Mặc dù rất bận với công việc của HTX, đặc biệt trong những ngày tháng cuối năm, nhưng trong 3 ngày diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, chị Lâm Thị Kim Thoa rất quan tâm theo dõi qua các kênh thông tin, hầu như không bỏ hoạt động nào của Đại hội.
Chị Thoa chia sẻ, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII đã kết thúc thành công tốt đẹp. Tại Đại hội lần này, các đại biểu tham dự đều là những nông dân tiêu biểu trên toàn quốc, vinh dự và tự hào đại diện cho giai cấp nông dân Việt Nam. Các đại biểu đã được giao lưu, học hỏi với các Nông dân tỷ phú, Nông dân khoa học... trên nhiều lĩnh vực ngành nghề. Từ đó thấy rằng, lực lượng nông dân luôn là lực lượng kiên cường, bản lĩnh trước mọi thử thách, khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp. Dù gian khó, lực lượng nông dân vẫn quyết tâm bám đồng, bám xưởng,... không lùi bước, giữ vững niềm tin vào sự phát triển của đất nước.
"Tại Đại hội VIII, chúng tôi đã được thấy rất rõ sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Nhà nước đến sự phát triển của lực lượng nông dân. Sự tham dự và chỉ đạo của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội tại Đại hội minh chứng rõ nhất cho điều này và cũng đồng thời là niềm động viên to lớn đối với giai cấp nông dân. Đây cũng là động lực để giai cấp nông dân thấy rõ trách nhiệm to lớn của mình với đất nước, với xã hội. Trong mỗi bước trưởng thành của giai cấp nông dân luôn luôn có sự đồng hành, ủng hộ của cả hệ thống chính trị" - chị Thoa phấn khởi nói.
Xúc động chia sẻ với PV Dân Việt, nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 đến từ tỉnh Yên Bái bày tỏ: "Tôi đặc biệt xúc động trước bài phát biểu của Tổng Bí thư, nhất là câu 'Nông dân là lực lượng cốt lõi trên mặt trận kinh tế nông nghiệp'. Từng lời, từng câu của Tổng Bí thư giúp chúng tôi thấm nhuần hơn nhiệm vụ không hề nhỏ của mình trước thách thức, thuận lợi và thời cơ. Tổng Bí thư đã chỉ ra tầm quan trọng của nông dân đối với sự phát triển kinh tế thời 4.0 để tiến kịp với thế giới hiện đại – văn Minh – hội nhập".
Chị Lâm Thị Kim Thoa là người dân tộc Kinh, quê gốc Hải Phòng, song chị Thoa đã có hơn 30 năm sinh sống, làm việc trên mảnh đất “bốn mùa mây phủ” - Suối Giàng, nổi tiếng với cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Từng làm kế toán cho Công ty Thương nghiệp Yên Bái, được phân công lên Suối Giàng công tác, chị Thoa đã chứng kiến những nốt thăng – trầm của “đời chè”. Ăn chè, ngủ chè và ngậm đắng khi chè cổ thụ Suối Giàng khốn khó, mất giá trị trên thị trường, đồng bào Mông Suối Giàng mất đi nguồn thu nhập. Trăn trở với chè, chị Thoa đã vận động mọi người thành lập HTX Chè Suối Giàng vào năm 2007 và chính thức hoạt động vào năm 2008.
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 kết thúc, chị Thoa mong muốn các cấp ủy Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa đến sự phát triển của nông thôn miền núi, vùng sâu vùng vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... Bên cạnh đó, quan tâm hơn nữa đến sự phát triển của các lĩnh vực như: Du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
"Ở các mô hình này, nông dân là nòng cốt xuyên suốt các chuỗi dịch vụ cung ứng, khách hàng tham gia trải nghiệm là trọng tâm. Từ đó, các dịch vụ, sản phẩm nông nghiệp sẽ được nhân lên giá trị và lợi ích kép về bản sắc văn hóa, về thu nhập cho người nông dân. Những sản phẩm đặc sản quý giá như: Trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng, gạo nếp Tú lệ, mật ong Mù Cang Chải,... sẽ được bảo tồn, được sử dụng và được trân quý" - chị Thoa nói.