Rau đọt choại (rau chạy) là một loại rau mọc dại ở miền Tây. Cũng chẳng ai biết đọt choại có từ khi nào, chỉ biết rằng nó đã xuất hiện từ rất lâu trong ca dao xưa, trong cuộc sống của người dân miền Tây từ thời xưa cũ.
Rau choại có mặt hầu như ở khắp nơi trong vùng Đồng Tháp Mười (các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang).
Cây rau choại (đọt choại) thuộc họ dây leo, thân bò đến đâu thì bám rễ đến đó, sống được trong vùng bưng, trũng nhờ bộ rễ có sức hút nước mạnh.
Đặc biệt, đọt choại (rau chạy, rau choại) rất thích nghi với những vùng đất nhiễm phèn ở vùng Đồng Tháp Mười.
Đọt choại mọc hoang dại, tự nhiên thành từng đám um tùm, rau được người dân kỳ công, len sâu trong bụi rau, hái từng đọt một:
Rủ nhau lên đất bảy ngàn
Hái rau choại chột, nhổ bàng về đương
Choại chột thì chấm nước tương
Bàng thì đương nóp người thương tôi nằm
Rau choại (rau chạy, đọt choại) hương vị ngọt thanh tự nhiên, ăn vào có cảm giác trơn trơn như đậu bắp nhưng ngọt và ngon hơn nhiều. Đọt choại là loại rau thân thương, quen thuộc với bất kỳ người miền Tây nào.
Ngày xưa đọt choại mọc hoang dại nhiều vô số kể, là loại rau quen thuộc của người dân miền Tây trong mỗi bữa cơm.
Sẵn có mớ cá đồng, men ra đám rau choại kế bên nhà hay trong đồng khi đi nhổ bàng, giăng lưới là hái được cả rổ rau đầy ấp về luộc, xào, nấu canh.
Tôi nhớ, khi mới hơn 10 tuổi tôi đã tự cầm rổ tre đi sâu vào cánh trừng tràm bên kia con sông nhà hái rau choại.
Khi đó tôi mê lắm việc hái những cọng rau choại chột mập núc ních, xanh non mơn mỡn. Bữa nào đi lúc sương sớm, lúc mới dứt trận mưa râm là đọt choại đơm đều hái mỏi cả tay, đầy rỗ lúc nào chẳng biết.
Nói vậy chứ hái đọt rau choại đòi hỏi phải quen đường thuộc lối, nếu lơ mơ có khi gặp trúng ổ ong vò vẻ rồi bị ong đốt cho sưng mặt.
Ở xứ tôi, người dân mê nhất là rau choại luộc chấm mấm nêm ăn với cá đồng chiên giòn, và tôi đây cũng vậy.
Nước luộc đọt choại thì không bỏ, mà cho vào đó chút muối, chút bột ngọt để húp xì xoạp sau bữa ăn, chất ngọt của nó không thua bất cứ loại canh nào.
Đó là những món ăn quen thuộc trong những bữa cơm của tôi và gia đình ngày trước. Vì hồi ấy, quê còn nghèo khó, nhà nào cũng tự kiếm cá đồng, hái rau đồng về thay đổi bữa. Đơn giản vậy đó mà đứa nào cũng no tròn, khỏe mạnh.
Đọt rau choại ngoài luộc chấm mấm nêm, chấm nước tương, nước mắm chua ngọt thì còn rất ngon khi xào tỏi, xào thịt bò, nấu lẩu, nấu canh chua…
Vì là loại rau đồng tự nhiên, thừa hưởng hương vị ngọt ngào, tinh tế của thiên nhiên ban tặng mà loại rau mọc đồng này làm món gì cũng ngon.
Ngày nay trong nhiều nhà hàng, quán ăn nơi phố thị còn có nhiều món ngon từ đọt choại được thực khách yêu thích vì nó là một đặc sản miền Tây hấp dẫn.
Ngoài đọt choại ăn được, dây của cây cây choại cũng có công dụng hữu ích. Thân dây choại rất dài (10-20 m) rất dai và bền, chịu dược lâu trong nước nên được dùng làm dây bện đăng, nò, lộp đánh cá và dây thừng chịu mặn
Người dân vùng Đồng Tháp Mười thường vào rừng chọn những dây choại già, cắt thành đoạn tùy ý, đem về phơi khô bó lại thành bó để dành.
Những người chuyên làm nghề cá, dây choại là bạn đồng hành của họ khi cần để bện nom, lợp, đăng, đó…
Dây choại còn dùng để làm nuộc lạt lợp nhà, buộc lại cái kèo, đòn tay trong căn nhà đơn sơ của người đi khai hoang ngày trước.
Khoảng 15 năm trở về trước, ở quê tôi người dân vẫn kiếm thêm thu nhập nhờ việc đi bứt dây choại về phơi khô bán.
Hồi đó tôi chừng 10-11 tuổi, cũng nghịch ngợm chạy theo chân cha vào những cánh rừng tràm, những đồng choại mọc hoang đi bứt dây choại. Hồi ấy, những cánh đồng rau choại còn hoang sơ, chưa được khai phá, nên có lần cha và mấy anh em tôi gặp trúng tổ ong, bị đánh cho mấy mủi, về sưng húp mặt.
Sau này có lẽ vì có quá nhiều những sản phẩm thay thế hiện đại, tiện lợi, chẳng tốn công như dây choại mà nghề bứt dây choại đã không còn nữa.
Cũng lâu lắm rồi, nhà tôi không dùng dây choại, không nhìn thấy những sợi dây choại già dẻo dai – vì những cánh đồng rau choại mọc đồng hoang cũng không còn nữa.
Theo thời gian, từ một loại rau mọc hoang dại, đọt choại ngày nay trở thành đặc sản nổi tiếng ở miền Tây.
Đọt choại-rau chạy-một loại rau dại mọc hoang giờ trở thành loại rau ngon, rau đặc sản, rau đồng sạch được người dân thành phố săn tìm. Và ngày nay những cánh đồng đọt choại tự nhiên cũng ít đi nhiều, thay vào đó là những mảnh ruộng, vườn cây được người dân khai khẩn canh tác…
Vậy nên rau đọt choại dần trở thành miền ký ức thương nhớ của mỗi người dân miền Tây mỗi khi bắt gặp, hay được dịp về quê thưởng thức.