Từ những năm 2010, mô hình nuôi sò huyết đã bắt đầu xuất hiện rải rác ở một số xã thuộc các huyện: Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Cái Nước, Ðầm Dơi.
Người dân thả nuôi trong vuông tôm hoặc tận dụng diện tích mặt nước các con kênh, rạch, nhiều phù sa để bao ví nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế khá, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Anh Nguyễn Văn Thơ (thứ 3 từ phải sang, người cười), ấp Cái Keo, xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau phấn khởi khi nuôi thử nghiệm 1 triệu con sò cám, ươm 3 giai đoạn trên diện tích 24 công và đã thành công sau 10 tháng nuôi. Dự kiến thu trên 2 tấn sò huyết thương phẩm, trừ chi phí dự kiến lãi khoảng 200 triệu đồng.
Ông Trương Việt Bắc, ấp Tấn Ngọc Ðông, xã Ngọc Chánh, huyện Ðầm Dơi, (tỉnh Cà Mau) cho biết: "Tôi nuôi sò huyết trong vuông tôm hơn 3 năm nay.
Ðầu năm 2022, tôi thả nuôi 300 ký sò giống, nuôi lan ra vuông tôm, tổng diện tích trên 4 ha, cuối năm 2022 thu lãi khoảng 100 triệu đồng, tiếp tục thu hoạch cho đến nay. Hiện nay sò huyết thương phẩm giá thấp hơn so mọi năm, dao động 80-110 ngàn đồng/kg, giảm 20-30 ngàn đồng/kg so mọi năm. Nếu sò huyết giá ổn định thì người nuôi có lợi nhuận cao".
Anh Nguyễn Văn Thơ, ấp Cái Keo, xã Quách Phẩm, huyện Ðầm Dơi, rất phấn khởi khi gia đình nuôi thử nghiệm vụ sò huyết đầu tiên cho thu nhập đáng kể.
Anh nuôi thử nghiệm 1 triệu con sò cám, ương 3 giai đoạn trên diện tích 24 công. Cuối tháng 9 vừa qua, anh bắt đầu thu tỉa sò huyết lớn, dự kiến đạt trên 2 tấn, trừ chi phí dự kiến lãi khoảng 200 triệu đồng.
Hiện nay, một số hộ dân trên địa bàn các huyện: Cái Nước, Ðầm Dơi, Năm Căn của tỉnh Cà Mau ương dèo sò giống tại địa phương, để sò giống thích nghi điều kiện nguồn nước, môi trường và bán giống cho bà con, giúp nuôi đạt hiệu quả. (Ảnh chụp tại ấp Bào Hầm, xã Quách Phẩm, huyện Ðầm Dơi).
Bên cạnh thuận lợi về điều kiện tự nhiên, kỹ thuật nuôi nông dân tích luỹ được, theo đánh giá của ngành chức năng và người dân trực tiếp thực hiện, nuôi sò huyết vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định.
Theo đó, con giống chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng; chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh; về tổ chức sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa xây dựng vùng nuôi quy mô lớn, tập trung; giá sản phẩm đầu ra chưa ổn định; sản phẩm chủ yếu là tươi sống, chưa qua chế biến; thị trường đầu ra sản phẩm còn nhỏ hẹp, chủ yếu là xuất khẩu theo đường tiểu ngạch; việc tiếp cận vốn còn gặp khó khăn.
Anh Võ Công Danh, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) nuôi sò Tiến Phát (ấp Mỹ Ðiền, xã Ðông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), cho biết, THT sò huyết Tiến Phát, thành lập năm 2008, với 9 thành viên. THT duy trì hoạt động hiệu quả trong nhiều năm liền.
Tuy nhiên, điều mà các thành viên lo lắng nhất hiện nay là giá sò thương phẩm không ổn định, nguồn giống tại chỗ chưa đáp ứng được nhu cầu, môi trường nước ngày càng ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi. Cùng với đó, vẫn chưa đa dạng được sản phẩm từ con sò huyết, để góp phần nâng cao giá trị con sò.
"Ðể tạo ra nguồn giống tại chỗ, phù hợp với nguồn nước, thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên tại địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả nuôi, THT đang tính đến việc phối hợp các ngành có liên quan, chuyển giao kỹ thuật ương giống, sản xuất giống, cung cấp giống tại địa phương, giúp bà con giảm chi phí, kiểm soát được đầu vào con giống, đạt tỷ lệ sống cao, nâng cao năng suất sò thương phẩm", anh Danh cho biết.
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết, thời gian qua, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp khẩn trương xây dựng đề án phát triển sản phẩm sò huyết trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2030.
Ðề án đã được phê duyệt, Sở NN&PTNT tổ chức hội thảo, lắng nghe ý kiến chia sẻ của người dân, đại diện các THT, hợp tác xã nuôi sò thương phẩm trên địa bàn tỉnh và doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc, chia sẻ những kinh nghiệm hay và đề xuất kiến nghị. Từ đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, hướng tới khai thác hiệu quả, hợp lý tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy mô hình nuôi sò huyết phát triển ổn định và bền vững.