm 2025, tỉnh Nam Định sẽ đạt được những mục tiêu nào trong xây dựng nông thôn mới gắn với chuyển đổi số?
- Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Nam Định đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Nam Định đạt được 4 mục tiêu đề ra:
Thứ nhất, phát triển chính quyền số trong xây dựng NTM. Cụ thể, chương trình MTQG xây dựng NTM được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
100% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM. Và, 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông, 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 của Tiêu chí số 15 về Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao.
Có ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM. Ít nhất 30% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 6.5 của Tiêu chí số 6 về kinh tế, 25% đạt chỉ tiêu 9.2 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao.
Phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.
Thứ hai, phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn: Ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.
Thứ ba, xã hội số trong xây dựng NTM: Có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân, cộng đồng về kết quả xây dựng NTM thông qua ứng dụng trực tuyến.
Thứ tư, phấn đấu toàn tỉnh có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã NTM thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá…).
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Nam Định cần triển khai, thực hiện những giải pháp nào, xin ông nói rõ?
- Một là, đào tạo và nâng cao năng lực về chuyển đổi số
Biên soạn chương trình, tài liệu tập huấn về chuyển đổi số trong xây dựng NTM, đặc biệt là các tài liệu hướng dẫn áp dụng chuyển đổi số. Tổ chức các hội nghị, các đợt tập huấn về kiến thức chuyển đổi số, khả năng tiếp cận thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ xây dựng NTM các cấp (tỉnh, huyện, xã) và người dân, cộng đồng ở nông thôn.
Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế ở khu vực nông thôn.
Hai là, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách
Rà soát các nội dung, định mức hỗ trợ của Nhà nước về chuyển đổi số để đề xuất áp dụng trong xây dựng NTM thông minh; chính sách khuyến khích các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số về các lĩnh vực (kinh tế, thương mại, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch…) đầu tư vào khu vực nông thôn.
Xây dựng kiến trúc, vận hành và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu số về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Ba là, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số và dữ liệu số
Đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển hạ tầng và kết nối mạng internet đến cấp xã, thôn/xóm (hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao; hạ tầng mạng di động 4G/5G; hạ tầng kết nối internet, hạ tầng kết nối IoT…), nâng cao chất lượng và năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân; hạ tầng công nghệ để phát triển hệ thống thông tin điện tử trên các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và thương mại điện tử.
Xây dựng phương án tổng thể hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu, hệ thống định danh gắn với đối tượng quản lý, giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Xây dựng dữ liệu số trong xây dựng NTM. Trong đó, xây dựng bản đồ số về nông nghiệp, nông thôn, nông dân để chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở về kết quả xây dựng NTM, bản đồ số về du lịch nông thôn để kết nối, giới thiệu và quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn của tỉnh; xây dựng hệ thống kiến trúc, chuẩn hóa dữ liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu về NTM trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) đồng bộ, kết nối và liên thông; xây dựng phần mềm ứng dụng trực tuyến phục vụ công tác tổ chức lấy ý kiến hài lòng của người dân; xây dựng hệ thống quản lý, chia sẻ và khai thác về công nghệ phục vụ xây dựng NTM.
Bốn là, triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng NTM
Xây dựng thí điểm các mô hình xã/thôn NTM thông minh gắn với lĩnh vực nổi trội ở các địa phương (quản lý quy hoạch xây dựng, kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh trật tự, du lịch nông thôn…).
Mô hình xã thương mại điện tử cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn chủ lực của địa phương (liên kết hợp tác giữa trung ương, địa phương, các doanh nghiệp thương mại điện tử, ngân hàng và người dân.
Năm là, huy động nguồn lực triển khai Chương trình
Tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư về cơ sở hạ tầng số và kết nối mạng internet đến cấp xã, thôn/xóm; hạ tầng công nghệ gắn với phát triển dịch vụ trên các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và thương mại điện tử.
Huy động các nguồn lực tham gia thực hiện Chương trình, nhất là lồng ghép hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội, các nguồn huy động hợp pháp từ các thành phần kinh tế và người dân thực hiện chuyển đổi số.
Đẩy mạnh kêu gọi sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực của các đối tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số, xây dựng xã NTM thông minh.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.