Loài cá có trong Sách Đỏ Việt Nam, màu trông như khúc gỗ mục, đang nuôi ở một dòng sông qua Tuyên Quang

Thứ sáu, ngày 22/12/2023 14:22 PM (GMT+7)
Cá Chiên là giống cá bản địa, cá quý hiếm của dòng sông Lô và sông Gâm chảy qua địa bàn các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn...của tỉnh Tuyên Quang. Cá Chiên được ví như “ngũ quý hà thủy” có giá trị kinh tế cao.
Bình luận 0

Trước thực trạng nhiều loài thủy sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao như cá Chiên đang dần bị mai một do khai thác và môi trường bị đe dọa, ngành Thủy sản tỉnh Tuyên Quang đã và đang có những giải pháp quyết liệt, mang tính bền vững hơn để giữ gìn các "tài nguyên" quý này.

Thịt cá chiên vàng ươm như ướp nghệ, thân không hề có xương răm, chỉ có xương sống chạy dọc sống lưng. Thịt chắc, cá càng to càng chắc và ngọt. 

Do là loài cá ăn tạp (ăn các loại thủy sinh nhỏ hơn nó) nên dinh dưỡng có trong thịt cá chiên vô cùng dồi dào, có thể sánh ngang với cá hồi vốn đều được coi như thượng phẩm vùng nước ngọt ở xứ lạnh. 

Tuy nhiên, do phương thức nuôi quảng canh, manh mún, chủ yếu là đánh bắt ở ngoài tự nhiên, nên nguy cơ cạn kiệt là rất lớn. 

Nhận thấy đây là giống cá quý hiếm cần được bảo tồn và nhân rộng, năm 2016, Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trình diễn công nghệ và cung cấp giống cá Chiên ở một số tỉnh miền núi phía Bắc”.

Anh Phạm Mạnh Thông, Giám đốc Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang cho biết, cá Chiên chỉ thích nghi với nước sạch, có hàm lượng ôxy cao, có dòng chảy xiết nên việc nhân giống là rất khó khăn. 

Loài cá có trong Sách Đỏ Việt Nam, màu trông như khúc gỗ mục, đang nuôi ở một dòng sông qua Tuyên Quang- Ảnh 1.

Khu nuôi cá chiên của HTX Sản xuất, kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa (huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang).

Sau nhiều lần thất bại, đến nay, Trung tâm đã thành công trong việc nhân tạo cho giống cá quý hiếm này. 

Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã sản xuất được 115.000 con cá Chiên giống, phục vụ cho các hộ nuôi cá đặc sản trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận như Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ.

Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa (huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) được thành lập từ năm 2016. 

Đến nay HTX có 12 thành viên đều nuôi cá lồng trên sông Lô thuộc thôn Ba Luồng, Bình Thuận với tổng quy mô 63 lồng, chủ yếu nuôi cá Chiên, cá Bỗng. 

Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc HTX cho biết, cá Chiên là một trong những giống cá quý hiếm, xưa kia, đây là một trong những loài cá tiến vua nổi tiếng, hiện nguồn giống cá quý trong tự nhiên ngày một khan hiếm do môi trường sinh sản bị thu hẹp. 

Bởi vậy, việc mua giống tại các cơ sở sản xuất giống chuyên nghiệp, đặc biệt là Trung tâm Thủy sản tỉnh có ý nghĩa rất lớn.

Loài cá có trong Sách Đỏ Việt Nam, màu trông như khúc gỗ mục, đang nuôi ở một dòng sông qua Tuyên Quang- Ảnh 2.

Huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) phát triển nghề nuôi cá lồng đặc sản, trong đó có nuôi cá chiên-một loài cá bản địa, cá quý hiếm, nằm trong "ngũ quý hà thủy". Cá Chiên cũng là một trong các loài cá quý hiếm đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (1992, 2000) với mức độ đe doạ bậc V và danh sách các loài cần bảo vệ của ngành Thuỷ sản từ năm 1996.

Trung bình, vòng đời mỗi lứa nuôi cá Chiên của các hộ dân trong HTX từ một năm rưỡi đến hai năm, khi cá đạt trọng lượng từ 1,5 đến 2kg/con có thể xuất bán.

Với giá cá chiên bán trung bình từ 500.000 - 600.000 đồng/kg, mỗi năm trừ chi phí các hộ nuôi cá chiên thu lãi từ 100 - 350 triệu đồng. Hiện sản phẩm cá Chiên của HTX đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP.

Là một trong những chủ doanh nghiệp đầu tư nuôi cá lồng trên hồ sinh thái Na Hang, anh Phạm Anh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đức Nguyên cho rằng, để phát triển chăn nuôi cá đặc sản, ngoài quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh tốt thì diện tích lớn, nguồn nước sạch là yếu tố tiên quyết để nuôi trồng thủy sản.

Đặc biệt, theo anh Toán, đối với thủy sản đặc sản được coi là khó tính nhất như cá Bỗng, cá Lăng chấm, cá Chiên...càng yêu cầu nuôi phải có quy trình chăm sóc, nguồn nước sạch, diện tích lớn...

Gần 10 năm nuôi trồng thủy sản trên vùng lòng hồ với quy mô 30 lồng, trong đó có 10 lồng cá đặc sản, chưa năm nào anh gặp bất lợi, cá sinh trưởng, phát triển tốt. 

Mỗi con cá Chiên, cá Lăng chấm sau 3 năm đạt trọng lượng từ 2,5 - 3 kg, với giá cá lăng chấm, giá cá chiên bán từ 480 - 600 nghìn/kg mang lại nguồn thu không nhỏ cho công ty.

Song song với việc chú trọng công tác nghiên cứu, nuôi ương và nhân giống nguồn cá quý hiếm, thì việc triển khai thả tái tạo cá quý nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản đã được ngành Nông nghiệp triển khai theo từng năm. 

Theo báo cáo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn từ năm 2017 - 2021, toàn tỉnh thực hiện thả tái tạo về môi trường tự nhiên hơn 330.000 con cá giống các loại, trong đó có nhiều giống cá quý là cá Lăng, cá Chiên, cá Bỗng, cá Dầm xanh, cá Anh vũ. 

Việc thả cá tái tạo giúp bảo tồn và nhân đàn các nguồn cá quý dần khan hiếm trong môi trường tự nhiên, là việc làm rất cần thiết vào lúc này, qua đó, góp phần cân bằng hệ sinh thái, bảo tồn và nhân rộng các giống cá quý hiếm trước nguy cơ bị mai một.

Quốc Việt (Báo Tuyên Quang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem