Là Giám đốc HTX chăn nuôi vịt biển Đông Xuyên (Tiền Hải - Thái Bình) với 58 thành viên, ông Ngô Văn Duẩn hiểu hơn ai hết tính cạnh tranh khốc liệt của thị trường, nhất là đối với những sản phẩm chất lượng cao, có uy tín. Bản thân ông Duẩn cũng như các thành viên trong HTX luôn đề cao quy trình chăn nuôi an toàn, vệ sinh môi trường, chuồng trại sạch sẽ.
Trong quá trình chăn nuôi, HTX của ông luôn sử dụng thuốc thú y và thức ăn của các công ty uy tín, đặc biệt nước uống cho vịt được lên men vi sinh đạt tiêu chuẩn an toàn hiệu quả, do vậy đàn vịt biển phát triển tốt, ít bị bệnh, cho năng suất cao. Nhờ đó, sản phẩm vịt biển của HTX cho thịt thơm ngon, nhiều nạc.
Sản phẩm vịt biển thịt của HTX được đánh giá phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAHP và các sản phẩm vịt biển thịt, trứng vịt biển Đông Xuyên được cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao. Theo thống kê của HTX, năm 2022 đơn vị đã đưa ra thị trường 180 vạn quả trứng và 7 vạn con vịt biển thương phẩm. Năm 2023 phấn đấu đưa sản phẩm trứng, vịt thịt ra thị trường, doanh thu đạt 23 tỷ đồng.
Tuy bước đầu ổn định chăn nuôi, sản xuất nhưng ông Duẩn cũng như nhiều thành viên của HTX vẫn băn khoăn cho đầu ra của các sản phẩm chất lượng. Vì thế ông rất mong chờ Thủ tướng cũng như các bộ, ngành sớm có giải pháp để hỗ trợ nông dân, HTX đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản địa phương lên sàn thương mại điện tử trong nước và các sàn thương mại điện tử nước ngoài để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ.
Ông Duẩn khẳng định: "Nếu các sản phẩm chất lượng được lên sàn, được quảng bá rộng rãi, chắc chắn sản phẩm vịt biển của chúng tôi sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa".
Cũng liên quan đến vấn đề thị trường, chị Nguyễn Thị Thảo, huyện Ia Grai, Gia Lai (Nông dân VNXS năm 2021) – người từng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích kinh doanh xuất sắc - gửi đến Thủ tướng băn khoăn: "Một số thị trường xuất khẩu trái cây, nông sản lớn (như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc…) yêu cầu trái cây, nông sản Việt Nam phải có mã số vùng trồng. Trong khi việc xây dựng mã số vùng trồng của chúng ta còn nhiều bất cập, đó là chưa kể ngay khi đã được cấp mã số vùng trồng rồi, người sản xuất trực tiếp còn phải cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu để quản lý (mùa vụ, các tác động vào vùng trồng, thu hoạch, năng suất...), trong khi kiến thức, trình độ của người sản xuất ở nhiều nơi, nhiều vùng chưa thể làm ngay được.
Do đó, tôi rất mong muốn Thủ tướng, Chính phủ sớm có chính sách, giải pháp để hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, bảo đảm các điều kiện đối với xuất khẩu nông sản thuận tiện nhất cho nông dân thực hiện".
Hiện chị Thảo đang trồng hơn 3ha cà phê, năng suất đạt 55-60 tấn quả tươi/năm. Mô hình trồng cà phê của chị đang áp dụng phương pháp canh tác theo chu trình 4C.
Không chỉ trồng cà phê giỏi, chị Thảo còn chế biến, sản xuất ra sản phẩm cà phê đặc trưng của địa phương mang tên Cà phê Thảo Hiên. Hiện, mỗi năm, cơ sở của chị Thảo sản xuất bán ra thị trường 16-20 tấn cà phê bột và khoảng 5-6 tấn hạt điều rang muối; tổng doanh thu đạt 4-5 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, chị Thảo còn góp phần giải quyết việc làm cho 8 lao động thường xuyên và 16-20 lao động mỗi vụ thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Mùi, xã Tân Liễu (Yên Dũng, Bắc Giang) hiện đang nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học với quy mô 5.000 vịt bố mẹ và 3.000 vịt hậu bị ở hai khu, tổng diện tích hơn 2ha. Trang trại nhà ông cung cấp ra thị trường 13 vạn trứng lộn/tháng, chưa kể hàng vạn trứng trắng. Ông cũng một trong những hộ được ký hợp đồng cung cấp trứng cho Công ty Samsung Việt Nam.
Chăn nuôi quy mô lớn nên điều ông Mùi trăn trở nhất chính là vấn đề vật tư sản xuất, ông cho hay: "Vật tư đầu vào luôn luôn là vấn đề nóng với nông dân chúng tôi. Trong các kỳ họp Quốc hội, các đại biểu cũng đã nhiều lần đề cập vấn đề này, nhưng sự chuyển biến từ thực tế hầu như chưa đáng kể".
Thời gian qua, giá vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi…) tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, ông Mùi rất mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chính sách, giải pháp cụ thể nào để bình ổn, hạ giá thành các vật tư đầu vào, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Quan tâm đến việc trợ giúp những hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, ông Đào Hữu Thuân, thôn Vĩnh Lại, xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng, Hải Dương) khi được hỏi đã không ngần ngại chia sẻ: "Tôi từng ăn nên làm ra, cũng từng có lúc lỗ nặng với số nợ lên tới hơn 10 tỷ đồng, bởi thế tôi rất hiểu những khó khăn, cực nhọc của nông dân, nhất là những người theo nghiệp chăn nuôi gia cầm như tôi, vất vả không đâu kể xiết".
Thế nên điều ông trăn trở nhất là: "Hiện người dân sản xuất chăn nuôi quy mô nhỏ gặp rất nhiều khó khăn, chịu nhiều sức ép của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tôi rất muốn kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng, Chính phủ có cơ chế, chính sách để hỗ trợ, bảo vệ người dân sản xuất chăn nuôi quy mô nhỏ, hướng tới phát triển bền vững, thân thiện với môi trường".