Trong bối cảnh thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, nhu cầu bố trí dân cư lớn đang đặt ra nhiều thách thức, nhất là về chính sách, nguồn lực, đất đai… để triển khai thực hiện. Thực tế là để bố trí dân cư vùng thiên tai thì nguồn kinh phí được xem là yếu tố quan trọng nhất. Bởi, việc xây dựng dự án bố trí dân cư tập trung đòi hỏi nguồn kinh phí khá lớn.
Nhờ người giúp công để làm nhà
Tháng 5/2022, trận mưa lớn kéo dài đã khiến đất đá sạt lở xuống khu vực các hộ dân đang sinh sống tại bản Lốc, xã Trung Tiến, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ngôi nhà sàn của ông Vi Văn Luyến nằm bên cạnh khu vực sạt lở cũng bị ảnh hưởng. Để đảm bảo an toàn, trong đêm tối ông đã phải bế mẹ già, tuổi cao cùng gia đình di dời đến nhà hàng xóm ở nơi an toàn để lánh nạn.
Sau lần sạt lở đất ấy, chính quyền địa phương cùng anh em trong nhà xúm vào giúp đỡ, vận động gia đình ông sớm di dời đến nơi ở mới, an toàn. Cùng với số tiền tích góp trong nhiều năm, ông vay mượn hơn 200 triệu đồng để xây nhà mới, khang trang, rộng rãi trên một khu đất cách nhà cũ khoảng 1km.
Theo ông Luyến, nhà ông có 4 người. Khi chuyển lên nơi ở mới, cuộc sống gia đình đã ổn định, không phải lo lắng vì sạt lở đất nữa. Tuy nhiên, do gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên ông mong muốn sớm được các cấp chính quyền hỗ trợ số tiền di dời nhà cửa để ông trả hết số nợ vay.
Ông Mạc Văn Tới - Chủ tịch UBND xã Trung Tiến, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết, khu vực bản Lốc hiện có 33 hộ nằm trong nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão. "Hiện nay đối với nguy cơ cao đã có 3 hộ, chúng tôi đã tổ chức cho bà con xen ghép vào các vị trí an toàn, về các nơi đảm bảo an toàn để sống, còn 30 hộ nằm trong nhóm nguy cơ cao" – ông Tới thông tin.
Khu tái định cư cho 34 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở ven sông Nậm Nơn nằm ngay phía sau trụ sở Ủy ban nhân dân xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Đến nay, đã có khoảng 20 hộ dân di dời từ nơi sạt lở về xây dựng nhà cửa để sớm ổn định cuộc sống. Do điều kiện kinh tế khó khăn, đa số các hộ dân tại nơi đây đều giúp công, giúp sức để xây dựng nhà cửa cho nhau.
"Họ đến giúp mình, mình không có tiền trả thì họ làm nhà, mình biết làm thì đi làm cho họ, còn họ nhờ được người nào đến giúp thì nhờ, những nhà nào có tiền thì nhờ vài ba người họ về trả tiền công cho. Ở đây, họ đến giúp mình thì mình đi giúp mình không, thì mình giúp họ không, con như không trả tiền công, tự làm hết" – ông Lương Ngọc Chai, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An chia sẻ.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Thanh Hóa, các hộ dân đang sinh sống tại các khu vực có nguy cơ cao ảnh hưởng thiên tai cơ bản có điều kiện sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao (chiếm khoảng 41,24%). Do đó, trong quá trình thực hiện, UBND cấp xã, huyện, các tổ chức tín dụng trên địa bàn cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình được tiếp cận vay vốn để xây dựng nhà, phục vụ sản xuất, sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.
Bà Hà Thị Nga – Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến nay huyện Quan Hóa đã bố trí, sắp xếp được 2 khu tái định cư cho 73 hộ dân sinh sống ổn định tại khu tái định cư mới và bố trí tái định cư xen ghép cho 38 hộ ổn định xen ghép tại địa bàn để ổn định gia đình tránh cái sạt lở đất và lũ ống, lũ quét.
Theo bà Nga, hiện nay tỷ suất đầu tư cho 1 hộ tái định cư còn thấp. Vì thế, bà đề xuất tỉnh Thanh Hóa và Trung ương xem xét tăng tỷ suất đầu tư cho các hộ tái định cư lên mức cao hơn để đáp ứng được nhu cầu đầu tư và mong muốn của người dân. "Hiện do mức tỷ suất đầu tư đang còn thấp, chỉ mới đáp ứng được việc giải phóng mặt bằng, còn hệ thống đường giao thông chưa đáp ứng được" – bà Nga cho biết.
Ưu tiên bố trí nguồn lực để bố trí dân cư
Thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo QĐ số 590/QĐ-TTg của TTCP và Đề án sắp xếp dân cư vùng nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa cần thực hiện bố trí tái định cư xen ghép cho 1.122 hộ; tái định cư tập trung, tái dịnh cư liền kề cho 1.724 hộ. Trọng tâm là trong thời gian ngắn nhất bố trí đủ nguồn lực, quỹ đất để thực hiện tái định cư, hướng đến ổn định, cải thiện đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
"Nguồn lực của tỉnh thì còn hạn hẹp, đặc biệt là đối với những vùng này cần phải triển khai ngay để đưa các hộ ổn định, đến nơi ở mới an toàn và một số các hộ cần ổn định tại chỗ" – ông Lê Bá Lương – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa thông tin và mong muốn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hướng dẫn địa phương trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 590/QĐ-TTg, nhất là hỗ trợ cho Thanh Hóa thêm các nguồn lực để triển khai thực hiện đề án bố trí dân cư trên vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Hiện tại, UBND tỉnh Thanh Hóa và các sở, ngành liên quan đã quyết định chủ trương đầu tư 17 khu tái định cư, trong đó có 6 khu tái định cư tập trung, 11 khu tái định cư liền kề để sắp xếp ổn định cho 556 hộ dân. Nhiều khu tái định cư khác cũng đang được Sở NNPTNT tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố rà soát, hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
Tại Nghệ An, ông Lê Văn Lương – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết, giai đoạn 2021-2025 mặc dù nguồn ngân sách khó khăn nhưng tỉnh Nghệ An đã dành trên 100 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ một số dự án di dân tập trung. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Nghệ An cần bố trí ổn định cho khoảng 5.000 hộ; mục tiêu từ năm 2021 đến năm 2030 sẽ bố trí ổn định cho 8.000 hộ.
Theo ông Lương, tùy theo tình hình cụ thể hàng năm, tỉnh Nghệ An cũng cân đối các nguồn ngân sách khác để hỗ trợ các địa phương hoàn thành các dự án bố trí dân cư. "Điển hình như năm 2022, trận lũ quét rất lớn đã xảy ra trên địa bàn xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã trích 30 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách của tỉnh để hỗ trợ huyện Kỳ Sơn xây dựng dự án bố trí dân cư tập trung" – ông Lương nói
Ngoài ra, tỉnh Nghệ An còn lồng ghép các nguồn vốn xã hội hóa thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đóng góp để hỗ trợ huyện Kỳ Sơn hoàn thành các dự án bố trí dân cư cho xã Tà Cạ.
Được sự quan tâm chỉ đạo từ các Bộ, ngành Trung ương, sự chủ động, tích cực triển khai tổ chức thực hiện bố trí dân cư tại các địa phương, đặc biệt là huy động các nguồn lực để bố trí dân cư ra khỏi địa bàn có nguy cơ cao về thiên tai sẽ góp phần ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.