Dân Việt

Trời rét căm căm, gió bấc thổi vù vù, ở Nam Định dân giữ tôm, giữ cá, giữ cua trong ao thế nào?

Mai Chiến 22/12/2023 09:41 GMT+7
Những ngày này thời tiết ngoài trời xuống thấp, người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Nam Định đã chủ động giữ ấm, chống rét cho thủy sản, nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế.

CLIP: Người nuôi thủy sản ở Nông trường Bạch Long (xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) chia sẻ về phương pháp phòng chống rét cho thủy sản. Thực hiện: Mai Chiến.

Chống rét cho cá bằng mọi cách

7h sáng, ông Phạm Văn Cương (Nông trường Bạch Long, xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) tranh thủ bơm nước giếng khoan vào các ao nuôi để tăng mực nước ao, tăng nhiệt độ nước dưới ao, giữ ấm cho cá.

Với nhiều năm kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá nước ngọt, ông Cương cho hay, bơm nước giếng xuống ao chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài thì phải bổ sung Vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng cho cá. Bên cạnh đó, chọn đối tượng nuôi phù hợp với khí hậu, thời tiết giá rét.

Trời rét căm căm, gió bấc thổi vù vù, ở Nam Định dân giữ tôm, giữ cá, giữ cua trong ao thế nào?- Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Cương (xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) bơm nước giếng khoan vào các ao nuôi để tăng mực nước ao nuôi, tăng nhiệt độ nước dưới ao, giữ ấm cho cá. Ảnh: Mai Chiến.

Gia đình ông Cương chuyển sang nuôi cá trắm đen từ nhiều năm nay, bởi đây là đối tượng nuôi có chất lượng ngon, sức đề kháng cao, ít dịch bệnh, chịu được rét khi nhiệt độ xuống thấp hơn 10°C. Nhờ đó, giảm thiểu thiệt hại kinh tế gia đình.

Với quy mô 2,8 ha, được chia thành 4 ao nuôi, trung bình mỗi năm gia đình ông Cương cung ứng ra thị trường trên 50 tấn cá thương phẩm. Trọng lượng dao động từ từ 6 - 8kg/con. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong và ngoài tỉnh.

"Cá trắm đen là đối tượng nuôi có sức đề kháng cao, chịu rét tốt. Vào mùa rét tuy đàn cá phát triển chậm nhưng vẫn sống khỏe nên gia đình tôi yên tâm…", ông Cương bộc bạch.

Ông Cương còn nhớ như in về đợt thiệt hại kinh tế năm 2010. Cuối năm đó, trời chuyển rét đậm kèm theo mưa nhỏ, đàn cá vược dưới ao bị sốc nhiệt, chịu rét kém nên chết hàng loạt, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

"Năm 2010, ước khoảng 5 tấn cá vược bị chết do rét. Sau lần thiệt hại đó, gia đình tôi chuyển nuôi cá chuối hoa, diêu hồng, tuy nhiên những đối tượng nuôi này không hiệu quả. Từ đó, tôi chuyển hẳn sang nuôi cá trắm đen", ông Cương chia sẻ thêm.

Mấy ngày trở lại đây, nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, gia đình anh Nguyễn Văn Dinh (Nông trường Bạch Long, xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) cũng đã chủ động triển khai các giải pháp chống rét cho đàn cá.

Theo đó, gia đình anh Dinh bổ sung Vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng cho đàn cá, bằng cách ngâm Vitamin C vào nước, sau đó té xuống ao, kết hợp bật dàn quạt dưới ao để Vitamin tan đều trong ao.

Ngoài ra, anh Dinh còn bơm nước ngoài sông hoặc nước giếng khoan vào ao để tăng mực nước trong ao nuôi. Anh cho hay, mực nước dưới ao nuôi càng cao, trên 2m (tính từ đáy ao lên) thì cá càng ấm, đỡ lạnh.

"Vào mùa đông, cá nước ngọt nói chung thường ăn ít, chậm phát triển, do đó nếu không chống rét tốt, cá dễ bị mắc bệnh, chết rét…", anh Dinh tâm sự.

Ngành thủy sản Nam Định khuyến cáo gì?

Hiện toàn tỉnh Nam Định có hơn 15.000 ha nuôi trồng thủy sản với khoảng 5.500 ha nuôi bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh. Trong đó, diện tích nuôi nước ngọt là 3.500 ha, nuôi nước mặn - lợ 2.000ha, với 75 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Trời rét căm căm, gió bấc thổi vù vù, ở Nam Định dân giữ tôm, giữ cá, giữ cua trong ao thế nào?- Ảnh 4.

Hiện nay, nhiều đầm nuôi tôm thẻ chân trắng ở Nam Định có sử dụng mái che để kiểm soát môi trường nước. Ảnh: Mai Chiến.

Để nuôi trồng thủy sản có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại kinh tế vào mùa đông, Chi cục Thủy sản tỉnh Nam Định khuyến cáo người nuôi trồng thủy sản trong thời gian giá rét tuyệt đối không kéo lưới kiểm tra thủy sản nuôi, không thu hoạch theo cách đánh tỉa thả bù để tránh bị xây xát cho thủy sản nuôi nhằm hạn chế các bệnh đốm đỏ, lở loét do nấm, trùng quả dưa và ký sinh trùng...

Đối với các đối tượng thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm gần đến kỳ thu hoạch nhưng không có điều kiện thực hiện các biện pháp chống rét, nhất là các đối tượng chịu rét kém như cá rô phi, cá chim trắng, cá vược, cá chim vây vàng... cần tổ chức thu hoạch sớm và triệt để.

Đặc biệt, đối với diện tích thủy sản đang nuôi (thủy sản chưa đạt kích cỡ làm thương phẩm, đàn bố mẹ, cá giống), người nuôi áp dụng một số biện pháp chống rét như duy trì mực nước ao nuôi đảm bảo độ sâu từ 1,5 m trở lên để ổn định nhiệt độ.

Làm khung và che phủ bề mặt ao nuôi bằng nylon sáng màu (nếu có đủ điều kiện) hoặc thả bèo tây trên mặt ao từ 1/2 - 2/3 diện tích mặt ao nuôi về phía Bắc để chắn gió, cách nhiệt không khí, tăng khả năng giữ nhiệt cho nước ao nuôi và khi có ánh nắng sẽ tăng khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời bổ sung nhiệt cho ao nuôi.

Đối với nuôi tôm thẻ vụ đông, người nên nuôi tôm trong ao/bể lót bạt hoặc xi măng, có mái che để dễ dàng kiểm soát được môi trường nước, giúp tôm phát triển bình thường. 

Chọn tôm giống cỡ post 12 - 15 khỏe mạnh, xuất xứ rõ ràng và đạt chứng nhận kiểm dịch của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Người nuôi cần cho thủy sản ăn đầy đủ, sử dụng các loại thức ăn có chất lượng cao, khẩu phần ăn phù hợp, bổ sung Vitamin C để tăng sức đề kháng.

Khi nhiệt độ nước ao nuôi xuống dưới 15°C thì ngừng cho ăn; định kỳ dùng CaO, liều lượng 2 - 3 kg/100 m2 (1 lần/tháng) bón xuống ao nuôi để phòng ngừa bệnh nấm, ký sinh trùng cho cá.

Ao/đầm nuôi tôm nên thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường, đảm bảo ô xy hòa tan trên 4ppm, độ pH > 7,8, độ kiềm trên 100 ppm…