Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu thị trường
Tỉnh Cà Mau chủ trương đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu thị trường, tạo sinh kế bền vững cho lao động sau học nghề. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề, tỉnh từng bước đổi mới việc mở các lớp dạy, truyền nghề một cách chọn lọc; những nghề thế mạnh, có khả năng phát triển ở từng địa phương. Đặc biệt, tỉnh quan tâm đào tạo những nghề mà lực lượng lao động nông thôn ở địa phương đã quen thuộc, nhưng sản xuất theo phương pháp thủ công hoặc chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Bên cạnh đó, để làm tốt công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, Sở Lao động, thương binh và xã hội phối hợp với từng địa phương để chủ động nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân, nhằm lựa chọn ngành nghề và tổ chức đào tạo phù hợp.
Xác định nhiệm vụ đào tạo nghề, giải quyết việc làm có vai trò lớn nhằm góp phần giúp lao động nông thôn có việc làm ổn định, tăng thu nhập, tỉnh không chỉ hỗ trợ chi phí khi tham gia lớp đào tạo, mà còn giúp người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng sản xuất. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm truyền thống, như sản xuất các loại cá khô, tôm khô, làm chuối ép, mắm ba khía…
Để thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Cái Nước đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp. Hàng năm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện đều có chương trình, kế hoạch đào tạo nghề, phối hợp, liên kết đào tạo lao động với các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh và tổ chức trên 20 lớp dạy nghề cho trên 800 lao động.
Trong đó, địa phương chú trọng đào tạo ở các ngành nghề phù hợp với tình hình ở huyện như: Nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trồng màu, sửa xe, may dân dụng, nữ công gia chánh… Trong năm 2023, toàn tỉnh có hơn 23.000 lao động tại nông thôn tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng.
Anh Nguyễn Thanh Sang ở xã Đông Thới, huyện Cái Nước, cho biết: "Mấy năm trước, tôi được huyện tạo điều kiện tham gia lớp học nghề sửa xe. Sau khi kết thúc khóa học, tôi mở một tiệm sửa xe tại nhà, các kiến thức được học đều được tôi áp dụng hiệu quả vào công việc. Nhờ tham gia lớp học nghề mà kinh tế gia đình tôi từng bước được cải thiện, tôi không phải rời khỏi quê để đi làm ăn xa".
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với nhiều lớp tuy gói gọn trong khoảng thời gian ngắn, nhưng đảm bảo đầy đủ các kiến thức và kỹ năng cơ bản, đáp ứng nhu cầu tình hình thực tế để học viên nắm bắt và phát huy sau khi kết thúc khóa học.
Hỗ trợ lao động mất việc sau dịch
Thời gian gần đây, trong bối cảnh nhiều người lao động trong tỉnh bị ảnh hưởng ngừng việc, mất việc làm sau đại dịch Covid-19, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ. Trong đó, chú trọng việc phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối người lao động và doanh nghiệp thông qua các phiên giao dịch việc làm, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tìm kiếm được cơ hội việc làm trong và ngoài nước. Nhờ đó đã góp phần giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, ổn định đời sống cho người lao động.
Song song đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Lao động, thương binh và xã hội chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan, các địa phương chủ động rà soát, nắm tình hình, nhu cầu của những lao động mất việc trở về địa phương. Hướng đến mục tiêu kịp thời triển khai có hiệu quả các giải pháp, hỗ trợ kết nối cung – cầu lao động, giới thiệu việc làm phù hợp với người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm.
Theo Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Cà Mau, qua rà soát, các nhóm lao động cần việc là lao động mất việc làm sau dịch Covid-19 trở về địa phương, nhóm bộ đội xuất ngũ, lao động đang hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm và mời các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia tuyển dụng người lao động, tạo điều kiện cho người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp.
Ngoài những phiên giao dịch việc làm lớn được tổ chức tại TP Cà Mau thì trung tâm còn tổ chức những phiên giao dịch việc làm nhỏ lẻ tại các ấp, các xã. Đây là cơ hội để người lao động trực tiếp gặp được doanh nghiệp và được tư vấn tìm việc ngay tại chỗ.
Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thị trường lao động trong và ngoài tỉnh dần phục hồi và có nhiều tín hiệu khả quan. Để tạo cơ hội cho người lao động tìm được việc làm phù hợp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã mời các doanh nghiệp, trong đó, có 3 doanh nghiệp tuyển dụng lao động ở các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…để hướng dẫn, tư vấn người lao động về nhu cầu tuyển dụng.
Theo kế hoạch năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ tổ chức khoảng 24 phiên giao dịch việc làm tại trung tâm với quy mô từ 100 - 500 lao động và 50 phiên giao dịch việc làm nhỏ tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, trung tâm còn phối hợp tổ chức 6 phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết hợp với các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh khu vực phía Nam, đặc biệt là các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai…là các địa phương có nhu cầu tuyển dụng lớn để tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận để tìm kiếm công việc phù hợp. Thời gian qua, trung tâm đã triển khai các thông tin về nhu cầu tuyển dụng của các trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội của trung tâm để người lao động nắm được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Về phương hướng thời gian tới, theo ông Nguyễn Quốc Thanh – Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Cà Mau, tỉnh chú trọng phát triển hệ thống mạng lưới giáo dục nghề nghiệp trên địa theo hướng đồng bộ, tập trung, tinh gọn, cơ cấu hợp lý cả về trình độ và ngành nghề đào tạo. Bên cạnh đó, việc gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và thị trường lao động được quan tâm.