Quảng Nam: Điện Bàn nỗ lực đào tạo, hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Trần Hậu - Tuyết Nhung Thứ năm, ngày 28/12/2023 18:42 PM (GMT+7)
Thời gian qua, bức tranh kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững tại thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đã có nhiều khởi sắc nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động, nhằm góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn.
Bình luận 0

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian qua, thị xã Điện Bàn đã chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các cấp, các ngành tập trung triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động.

Quảng Nam: Điện Bàn nỗ lực đào tạo, hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động địa phương - Ảnh 1.

Nhờ đào tạo nghề mà người dân nông thôn ở thị xã Điện Bàn đã có việc làm, nâng cao thu nhập. Ảnh: T.H.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết: "Các cấp ủy, chính quyền thị xã Điện Bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển giáo dục nghề nghiệp, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động thông qua các hoạt động như: Ngày hội tư vấn hướng nghiệp học nghề, việc làm và xuất khẩu tại phường Điện Nam Bắc; Hội nghị tư vấn tuyển sinh và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS; Chương trình trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp tương lai năm học 2022-2023 cho các học sinh THCS.

Quảng Nam: Điện Bàn nỗ lực đào tạo, hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn. Ảnh: T.H.

Từ đó, giúp người lao động nắm được thông tin và có định hướng đúng đắn trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Đồng thời, thị xã cũng khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho lao động đi làm việc có thời hạn ở ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động; quan tâm hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật cho người dân phát triển kinh tế".

Công tác dạy nghề đã giúp lao động nông thôn tham gia các khóa học nghề hoặc tiếp cận với các ngành nghề mới, tạo thêm cơ hội có việc làm, ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.

Quảng Nam: Điện Bàn nỗ lực đào tạo, hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động địa phương - Ảnh 3.

Năm 2023, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn phối hợp với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh mở 8 lớp đào tạo nghề cho người lao động. Ảnh: T.H.

Năm 2023, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn phối hợp với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh mở 8 lớp đào tạo nghề cho 259 lao động, với tổng kinh phí đào tạo 441.080.000 đồng. Trong đó, nghề phi nông nghiệp có 7 lớp với 229 lao động; nghề nông nghiệp có 1 lớp với 30 lao động.

Quảng Nam: Điện Bàn nỗ lực đào tạo, hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động địa phương - Ảnh 4.

Mô hình trồng ổi lê Đài Loan của ông Phan Quang Tám ở thôn Nông Sơn 1, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.H.

Bà Trần Thị Trị - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã Điện Bàn cho hay: "Đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Rà soát, đề xuất bổ sung danh mục các ngành nghề đào tạo phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và nhu cầu của lao động nông thôn, chú trọng nghề phi nông nghiệp tạo cơ sở chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn thị xã. Qua đó, phần lớn các đối tượng lao động sau khi được đào tạo đều có việc làm ổn định hoặc tham gia vào phát triển sản xuất, kinh doanh đạt được nhiều kết quả".

Chú trọng giải quyết việc làm

Song song với việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp giải quyết việc làm sau học nghề như: quy hoạch sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, hỗ trợ vốn sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới về cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao chất lượng và năng suất; quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch an toàn đến người tiêu dùng; xây dựng mô hình kinh tế tập thể, liên kết chuỗi giá trị....

Quảng Nam: Điện Bàn nỗ lực đào tạo, hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động địa phương - Ảnh 5.

Được đào tạo nghề, hỗ trợ kỹ thuật, ông Nguyễn Dũng (trú khối phố Ngọc Liên, phường Điện An, thị xã Điện Bàn) mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế VAC. Ảnh: T.H.

Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền thị xã Điện Bàn cũng tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia của toàn xã hội trong thực hiện công tác giảm nghèo với nhiều giải pháp thiết thực.

Qua đó, tạo điều kiện cho người dân vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thị xã cuối năm 2023 xuống còn 0,68%; hộ cận nghèo là 0,86%.

Quảng Nam: Điện Bàn nỗ lực đào tạo, hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động địa phương - Ảnh 6.

Mô hình kinh tế trang trại giúp ông Dũng thu lãi gần 200 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: T.H.

Quảng Nam: Điện Bàn nỗ lực đào tạo, hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động địa phương - Ảnh 7.

Sau khi hoàn thành các khóa học do Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp tổ chức, lão nông Nguyễn Dũng (trú khối phố Ngọc Liên, phường Điện An, thị xã Điện Bàn) mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế VAC (vườn-ao-chuồng) trên chính mảnh đất quê hương.

Ông Dũng hào hứng nói: "Nhà tôi thuộc hộ nghèo của địa phương, bản thân tôi bị bại liệt 2 chân nên công việc không ổn định, thu nhập thấp. Khi nghe địa phương thông báo mở lớp dạy nghề cho lao động nông thôn thì tôi đăng ký tham gia, học và thực hành các kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, thú y, đan mây tre, trồng hoa cây cảnh.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, tôi trồng hoa, cây ăn trái, nuôi cá, vịt, gà, heo, bò trên diện tích hơn 1.000m2. Bên cạnh đó, tôi canh tác 1,2ha diện tích lúa để lấy phụ phẩm nông nghiệp phục vụ chăn nuôi, đồng thời tận dụng hơn 5 sào đất bỏ hoang để trồng cỏ nuôi bò. Sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi gần 200 triệu đồng mỗi năm, nhờ đó mà vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con cái ăn học tử tế".

Quảng Nam: Điện Bàn nỗ lực đào tạo, hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động địa phương - Ảnh 8.

Thông qua các lớp đào tạo nghề, nông dân thị xã Điện Bàn đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt đem lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: T.H.

Năm 2024, thị xã Điện Bàn phấn đấu đào tạo 820 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế địa phương; đồng thời hỗ trợ cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề đáp ứng cho các dự án, chương trình trọng điểm, doanh nghiệp trên địa bàn.

"Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu kế hoạch đề ra, thị xã Điện Bàn sẽ tiếp tục rà soát nhu cầu việc làm, tăng cường kết nối giữa người lao động với các doanh nghiệp, mở rộng đào tạo nghề cho đối tượng là hộ mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp, đẩy mạnh các giải pháp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...", bà Trần Thị Trị - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã Điện Bàn cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem