Dân Việt

Thủ tướng đối thoại với nông dân: Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã đồng loạt vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho nông dân

Nguyễn Tố 29/12/2023 15:57 GMT+7
Ngay sau chỉ đạo kết luận, giao nhiệm vụ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân, phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Theo đó, những kết quả đạt được sau Hội nghị rất khả quan, là cơ sở để nông dân tiếp tục vững tin vào chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước. Chúng tôi xin được điểm lại những kết quả chính sau đây: 

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố tổ chức đối thoại với nông dân

Thứ nhất, thông qua Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, niềm tin của nông dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, nâng cao; cán bộ, hội viên, nông dân vui mừng, phấn khởi được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp gặp gỡ, đối thoại và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân, phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; tạo nên một khí thế thi đua sôi nổi, sâu rộng, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần, ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Thực hiện kết quả Hội nghị đối thoại 2022: Nhiều Bộ, ngành, địa phương đồng loạt vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho nông dân - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành điều hành Hội nghị đối thoại năm 2022.

Thứ hai, thực hiện kết luận của Thủ tướng, có 11/11 bộ, ngành, cơ quan trung ương đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện, nguồn lực, môi trường thuận lợi, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ nông dân sản xuất kinh doanh, phục hồi và thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, như:

Chính sách hỗ trợ về chuyển đổi mô hình sản xuất, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ xuất khẩu nông sản; phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn thực phẩm, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề cho nông dân, phát triển đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp, đào tạo nghề nông thôn đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn;

Kiểm soát giá, bình ổn giá, xúc tiến thương mại, quảng bá, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản; Tăng cường đào tạo nghề, kỹ năng nghề cho nông dân và lao động nông thôn;

Sửa Luật Đất đai phù hợp với tình hình mới, định giá đất, ngăn chặn tình trạng "sốt đất"; xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn; Sửa Luật Hợp tác xã, phát triển vùng nguyên liệu, khuyến khích nông dân khởi nghiệp, phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân;

Hạn chế việc khiếu kiện đông người về đất đai, phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động "tín dụng đen"; Khuyến khích các hoạt động tín dụng, ngân hàng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Đề xuất sửa, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, bố trí ngân sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, khởi nghiệp trong ngành, lĩnh vực nông nghiệp;

Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; Hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thực hiện kết quả Hội nghị đối thoại 2022: Nhiều Bộ, ngành, địa phương đồng loạt vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho nông dân - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Dương Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Văn Thi chủ trì hội nghị. Ảnh: Cổng TTDVHCC Bắc Giang

Thứ ba, đã có 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố với nông dân địa phương góp phần kịp thời nắm bắt, giải quyết những vướng mắc, bức xúc của người dân; tăng cường trách nhiệm trực tiếp của cấp uỷ Đảng, chính quyền với người dân; người đứng đầu địa phương thấu hiểu hơn lòng dân; tạo niềm tin của dân với Đảng, chính quyền.

Thứ tư, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố đã quan tâm bố trí ngân sách bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp; nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân duy trì mức tăng trên 10%/năm; việc sử dụng Quỹ ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn.

Thứ năm, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành và địa phương đã quan tâm, chủ động, tích cực phối hợp hiệu quả hơn với Hội Nông dân Việt Nam trong việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn; phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, đề xuất bố trí nguồn lực nhiều hơn trong thực hiện các chính sách, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ sáu, với hệ thống chính sách, cơ chế đồng bộ, kịp thời của nhà nước đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện để nông dân đóng góp lớn vào sự thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tích cực tham gia và có những đóng góp quan trọng vào cơ cấu lại nông nghiệp, phát huy tốt hơn vai trò trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, tham gia hợp tác, liên kết theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần phát triển nông nghiệp toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn.

Thứ bảy, thông qua các cấp Hội, nông dân đã có những ý kiến thể hiện sự tâm huyết, thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm cao với Đảng, Nhà nước; phát huy trách nhiệm, trực tiếp phản ánh, kiến nghị với đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong các đợt tiếp xúc cử tri, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, tích cực tham gia phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; kịp thời phản ánh với cấp uỷ, chính quyền những vấn đề dân sinh bức xúc và nguyện vọng chính đáng; tạo sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nông dân, củng cố, nâng cao niềm tin của nông dân với Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

5 đề xuất, kiến nghị gửi Thủ tướng

Mặc dù những kết quả đạt được rất đáng khích lệ, nhưng đến nay vẫn còn một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố với nông dân địa phương, do vậy vẫn còn những khó khăn, kiến nghị liên quan đến người dân ở địa phương, cơ sở chưa được kịp thời giải quyết.

Thực hiện kết quả Hội nghị đối thoại 2022: Nhiều Bộ, ngành, địa phương đồng loạt vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho nông dân - Ảnh 3.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã đóng góp tich cực vào thành tựu phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Vấn đề tiêu thụ và xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn; quy mô sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn nhỏ, lẻ, sản xuất thô, thiếu bền vững. Mối liên kết giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học còn hạn chế. Nghịch lý "được mùa rớt giá" thường xuyên lặp lại. Việc ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp, nông thôn gặp nhiều khó khăn, nhất là nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

Cơ chế, thể chế chính sách, pháp luật về đất đai, tín dụng, về bảo vệ môi trường, về ứng dụng khoa học, kỹ thuật, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp… còn nhiều bất cập.

Giá vật tư nông nghiệp không ổn định, luôn ở mức cao, lao động nông thôn có xu hướng già hóa, thiếu việc làm ổn định, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. An sinh xã hội, hệ thống bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nông nghiệp đối với nông dân chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến khả năng đối phó với rủi ro còn hạn chế; cơ hội tiếp cận nguồn lực, dịch vụ công, điều kiện để phát triển còn nhiều khó khăn, nhất là nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.

Do đó, để tiếp tục hỗ trợ nông dân, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, trân trọng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực đầu tư, hỗ trợ nông dân, nông nghiệp, nông thôn như sau:

Một là, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm và tạo điều kiện về cơ chế, nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân các cấp và đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nghề cho nông dân và hội viên nông dân. Giao Hội Nông dân Việt Nam chủ trì thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh,thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách nhằm tăng nguồn vốn cho Quỹ Hỗ trợ Nông dân theo Nghị định 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Thực hiện kết quả Hội nghị đối thoại 2022: Nhiều Bộ, ngành, địa phương đồng loạt vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho nông dân - Ảnh 4.

Các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở An Giang đã tích cực đưa cơ giới hoá, sử dụng máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lư Thuỳ

Ba là, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Đặc biệt quan tâm đầu tư hạ tầng số, công nghệ số và các điều kiện chuyển đổi số cho thành phần kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác); Có chương trình quảng bá, tiêu thụ nông sản, xây dựng hạ tầng "app" cho hội viên nông dân tương tác, tiếp cận thị trường nhanh chóng, chính xác và tin cậy.

Bốn là, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm có Quyết định bàn hành Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia làm kinh tế tập thể". Trên cơ sở đó, thúc đẩy nhiều hơn nữa các hợp tác xã, tổ hợp tác mới do Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập được thành lập. Việc ban hành Đề án này cũng nhằm đẩy mạnh hơn nữa và phát huy hiệu quả các mô hình hợp tác, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hướng phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao gắn với áp dụng các quy trình kỹ thuật chuẩn và mã vùng…

Năm là, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp, cơ chế chính sách nhằm phát triển mạnh công nghiệp (trong đó có công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản), dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế nông thôn với cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ hợp lý; đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới lưu thông, bảo quản, chế biến, logistics, thương mại điện tử ở nông thôn; đầu tư phát triển cụm công nghiệp, làng nghề; thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…