Theo ghi nhận của PV Dân Việt, giá vàng hôm nay tại thị trường trong nước và thế giới khiến nhà đầu tư "choáng váng" với đà tăng phi mã và liên tiếp thiết lập đỉnh mới.
Thế giới, giá vàng XAU/USD đã có một quỹ đạo tăng mạnh, lên đến đỉnh điểm là thử nghiệm mức cao nhất mọi thời đại mới là 2.135 USD/ounce. Tuần trước, giao dịch đóng cửa ở mức khoảng 2.053 USD/ounce sau khi kiểm tra mức kháng cự 2.070 USD/ounce trong cùng phiên giao dịch. Vàng hiện vẫn đang giao dịch quanh mốc 2.053 USD/ounce tại thời điểm khảo sát (7h15 sáng 26/12 giờ Việt Nam).
Tại thị trường trong nước, giá vàng SJC sáng nay (9h sáng 26/12 giờ Việt Nam) đang được niêm yết tiệm cận 79 triệu đồng/lượng. Cụ thể, giá vàng mua/bán hiện ở quanh mức 77,7 triệu đồng/lượng và 78,7 triệu đồng/lượng - cao chưa từng có trong lịch sử.
Chia sẻ với PV Dân Việt, TS Lê Xuân Nghĩa - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, giá vàng thế giới tăng theo đà giảm giá của đồng USD.
Quan sát thị trường trong thời gian qua cho thấy, đồng USD đã giảm và chạm mức thấp nhất trong gần 5 tháng, sau khi dữ liệu mới công bố cho thấy lạm phát ở Mỹ tiếp tục hạ nhiệt, ủng hộ quan điểm rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể cắt giảm lãi suất từ quý II/2024 và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng đang giảm.
Tính đến thời điểm hiện tại, USD-Index - chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - đã giảm khoảng 2% trong năm nay, hiện ở mức 101,42 - thấp nhất kể từ cuối tháng 7. Đó là lý do cơ bản nhất thúc đẩy giá vàng tăng ở thời điểm hiện tại.
Ngoài ra còn một số lý do đó là, nhà đầu tư cảm thấy bất ổn địa chính trị có vẻ như càng ngày càng nhiều như Ukraine, Trung Đông và có khi còn có cả biển Đông; các kênh để đầu tư đều có rủi ro,...
Tại thị trường trong nước, ngoài nguyên nhân giá vàng tăng theo giá vàng thế giới, nội tại Việt Nam cũng có những nguyên nhân thúc đẩy giá vàng đi lên chóng mặt. Trong đó, có những nguyên nhân "chưa từng được nhắc đến".
TS Lê Xuân Nghĩa nêu rõ: Việc thanh khoản của nền kinh tế rất kém, đồng nghĩa với việc lòng tin của hệ thống tài chính đang ở mức rất thấp. Hay nói cách khác, những người có tiền không dám cho doanh nghiệp vay, ngân hàng không dám cho doanh nghiệp vay và các doanh nghiệp cũng không dám đi vay.
"Các doanh nghiệp không có đầu ra thì không biết vay để làm gì?. Các ngân hàng thấy rằng các doanh nghiệp đầu ra bấp bênh cũng không dám cho vay, nhất là các doanh nghiệp Việt Nam không báo cáo được phác thải khí nhà kính theo yêu cầu của Châu Âu (5 mặt hàng phải báo cáo đầu năm 2024 này và báo cáo vào đầu năm 2026 đối với tất cả các mặt hàng)", ông Nghĩa phân tích.
Trong bối cảnh lòng tin của thị trường đang suy giảm khá mạnh, câu hỏi đặt ra là có tiền làm gì, đầu tư vào đâu? Gửi tiết kiệm và mua vàng là 2 kênh đầu tư được lựa chọn khi thị trường trái phiếu và bất động sản "đóng băng". Tuy nhiên, lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp, nên kênh đầu tư vào vàng trở nên hấp dẫn, theo TS.
"Tình trạng "suy kiệt" tín dụng của nền kinh tế, tức là các ngân hàng "đóng băng" tín dụng không dám cho vay, doanh nghiệp không muốn vay - tạo ra khả năng biến vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn và dài hạn", TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Đề cập tới vấn đề chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, vị chuyên gia này chỉ ra rằng, khoảng cách chênh lệch được nới rộng lên trên trên 18 triệu đồng/lượng nếu so sách với vàng miếng SJC (vàng miếng Ngân hàng Nhà nước độc quyền). Nếu tính giá vàng thế giới quy đổi so với giá vàng nhẫn của các thương hiệu trên thị trường thì mức chênh lệch này cũng không quá đáng kể.
"Rõ ràng, chênh lệch lớn ở đây không phải là do giá đi theo chất lượng, mà thực chất là vì nhãn hiệu độc quyền. Vì người dân dự trữ vàng lâu dài, tâm lý chung là muốn có một cái nhãn hiệu có uy tín để khi bán ra dễ dàng. Dẫn tới chênh lệch phi lý như vậy", ông Nghĩa nói.
Ông cho rằng, chênh lệch như vậy là "không nên" bởi điều đó sẽ tạo ra áp lực buôn lậu vàng qua biên giới. Như dự đoán của Hội đồng vàng thế giới, khối lượng vàng buôn lậu qua biên giới của Việt Nam có khi lên tới 5- 6 tấn/năm (khoảng trên 3 tỷ USD).
Do đó, theo TS Lê Xuân Nghĩa nên bỏ cơ chế độc quyền vàng như hiện nay. Ông phân tích: Trong những năm 2011 – 2012, giá vàng tăng hàng chục lần/ngày, chúng ta buộc phải đưa ra độc quyền vàng theo Nghị định 24. Tuy nhiên, thời điểm đó do kinh tế vĩ mô rối loạn, lạm phát lên tới 17% – 18%. Thời điểm hiện nay, tình hình đã khác và quan trọng nhất là kinh tế vĩ mô ổn định cả chục năm nay, nên việc độc quyền của Ngân hàng Nhà nước là không cần thiết. Nhiều chuyên gia cũng kiến nghị nên bỏ độc quyền và quản lý dưới dạng mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Còn về lâu dài, cần hình thành sàn giao dịch vàng chuẩn để liên thông với thị trường thế giới.
Dự báo về giá vàng trong thời gian tới, ông cho rằng, nếu Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện cắt giảm lãi suất theo như kỳ vọng hiện nay của thị trường thì đồng USD sẽ tiếp tục mất giá và giới phân tích dự báo USD-Index có thể về dưới 100 trong năm 2024. Giá vàng sẽ hưởng lợi, có thể lên tới 2.100 USD/ounce – 2.200 USD/ounce, thậm chí có những dự báo lên tới 2.800 USD/ounce (dài hạn). Khi đó, Khi đó, giá vàng SJC trong nước có thể lên tới 80 triệu đồng – 85 triệu đồng/lượng.