Kết thúc phiên giao dịch cuối năm, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều sụt giảm. Kỳ hạn giao tháng 3 giảm 95 USD, xuống 2.841 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 92 USD, còn 2.8757 USD/tấn, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Kỳ hạn giao tháng 3 giảm 9,70 cent, xuống 188,30 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 9,55 cent, còn 186,20 cent/lb, các mức giảm cũng rất mạnh. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tuần qua nhìn chung tăng, sau đó quay đầu giảm vào cuối tuần. So với đầu tuần, các tỉnh thành đã ghi nhận mức tăng tổng cộng 200 - 300 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 67.400 đồng/kg - tăng 200 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum với 68.100 đồng/kg - tăng 300 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông có giá 68.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.
Hầu hết các thị trường hàng hóa đều sụt giảm khá mạnh trong phiên giao dịch cuối cùng của năm. Giá cà phê kỳ hạn cũng không ngoại lệ.
Theo nhiều nhà quan sát, phiên cuối năm đã chứng kiến sự thanh lý, chốt lời của các quỹ và đầu cơ, trong bối cảnh các yếu tố cơ bản không có gì thay đổi. Khô hạn tại Brazil trong những tháng vừa qua và hiện tượng thời tiết El Nino trên vành đai Thái Bình Dương hình thành đã gây ra mối lo nguồn cung từ các quốc gia tại khu vực sản xuất Robusta lớn nhất thế giới sẽ giảm ít nhất khoảng 6 triệu bao trong niên vụ cà phê sắp tới.
Trong năm, giá cà phê Arabica đã tích lũy giá trị giảm 26,57% trong khi giá cà phê Robusta ngược lại đã tích lũy giá trị tăng 19% do mối lo thiếu hụt nguồn cung.
Trong một báo cáo vào tháng 10, World Coffee Research cho biết thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu cà phê Robusta vào năm 2040 lên tới 35 triệu bao khi tính đến tính đến xu hướng tiêu dùng ngày càng tăng và tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất. Thế giới hiện sản xuất gần 80 triệu bao cà phê Robusta mỗi năm.
Biến đổi khí hậu có thể dẫn đến năng suất thấp hơn đáng kể, từ đó sẽ khiến hàng triệu nông dân sản xuất nhỏ – những người sản xuất 60% sản lượng cà phê của thế giới – dễ bị tổn thương.
Thời kỳ khô hạn kéo dài ở Việt Nam và tình trạng thiếu nước tưới trong những năm gần đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của các nông trại cà phê Robusta ở Tây Nguyên. Việt Nam cũng đang chuẩn bị ứng phó với tác động của El Niño trong những tháng tới.
Giá cà phê biến động khó lường đã gây ra một chuỗi khó khăn đối với các nhà xuất khẩu. Thậm chí, trong năm vừa qua, Việt Nam đã phải nhập khẩu gần 100.000 tấn cà phê từ Brazil, Indonesia để trả nợ cho các hợp đồng. Đây là điều này chưa từng có trong lịch sử của ngành cà phê Việt Nam.
Theo ước tính của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, số lượng cà phê đã ký hợp đồng của vụ cũ nhưng chưa có hàng để giao hiện vẫn còn khoảng 80.000 – 150.000 tấn và phải chờ vụ mới để giao. Trong tháng 11/2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 200.000 tấn cà phê nhưng ước tính một nửa trong số này là để trả nợ cho vụ cũ.