Các đại biểu rất hài lòng với câu trả lời của Thủ tướng
Ghi nhanh bên hành lang trụ sở Văn phòng Chính phủ sau khi kết thúc hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân ngày 30/12, phóng viên Báo điện tử Dân Việt cảm nhận thấy các đại biểu nông dân tham gia đối thoại với người đứng đầu Chính phủ rất phấn khởi, hài lòng về kết quả của hội nghị.
"Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân năm nay diễn ra vào ngày cuối năm, dù công việc rất bận nhưng Thủ tướng và các bộ ngành vẫn dành tình cảm, thời gian để gặp gỡ, đối thoại với bà con. Kết thúc hội nghị, các đại biểu đều rất hài lòng với các câu trả lời của Thủ tướng. Hội nghị đã thành công tốt đẹp, chúng tôi cảm thấy rất vui mừng", đại biểu Nguyễn Thị Thanh Nga - Chủ tịch Hội Nông dân phường Tương Giang, TP.Từ Sơn (Bắc Ninh) nói.
Theo đại biểu Thanh, bà đặc biệt ấn tượng với phần trả lời và chỉ đạo các ngân hàng, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho nông dân, hội viên trong tiếp cận nguồn vốn vay, Quỹ Hỗ trợ nông dân thuận lợi, đơn giản hơn.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: Người nông dân phải có hỗ trợ về tín dụng để phát triển sản xuất nên các ngân hàng cố gắng nghiên cứu các chính sách về tín dụng để hỗ trợ nông dân. Ngân hàng cần quan tâm hỗ trợ thế chấp tài sản trong tương lai. Các ngân hàng cần tăng cường hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho người nông dân ở ngay cơ sở để nông dân hiểu quy định của ngân hàng. Các ngân hàng cần nghiên cứu chính sách tiếp cận tín dụng cả tài sản thế chấp và cả tín chấp, nghiên cứu tín chấp nhiều hơn.
"Bản chất người nông dân thật thà, chân thành. Vì vậy cần linh hoạt trong tiếp cận vốn cho người nông dân. Cần tăng cường tín chấp tài sản hình thành trong tương lai cho người nông dân", Thủ tướng Chính phủ nói.
Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu công tác thẩm định, giải ngân Quỹ Hỗ trợ nông dân cần có cách tiếp cận nguồn vốn rộng rãi hơn, có những tiêu chuẩn, điều kiện thuận lợi hơn cho người nông dân, ưu tiên vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Thủ tướng còn yêu cầu các cơ quan Nhà nước phải có chính sách để người nông dân được tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn, đúng địa chỉ, đúng địa điểm và kịp thời. Các ngân hàng cần căn cứ vào đặc thù, đặc điểm của người nông dân để có tín chấp, hình thành tài sản trong tương lai để người nông dân được tiếp cận vốn thuận lợi hơn, tốt hơn.
Đối thoại rất thẳng thắn, sôi nổi
Ngay sau khi kết thúc hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, đại biểu Đinh Văn Thuận, nông dân đến từ xã Hải Đông, huyện Hải Hậu (Nam Định) đã chia sẻ ảnh chụp cá nhân và các đại biểu tham gia đối thoại với Thủ tướng với dòng trạng thái trên trang mạng xã hội cá nhân của mình: Tự hào nông dân Việt Nam.
"Tôi rất vinh dự và tự hào khi lần đầu được vào trụ sở của Văn phòng Chính phủ nơi làm việc của người đứng đầu Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu, tôi và bà con được trực tiếp đối thoại với Thủ tướng nên thấy vinh dự và tự hào", đại biểu Thuận nói với Dân Việt. Đại biểu Thuận cho rằng: Trong suốt quá trình hội nghị diễn ra, các đại biểu hỏi và Thủ tướng, các bộ ngành đều giải đáp rất thẳng thắn, cởi mở, sôi nổi.
Cũng theo đại biểu Thuận, thông qua Hội nghị đối thoại, được nghe Thủ tướng và các bộ ngành chia sẻ các thông tin về kết quả xuất khẩu nông sản, hình ảnh, vị thế của Việt Nam, của người nông dân Việt trên trường quốc tế đều ở vị trí rất cao. "Khi người đứng đầu Chính phủ đánh giá: Đó đều là đóng góp của ngành nông nghiệp, của nông dân Việt Nam" khiến chúng tôi cảm thấy rất xúc động. Tôi và hàng chục triệu nông dân trên dải đất hình chữ S đã rất vất vả, công hiến nhưng giờ phút này mọi người lại cảm thấy rất vinh quang và tự hào qua những lời động viên, khích lệ của Thủ tướng", nông dân Việt Nam xuất sắc ở Nam Định bộc bạch.
Đại biểu Thuận cũng đánh giá cao 8 vấn đề mà Thủ tướng đã kết luận tại hội nghị. "Các vấn đề Thủ tướng nêu ra và chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện đều rất nóng và sát, trúng với nhu cầu, nguyện vọng của người nông dân hiện nay.
Trong đó có vấn đề thứ 8 rất hay và thời sự, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp, xác định là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển, là lĩnh vực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số, làm thay đổi mạnh mẽ chuỗi sản xuất- chế biến- kinh doanh nông sản, hướng tới mục tiêu "Mỗi người nông dân đều có khả năng truy cập, khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, giảm sự phụ thuộc vào các khâu trung gian từ sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng".
Là người đầu tiên nuôi chim yến lấy tổ tại Nam Định, hiện, mỗi năm gia đình anh Đinh Văn Thuận thu nhập hàng tỷ đồng từ kinh doanh tổ yến, mở ra hướng đi mới cho người dân các xã ven biển, tận dụng lợi thế, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.
Tháng 11/2023, gia đình anh có 2 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) là yến thô và yến tinh chế. Ngoài hai sản phẩm này, hiện cơ sở của anh đang tập trung phát triển các dòng sản phẩm tiện lợi như: yến chưng sẵn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Nông dân Việt Nam xuất sắc ở Nam Định cho hay: Tôi đã chủ động đưa sản phẩm đi phân tích thành phần, hoàn thiện mẫu mã, bao bì, tem mác phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của gia đình, anh tập trung truyền thông, quảng bá, tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ, qua đây làm cho khách hàng yên tâm, tin tưởng vào sản phẩm của gia đình.
"Từ đây, sản phẩm của gia đình thu hái tới đâu được tiêu thụ hết tới đó; trong đó 70% sản phẩm được tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử, các trang mạng xã hội. Cùng với nhà yến tại Hải Hậu, tôi đã phát triển xây dựng 4 nhà yến khác ở trong và ngoài nước", tỷ phú yến ở Nam Định chia sẻ thêm.
Hiện anh Thuận rất mong muốn đưa sản phẩm của mình tiêu thụ tại nước ngoài. Để hiện thực điều đó, anh rất mong được Nhà nước hỗ trợ, đầu tư máy móc phục vụ việc tinh chế yến, hoàn thiện sản phẩm đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu; đồng thời, hoàn thiện bao bì, mẫu mã sản phẩm, làm hài lòng mọi khách hàng.