Giao thông đi đầu
Trở lại huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam hôm nay, chúng tôi cảm nhận được thành quả nông thôn mới của địa phương này đã hiện hữu trên từng tuyến đường giao thông, công trình cơ sở hạ tầng cho tới mỗi ngõ, xóm, đã không còn cảnh đường đi sình bùn, lầy lội mà thay vào đó là những con đường bê tông rộng thênh thang, trải dài thẳng lối, nối liền các thôn - xóm, đời sống người dân cũng nhộn nhịp, rộn ràng, sung túc hơn.
Nông Sơn xác định đường giao thông nông thôn góp phần quan trọng trong việc thực hiện các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới, các cấp chính quyền, ban ngành ở địa phương đã tập trung huy động sức dân để từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn.
Những con đường liên thôn, liên xóm được trải bê tông, thoáng rộng, trong đó có rất nhiều đoạn đường do chính người dân tự nguyện hiến đất, góp công, góp của xây dựng…
Đến nay, cả 29 thôn ở Nông Sơn có trục đường thôn chính ô tô qua lại rộng rãi. Đây là "quả ngọt" của chặng đường xây dựng nông thôn mới với tinh thần "Nhà nước và nhân dân cùng làm".
Người dân thôn Tứ Nhũ (xã Quế Lâm) vẫn nhớ như in niềm vui vỡ òa khi tuyến đường giao thông thôn Tứ Nhũ đến UBND xã Quế Lâm được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2020. Bởi, tuyến đường có chiều dài gần 2,2km này là con đường "độc đạo" nối Tứ Nhũ với các địa phương khác.
Bao đời nay, người dân Tứ Nhũ muốn ra khỏi làng phải "lụy" đò ngang sông Thu Bồn. Đây cũng là địa phương cuối cùng có đường sá thông thương trong toàn huyện. Có đường, người dân Tứ Nhũ phấn khởi, cuộc sống như bước sang trang mới.
Nhiều tuyến đường huyết mạch ở Nông Sơn được Nhà nước đầu tư xây dựng, từ quốc lộ 14H (từ cầu Nông Sơn đến đường Đông Trường Sơn), cầu Nông Sơn, tuyến đường thôn 1 đi Tứ Nhũ (xã Quế Lâm), đường tránh lũ cứu hộ, cứu nạn trung tâm huyện....
Những con đường mới hoàn thành, đưa vào sử dụng không chỉ tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, từng bước xây dựng huyện nông thôn mới mà còn mở ra cơ hội đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái, kêu gọi thu hút đầu tư ở địa phương.
Ông Lê Anh Tuấn – Quyền Chủ tịch UBND xã Ninh Phước cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã giúp cho diện mạo nông thôn của Ninh Phước ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế... được quan tâm đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh.
Đến nay, xã Ninh Phước đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đang chờ cấp trên công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
"Để có được thành quả như ngày hôm nay là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân đã góp phần tạo dựng nên những miền quê đáng sống, đổi mới, tiến bộ cả trong nếp nghĩ, cách làm.
Những con đường hoa rực rỡ, con đường bê tông trải dài, sạch sẽ, khang trang, những công trình công cộng được đầu tư là kết quả nỗ lực của người dân…", ông Tuấn cho hay.
Chất lượng sống của người dân được cải thiện
Xây dựng nông thôn mới với Nông Sơn không chỉ là hành trình "thay áo mới" cho diện mạo làng quê. Điều lớn hơn chính là nâng cao chất lượng thực chất của cuộc sống cả về vật chất và tinh thần, từ đó nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân.
Tại Đại Bình (thị trấn Trung Phước), gần 200 hộ dân ở đây đã hiến hơn 10.000m2 đất, cây cối, hoa màu có giá trị để xây dựng đường giao thông và các công trình dân sinh khác.
Các cuộc vận động xây dựng tường rào - cổng ngõ đẹp, vườn đẹp, đường đẹp nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.
Đặc biệt việc "mềm hóa", "xanh hóa" tường rào giúp tạo không gian xanh mát, cảnh quan làng quê mang bản sắc riêng của làng du lịch sinh thái.
Hay như ở thôn nông thôn mới kiểu mẫu Trung Yên (xã Sơn Viên), đường làng rộng rãi được tô điểm bởi hoa, cây cảnh hai bên và luôn sạch sẽ nhờ các mô hình tự quản bảo vệ môi trường.
Được biết người dân trong thôn, ai cũng tự nguyện hiến đất, góp công, góp sức làm đường, tham gia chỉnh trang tường rào cổng ngõ, trồng cây xanh ven đường để tạo nên không gian hài hòa, gần gũi với thiên nhiên.
Trong xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu, Trung Yên đã vận động người dân cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu với các mô hình kinh tế hiệu quả. Người dân từng bước làm chủ khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất, giúp nâng cao đời sống của gia đình và hỗ trợ cộng đồng cùng vươn lên phát triển kinh tế.
Bên cạnh các tiêu chí về giao thông, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế, các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới cũng là thành tố quan trọng quyết định chất lượng cuộc sống của người dân.
Để thực hiện các tiêu chí xã văn hóa nông thôn mới, huyện Nông Sơn đã đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, các thiết chế văn hóa, từ trung tâm văn hóa - thể thao, nhà văn hóa, khu thể thao thôn đến khu vui chơi dành cho người cao tuổi và trẻ em…
Hiện nay, cả 6 xã trên địa bàn huyện đã thành lập trung tâm văn hóa – thông tin, toàn bộ 29 thôn có nhà văn hóa - khu thể thao (trong đó có 90% đạt chuẩn theo quy định).
Với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" trong xây dựng nông thôn mới, Ủy ban MTTQ các cấp ở Nông Sơn đã lấy ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Có 4.729 phiếu được phát ra, người dân đã đánh giá nghiêm túc, công khai, dân chủ, kết quả được tổng hợp và dán công khai tại nhà sinh hoạt thôn. Và đã có hơn 80% phiếu đánh giá hài lòng với các tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Điều này cho thấy người dân không chỉ đồng thuận, đoàn kết, nhiệt tình ủng hộ mà còn hài lòng về những kết quả đạt được của địa phương trong phong trào xây dựng nông thôn mới.