Đối thoại với nông dân, Thủ tướng 3 lần nhắc đến vai trò của truyền thông cho nông dân về thị trường, chuyển đổi số

Bình Minh Chủ nhật, ngày 31/12/2023 06:15 AM (GMT+7)
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023, ngày 30/12, trong phần trả lời các câu hỏi của nông dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã 3 lần nhắc đến vai trò của thông tin, truyền thông trong việc hỗ trợ nông dân tìm hiểu thị trường, chế biến nông sản và ngăn chặn lừa đảo qua mạng.
Bình luận 0

Chiều 30/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2023, với chủ đề "Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững".

Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp tổ chức được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ và trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 4.150 đại biểu tham dự.

Tham gia đối thoại cùng Thủ tướng, còn có Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội, các hiệp hội; đặc biệt có sự tham dự của hơn 4.000 đại biểu đại diện nông dân trong cả nước.

Sau Hội nghị đối thoại với nông dân, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh thông tin, truyền thông - Ảnh 1.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ và trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: Viết Niệm

Bắt đầu từ năm 2018, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân đã trở thành hoạt động thường niên. Trước Hội nghị lần này, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tiếp nhận gần 2.000 câu hỏi của nông dân gửi tới Thủ tướng Chính phủ, tập trung vào 6 lĩnh vực chủ yếu như: Tình hình thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030"; vai trò của nông dân trong thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đặc biệt, nông dân cả nước đặt nhiều câu hỏi liên quan đến: Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp; giải pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản; giải pháp xử lý rác thải, chất thải, bảo vệ môi trường nông thôn; chăm lo đời sống, an sinh xã hội, công ăn việc làm… cho người dân khu vực nông thôn.

Với quan điểm "nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật, tránh hình thức"; để nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày một phát triển tốt hơn, trên tinh thần dân chủ cao, tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành trực tiếp trả lời, trao đổi với nông dân nhiều vấn đề cụ thể, thiết thực.

Sau Hội nghị đối thoại với nông dân, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh thông tin, truyền thông - Ảnh 2.

Nông dân Đỗ Thị Mỹ Thơm Giám đốc HTX Hùng Thơm (Gia Lai) đặt câu hỏi liên quan đến nắm bắt thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Viết Niệm

Về các câu hỏi liên quan đến vấn đề thị trường, chế biến nông sản và ngăn chặn lừa đảo qua mạng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò cũng như đề nghị đẩy mạnh thông tin, truyền thông.

Theo đó, bà Đỗ Thị Mỹ Thơm Giám đốc HTX Hùng Thơm (Gia Lai), chuyên làm các sản phẩm chanh dây chế biến, phục vụ xuất khẩu đặt câu hỏi, Chính phủ có giải pháp gì để giúp nông dân nắm bắt đầy đủ, kịp thời các thông tin thị trường trong nước và xuất khẩu, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ nông sản?

Về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng để có kiến thức và nhận thức thì phải thông qua quá trình dạy và học. Nhà nước tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn bằng các hình thức khác nhau như các cơ quan báo chí có các chương trình truyền thông với nội dung, thời lượng phù hợp, thúc đẩy xuất bản các loại sách phổ biến kiến thức, hướng dẫn… Ngược lại, người nông dân cũng phải nỗ lực học tập, nghiên cứu, không ngừng nâng cao kiến thức, hiểu biết. Thủ tướng lưu ý rằng, báo chí, đài truyền hình cần dành thời lượng, khung thời gian phù hợp để truyền thông cho bà con nông dân. 

Để có thị trường bền vững, Nhà nước phải đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại, kết nối người nông dân với các sứ quán, cơ quan đại diện thương mại… Về phần mình, người nông dân phải có các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất sạch, sản xuất xanh, thương hiệu, mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý…

Sau Hội nghị đối thoại với nông dân, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh thông tin, truyền thông - Ảnh 3.

Ông Trần Văn Tân, Giám đốc HTX dược liệu QueenFarm (Thanh Hóa). Ảnh: Phạm Hưng

Ông Trần Văn Tân, Giám đốc HTX dược liệu QueenFarm (Thanh Hóa) nêu thực trạng, thị trường tiêu thụ nông sản nội địa gặp nhiều khó khăn, nghịch lý "được mùa rớt giá" thường xuyên lặp lại, tình trạng ùn ứ nông sản vẫn diễn ra mỗi khi vào vụ thu hoạch chính. Tuy nhiên, có tín hiệu đáng mừng là năm 2023, giá trị xuất siêu nông sản của nước ta rất lớn, đạt khoảng 11 tỷ USD.

"Chính phủ có giải pháp gì để hỗ trợ nông dân, HTX đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản địa phương quảng bá lên sàn thương mại điện tử trong nước và các sàn thương mại điện tử nước ngoài để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ?", ông Tân đặt câu hỏi.

Câu hỏi thứ hai của ông Tân đề cập đến nhiều hiện tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng; các đối tượng đã lợi dụng vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin, thiếu sự tiếp cận thông tin, thiếu việc làm hoặc thu nhập thấp của người nông dân để đưa ra các chiêu, trò lừa đảo, hay việc bán những nông sản trên không gian mạng là nông sản kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái.

Sau khi Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân trả lời về câu hỏi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử trong nước và nước ngoài, trao đổi thêm về vấn đề thị trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, có rất nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động chế biến nông sản trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam và các bộ, cơ quan khác đẩy mạnh truyền thông để người nông dân biết, thực hiện các chính sách; khuyến khích, tạo điều kiện cho việc chế biến sâu nông sản. Các địa phương cũng phải hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân tham gia chuỗi cung ứng, chế biến sâu các loại nông sản.

Sau Hội nghị đối thoại với nông dân, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh thông tin, truyền thông - Ảnh 4.

Tại Hội nghị, trả lời các câu hỏi của nông dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính 3 lần nói đến vai trò của công tác thông tin, truyền thông. Ảnh: Nhật Bắc

Về các giải pháp để ngăn chặn và xử lý triệt để các hoạt động tội phạm lừa đảo, trong đó có lừa đảo qua mạng, Thủ tướng nêu rõ, các cơ quan phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông phải tiếp tục trình sửa đổi, bổ sung Nghị định về về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Các tập đoàn, tổng công ty viễn thông dùng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn các thông tin lừa đảo, xấu độc. Các cơ quan báo chí truyền thông phải vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân.

Đồng thời, phải làm tốt công tác phòng ngừa, nhất là người dân phải trang bị kỹ năng, kiến thức trong việc đánh giá, phòng ngừa, tự bảo vệ mình trước nguy cơ lừa đảo, nguy cơ rủi ro. Thủ tướng lấy ví dụ, những quảng cáo về lãi suất lên tới mấy chục phần trăm, thậm chí 100% thì thì nguy cơ rủi ro, lừa đảo rất cao.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân Việt Nam là một hoạt động thường niên do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp tổ chức theo kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hằng năm, Kế hoạch tổ chức Hội nghị được Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đưa vào Chương trình công tác. Đến nay, Hội nghị đã diễn ra được 5 lần với những kết quả hết sức có ý nghĩa, thành công.

Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt được giao là đơn vị trực tiếp thực hiện Hội nghị. Sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân hằng năm được Báo tổ chức truyền thông bài bản, lớp lang đến bà con nông dân cả nước; nhất là công tác tập hợp lấy ý kiến rộng rãi của nông dân cả nước trước thềm diễn ra Hội nghị đối thoại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem