22 tháng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, Nga đã kiểm soát được khoảng 1/5 diện tích Ukraine và chiến tuyến dài khoảng 1.000km hầu như không nhúc nhích trong năm nay.
Một cuộc khủng hoảng đã đến từ chiến trường. Ở các nước phương Tây, sự ủng hộ cuộc đấu tranh của Ukraine, các cuộc tranh luận chính trị về hàng tỷ USD viện trợ tài chính cho Kiev đang ngày càng căng thẳng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang chơi trò chờ đợi. Ông dường như đang đánh cược rằng, sự ủng hộ của phương Tây sẽ dần dần sụp đổ, bị rạn nứt bởi sự chia rẽ chính trị, bị xói mòn bởi sự mệt mỏi vì chiến tranh và bị phân tán bởi các mối đe dọa khác, chẳng hạn như việc Trung Quốc đe dọa Đài Loan và chiến tranh ở Trung Đông.
Triển vọng chính trị quốc tế có thể thay đổi hoàn toàn theo hướng có lợi cho Tổng thống Putin sau cuộc bầu cử vào tháng 11 tới ở Mỹ - nước cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine nhưng hiện một số ứng cử viên đảng Cộng hòa đang nỗ lực để giảm bớt sự ủng hộ cho cuộc chiến của nước này.
Gần một nửa công chúng Mỹ tin rằng, nước này đang chi quá nhiều cho Ukraine, theo cuộc thăm dò được công bố vào tháng 11 bởi Associated Press-Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Công chúng NORC.
Các nhà phân tích cho rằng, tâm lý đang thay đổi có thể có lợi cho Tổng thống Putin khi ông cuối cùng có thể buộc Ukraine phải chấp nhận một thỏa thuận bất lợi để chấm dứt chiến tranh.
Mathieu Boulegue, nhà tư vấn cho chương trình Nga-Âu Á tại viện nghiên cứu Chatham House ở London bình luận: "Đó là một năm tốt đẹp, tôi thậm chí có thể gọi đó là một năm tuyệt vời" đối với Putin.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã không làm tê liệt nền kinh tế Nga. Các lực lượng Nga vẫn đang quyết định phần lớn những gì xảy ra trên chiến trường, nơi các tuyến phòng thủ của họ có các bãi mìn sâu tới 20km đã cản trở phần lớn cuộc phản công kéo dài hàng tháng của Ukraine.
Marina Miron thuộc Khoa Nghiên cứu Quốc phòng của King's College London nhận định, cuộc phản công đã được phát động trước khi lực lượng Ukraine hoàn toàn sẵn sàng, một nỗ lực chính trị vội vã nhằm chứng minh rằng viện trợ của phương Tây có thể thay đổi cục diện cuộc chiến.
Bà nói: "Những kỳ vọng (đối với cuộc phản công) là không thực tế. Cuối cùng, nó đã thất bại".
Thất bại đó đã đặt ra những câu hỏi khó chịu ở phương Tây về con đường tốt nhất phía trước. Ông Zelensky đã vận động không mệt mỏi các nhà lãnh đạo phương Tây để tiếp tục giúp đỡ Ukraine với nhận thức rằng họ là huyết mạch của đất nước ông.
Ông đã tới Washington 3 lần trong 2 năm qua. Tổng thống Joe Biden vẫn đang cố gắng thúc đẩy Quốc hội Mỹ cấp thêm 50 tỷ USD cho cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, sự ủng hộ dành cho Kiev có dấu hiệu suy giảm. Đề xuất của ông Biden đang bị treo, ít nhất là hết năm nay. Và việc EU cũng chia rẽ nên không thể duyệt khoản viện trợ 50 tỷ euro (55 tỷ USD) để giúp duy trì nền kinh tế đang bị tàn phá của Ukraine tiếp tục khiến Kiev thất vọng, "đau đớn".
Dù Tổng thống Zelensky đã giành được chiến thắng ngoại giao vào cuối năm khi Liên minh châu Âu cho phép Ukraine đẩy nhanh các cuộc đàm phán về việc gia nhập khối. Nhưng ngay cả chiến thắng đó cũng rất hạn chế bởi ai cũng biết rằng, quá trình này có thể mất nhiều năm cũng như việc Ukraine có thể giành được tư cách thành viên NATO hay không cũng là điều cực kỳ bấp bênh.